Phát hiện khảo cổ chấn động Gia Lai: Hé lộ 'buổi bình minh' của loài người?

Thứ Ba, 12/4/2016, 7:51 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Các phát hiện di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê (Gia Lai) là bằng chứng khẳng định, thượng lưu sông Ba, vùng An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây trên 80 vạn năm. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là mốc mở đầu cổ nhất về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.

Đó là kết quả sơ bộ nghiên cứu khảo cổ học tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai năm 2016 được Viện Khảo cổ thông báo ngày 11/4 tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Cơ sở để biên soạn lịch sử

Cuối năm 2015 Viện Khảo cổ học phối hợp với các nhà khảo cổ Nga khai quật lần thứ nhất di tích Gò Đá, khai quật mở rộng và khai quật mới di tích Rộc Tưng (thuộc thị trấn An Khê, Gia Lai).

Kết quả tại di tích Gò Đá, đoàn khai quật đã tìm thấy 58 hiện vật đá gồm: 9 công cụ mũi nhọn, 5 công cụ chặt kiểu chopper, 2 nạo, 2 hòn ghè, 6 công cụ mảnh tước, 3 công cụ hạch không định hình, 12 mảnh tước và 12 hạch đá. Đặc biệt, trong các hố khai quật, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy 21 mảnh tectit (thiên thạch ngoài vũ trụ) phân bố trong lớp văn hóa chứa công cụ đá. Đoàn khảo cổ kết luận “có nghĩa là, tectit rơi từ vũ trụ xuống đây khi tầng văn hóa đã và đang hình thành”.

Còn tại hố khai quật Rộc Tưng 1 và Rộc Tưng 4, đoàn khai quật tìm thấy 123 hiện vật đá. Đặc biệt, trong hai hố khai quật này, đoàn khai quật đã tìm được tổng cộng 127 mảnh thiên thạch. Các mảnh thiên thạch này đều nằm trong lớp chứa công cụ đá.


Hiện vật rìu tay được phát hiện tại An Khê

Theo chia sẻ của các chuyên gia, hiện tại, chúng ta phải đợi kết quả phân tích bằng phương pháp quang học để có niên đại tuyệt đối các hiện vật tại đây. Song, dựa vào các cơ sở hiện có, các nhà khoa học đi đến dự đoán tương đối chắc chắn rằng các di tích khảo cổ ở An Khê đều nằm trên thềm cổ nhất của sông Ba có tuổi sơ kỳ Cánh Tân, cách ngày nay trên dưới 1 triệu năm. Niên đại rơi vào trái đất của các thiên thạch chính là tuổi của các di tích. Tuổi các chế phẩm bằng đá do con người ở An Khê làm ra ít nhất phải bằng hoặc lớn hơn 77 vạn năm.

Từ những kết quả ban đầu trên, các nhà khoa học đưa ra khuyến nghị: Công cuộc khai quật nghiên cứu còn đang tiến hành nhưng những tư liệu thu được bước đầu có giá trị quan trọng cho việc biên soạn lịch sử quốc gia. Đồng thời, những phát hiện khảo cố hướng tới xây dựng vùng An Khê thành trung tâm nghiên cứu lịch sử văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế.

Phá tan định kiến về văn minh phương Đông!

Ngoài những hiện vật trên, đợt khảo sát đã phát hiện 2 dìu tay ở di tích Rộc Giáo và Rộc Lớn. Cùng với 2 rìu tay đã phát hiện ở Rộc Tưng và Gò Đá, đến nay đã có 4 rìu tay tiêu biểu cho sơ kỳ đá cũ thế giới. Những phát hiện này mang tính bước ngoặt cho việc soi tỏ căn tính tộc người của các nền văn minh nhân loại.

TS Nguyễn Gia Đối, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ chia sẻ: Phát hiện này đã phá tan định kiến của các nhà khoa học phương Tây về những khác biệt trong văn minh phương Đông- phương Tây trong buổi bình minh của lịch sử loài người. Họ đã cho rằng, ở phương Tây sớm xuất hiện rìu tay, thể hiện sự tiến bộ, năng động của con người. Còn phương Đông bảo lưu lâu dài công cụ ghè đẽo thô sơ dạng chopper. Điều này thể hiện khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không có đóng góp gì cho nhân loại.

“Nhưng, những phát hiện công cụ ghè hai mặt và rìu tay ở An Khê đã bác bỏ nhận định này. Đồng thời, những hiện vật còn bổ sung tư liệu mới vào bản đồ phần bố sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới” - Ông Đối khẳng định.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học tham gia khai quật nhận định: Qua phân tích so sánh về mặt hình thái và kỹ thuật sưu tập công cụ đá ở An Khê với một số di tích sơ kỳ khác ở Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc, những người tham gia khai quật nghiên cứu cho rằng, các chế phẩm tìm thấy ở An Khê còn có một số nét cổ xưa hơn. Tổ hợp công cụ và niên đại của di tích An Khê là tương đương với giai đoạn người vượn đứng thẳng và là một trong những tổ tiên trực tiếp của người hiện đại trên thế giới.

Việc hiện vật có từ thời sơ kỳ thời đại đá cũ nhận được sự nhất quán cao của các chuyên gia. “Dù kết luận cuối cùng có sớm một chút so với tính toán thì giá trị đột phá của những phát hiện này là không thể tranh cãi!” - chuyên gia di sản khẳng định.

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Minh  (12/04/2016 11:21:12)
daukhihangkhong@hotmail.com
Vậy thì ra ông tổ của mình có từ cách đây 80 vạn năm rồi
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến