Phim đầu tay của nhà văn Quách Kính Minh gây tranh cãi

Thứ Bảy, 6/7/2013, 13:10 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) -Tiny Times, bộ phim đầu tay của nhà văn có sách bán chạy thuộc hàng đầu Trung Quốc Quách Kính Minh (30 tuổi) đã vừa “hất cẳng” được phim bom tấn Hollywood Người Thép ra khỏi vị trí đầu bảng xếp hạng doanh thu nội địa. Tuy nhiên, phim của anh đang gây nhiều tranh cãi.

Phim được dàn dựng theo cuốn truyện đầu tiên trong bộ ba tiểu thuyết ăn khách cùng tên của Quách Kính Minh. Kể từ khi có mặt tại các rạp chiếu Trung Quốc vào hôm 27/6, đến ngày 3/7 phim đã thu về được 350 triệu NDT (57 triệu USD).  

Phim tập trung mô tả cuộc sống tình cảm và công việc của 4 nữ sinh viên ở Thượng Hải. Họ học trong một trường đại học như cung điện và sống trong những căn phòng có đồ đạc đắt tiền và xa hoa. Nhiều người đã so sánh phim với tác phẩm điện ảnh ăn khách Hollywood Sex AndThe City, tuy nhiên phim Tiny Times không có cảnh sex.

Quách Kính Minh (trái) trong một cuộc trò chuyện mới đây về bộ phim đầu tay của mình

Phim quá phô trương vẻ đẹp và sự giàu sang

Việc phô trương những đồ hàng hiệu như Louis Vuitton, Dior đã bị nhiều người chỉ trích là làm méo mó các giá trị trong lớp khán giả trẻ, khi mục tiêu chính của cả bộ ba tiểu thuyết và bộ phim này là thế hệ 8X và 9X.

Nhiều người đặt vấn đề rằng liệu nội dung phim thiên về chủ nghĩa vật chất như vậy có phù hợp với đối tượng khán giả trẻ nhạy cảm hay không. Cuộc tranh cãi về bộ phim trên trang mạng xã hội Sina Weibo đã thu hút được nhiều sự quan tâm.

Nhà phê bình nổi tiếng Raymond Zhou nhận định về bộ phim trong ngày công chiếu: “Phim Switch, do Lưu Đức Hoa thủ vai chính, đã lập kỷ lục là phim siêu nhảm nhí đạt doanh thu cao. Giờ đây kỷ lục đó đã bị Tiny Times phá vỡ chưa đầy 1 tháng ra rạp. Phát ốm khi thấy bộ phim này lại phô trương sự giàu có và sự vô lý ở một mức độ khác thường. Trước khi xem phim Tiny Times, tôi đã tự nhủ mình phải độ lượng, vì đây là phim đầu tay của Quách Kính Minh… Khi xem hết phim, tôi không thể chịu nổi. Cách khoe khoang vẻ đẹp và sự giàu sang trong phim thật chướng mắt”.

Còn nhà biên kịch kiêm học giả Shi Hang chế nhạo phim trên trang web của mình: “Trong phim không có một diễn viên thực thụ nào và khả năng diễn xuất của họ như nhau”.

Tuy nhiên, Quách Kính Minh, người đóng vai trò đạo diễn của phim, đã tỏ ra bình thản trước tranh cãi. “Con người ta theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn là chuyện hết sức bình thường. Chẳng có gì sai khi vui hưởng một cuộc sống như vậy” – Quách Kính Minh trả lời phỏng vấn của Tân Hoa xã.

Dàn diễn viên phim Tiny Times

Người phá vỡ quy luật

Năm 2012, Quách Kính Minh đã đứng thứ 4 danh sách Các nhà văn giàu nhất Trung Quốc với thu nhập 32 triệu NDT (5,2 triệu USD). Trong cuộc phỏng vấn nêu trên, Quách Kính Minh còn tự gọi mình là người “phá vỡ quy luật”.

“Tôi là người phá vỡ quy luật trong từng nền công nghiệp. Vấn đề cốt yếu ở đây là khán giả có thấy phim khác thường và nó có được nhớ tới hay không. Nếu họ nghĩ nó quá bình thường thì đó là một thất bại đối với tôi” - Quách Kính Minh nói.  

 Theo các nhà quan sát trong nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, phim Tiny Times được phân loại là “chick flick”, chỉ dòng phim tình cảm lãng mạn dành cho phái đẹp, đặc biệt là giới trẻ.

“Khán giả đang thay đổi, nhưng phim thì không. Ta có thể ví thực tế này một cách nôm na rằng, có một con voi đứng trong phòng nhưng bạn giả vờ như không nhìn thấy” - Quách Kính Minh nói.

Cách đây 10 năm, nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc chỉ sản xuất được không quá 100 phim/năm và doanh thu chỉ đạt 1 tỷ NDT. Tuy nhiên, theo thống kê năm 2012, Trung Quốc đã sản xuất được 900 phim, không kể phim tài liệu và phim ngắn, và được trình chiếu tại 15.000 rạp chiếu. Cũng trong năm đó, doanh thu từ các lĩnh vực điện ảnh, phát thanh và truyền hình đạt 34,77 tỷ NDT.

“Ngày nào nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc cũng xuất hiện đạo diễn trẻ” - ông Ren Zhonglun, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Điện ảnh Thượng Hải nói và cho rằng với thực tế đó, nền công nghiệp điện ảnh nội địa nên để thế hệ trẻ hơn được làm phim theo phong cách của họ, chứ đừng bắt phải đi theo bước chân của tiền bối. 

Còn bà An Xiaofen, từng sản xuất những bộ phim nhận được nhiều lời ca ngợi của giới phê bình như Full Circle và Diệp Vấn 2, tin rằng sự phản ứng của các nhà phê bình với Tiny Times, dự án điện ảnh mới nhất của bà, là phản tác dụng.

“Hiện nay, sức ảnh hưởng của một bộ phim rất có giới hạn. Một đất nước không thể có bất cứ sự thay đổi nào vì một bộ phim. Chúng tôi đã đề nghị một nhà văn đạo diễn một bộ phim được đầu tư lớn. Đó là một quyết định rủi ro nhưng đầy cố gắng. Chúng tôi thấy những người làm việc trong nền công nghiệp điện ảnh đã phê bình gay gắt nhất về bộ phim. Điều này sẽ tạo được lợi ích gì cho tương lai của nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc?” - bà An Xiaofen nói.

Trong một buổi chuyện trò mới đây, Quách Kính Minh thẳng thắn nói: “Tôi nghĩ bộ phim này là một phương tiện để thể hiện ước mơ. Đây là phim đầu tay của tôi. Tôi có thể bàn luận về nó với mọi người để qua đó cải thiện được khả năng nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, khi một nhà phê bình không nhận xét về bộ phim, mà lại nói về tinh thần và giá trị của nó, thì tôi nghĩ làm sao một bộ phim có thể chứa được những vấn đề lớn như vậy”.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến