Những bê bối bất ngờ trong 70 năm LHP Cannes

Thứ Năm, 18/5/2017, 7:36 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Khai mạc vào 17/5 (giờ Pháp, tức sáng nay, giờ Việt Nam), LHP Cannes, đã tròn 70 năm tồn tại. Và bên cạnh cương vị của một trong những sự kiện điện ảnh quan trọng nhất thế giới, , LHP này cũng từng gặp phải những bê bối đầy bất ngờ.

Hãy cùng báo Thể thao & Văn hóa điểm lại những scandal đáng nhớ nhất tại LHP Cannes.

Phim đoạt giải Cành cọ Vàng “chọc giận” Giáo hội Công giáo

Phim La Dolce Vita của nhà làm phim Italy Federico Fellini đã đoạt giải Cành cọ Vàng năm 1960 và vẫn được coi là tác phẩm kinh điển. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo coi bộ phim này là một sự nhạo báng Chúa Jesus và “gán mác” phim là La sconcia vita (Cuộc sống ghê tởm). Phim đã bị cấm chiếu và bị kiểm duyệt ở nhiều nước.

Chú thích ảnh
"La Dolce Vita" của nhà làm phim Italy Federico Fellini

Biểu tình, bãi công khiến LHP bế mạc sớm

Tháng 5/1968, nước Pháp tê liệt với các cuộc biểu tình của sinh viên và đình công. Trong bối cảnh ấy, một số đạo diễn như Claude Lelouch, Jean-Luc Godard, Francois Truffaut và Roman Polanski cũng là những tác nhân khiến cho LHP Cannes phải bế mạc sớm do đình công.

LHP Cannes năm đó đã phải hạ màn sớm khi đạo diễn Carlos Saura đã ngăn cản buổi chiếu giới thiệu bộ phim Peppermint Frappe của ông bằng cách treo lủng lẳng các tấm màn trong rạp chiếu ngay trước phông chiếu phim. Năm đó, không có giải thưởng nào được trao.

Chiến tranh ở Algeria

Năm 1958, 10 năm trước khi xảy ra các cuộc biểu tình và bãi công ở Pháp, Chính phủ Pháp đã cân nhắc hủy bỏ LHP Cannes do khủng hoảng từ cuộc xung đột ở Algeria khi quốc gia này quyết chiến đấu để giành độc lập, thoát khỏi ách thống trị của của Pháp. Cuối cùng, LHP Cannes vẫn được tổ chức theo kế hoạch nhưng nhiều người đã bỏ về sớm và màn bế mạc phim đã bị hủy.

Nữ diễn viên Pháp Isabelle Adjani bị “tẩy chay”

Năm 1983, nữ diễn Pháp Isabelle Adjani được giao vai chính trong phim One Deadly Summer, tuy nhiên cô đã từ chối tham dự cuộc họp báo truyền thống nhằm quảng bá phim. Thái độ của Adjani đã khiến các nhà báo tức giận và họ đã “lập mưu” để “trả thù” cô. Hậu quả là khi Adjani xuất hiện trên thảm đỏ trong buổi chiếu giới thiệu phim, các nhiếp ảnh gia đã bỏ hết máy ảnh của họ xuống và quay lưng lại với cô.

Chú thích ảnh
Isabelle Adjani được giao vai chính trong phim "One Deadly Summer"

 Đạo diễn đoạt giải hét: “Tôi không thích các người”

Năm 1987, Maurice Pialat đã trở thành đạo diễn Pháp đầu tiên trong 21 năm đoạt giải Cành cọ Vàng với phim Under the Sun of Satan. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với lựa chọn đó và Pialat đã phải hứng chịu nhiều nhạo báng khi lên sân khấu nhận giải.

Đạo diễn này đã vung nắm đấm của mình và hướng về khán giả rồi hét to: “Nếu mọi người không thích tôi, tôi cũng có thể nói rằng tôi không thích các người”.

Khai mạc LHP Cannes 2017: Đếm ngược đến giờ G

Khai mạc LHP Cannes 2017: Đếm ngược đến giờ G

LHP Cannes 2017 đang đếm ngược từng giờ trước giờ khai mạc, và dưới đây là những thông tin cần thiết đối với nhưng ai quan tâm tới một trong những sự kiện phim ảnh danh tiếng nhất hành tinh.

Bộ phim khiến hàng trăm người bỏ về

Hồi năm 2002, 250 người đã rời khỏi buổi chiếu giới thiệu phim chính kịch làm về nạn cưỡng hiếp có tựa đề Irreversible của đạo diễn Argentina Gasper Noe. Được biết nhân viên y tế còn phải cho nhiều người thở oxy.

Phim đã gây tranh cãi lớn với câu hỏi: phải chăng những hình ảnh về bạo lực tình dục gây sốc là nguyên nhân của hiện tượng này? Tuy nhiên, những khán giả vẫn theo dõi phim đến cùng lại tán thưởng tác phẩm này với tràng pháo tay kéo dài tới 5 phút.

Phim Fahrenheit 9/11 tạo “cơn bão” chính trị

Bộ phim tài liệu Fahrenheit 9/11 phản đối chính quyền Tổng thống George Bush của đạo diễn Mỹ Michael Moore đã gây nên một “cơn bão” chính trị khi phim được chiếu ra mắt. Ban giám khảo LHP Cannes 2004 đã trao giải Cành cọ Vàng cho bộ phim này. Phim đã khiến những người theo cánh hữu ở Mỹ tức giận, trong khi hãng Disney từ chối phát hành phim.

Đạo diễn Lar Von Trier: "Tôi là người  của Đức quốc xã"

Lars Von Trier vốn là đạo diễn ưa khiêu khích và gây tranh cãi. Năm 2011, ông đã trở thành tâm điểm của một bê bối tại LHP Cannes. Cụ thể, tại cuộc họp báo quảng bá phim Melancholia của mình, Von Trier đã bày tỏ sự cảm thông đối với trùm Phát xít Đức Adolf Hitler.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Lars Von Trier từng phải rời khỏi LHP Cannes vì bài phát biểu khiêu khích

Sau đó biết mình đang mắc vào sai lầm ngớ ngẩn, Von Trier nói thêm: “Tôi không ủng hộ Thế chiến II và tôi không chống lại người Do Thái… Tôi yêu quý người Do Thái nhiều, à không, không nhiều lắm bởi Israel vẫn còn là một nỗi đau?”. Cuối cùng, vị đạo diễn kết luận: “Tôi là người của  Đức quốc xã”.

Sau đó, Von Trier đã xin lỗi nhưng ông vẫn bị ban tổ chức LHP Cannes mời rời khỏi sự kiện điện ảnh này và từ đó đến nay không được mời trở lại.

Danh hài Baron Cohen gây náo loạn với áo tắm “mankini”

Màn “trình diễn” áo tắm của các ngôi sao tới LHP Cannes vốn là “truyền thống” của sự kiện điện ảnh này. Có điều danh hài Anh Sacha Baron Cohen đã tạo nên scandal ở LHP Cannes năm 2014 khi anh cũng xuất hiện trên bãi biển ở Cannes với bộ "mankini" (bộ bikini dành cho... đàn ông) màu xanh lá cây nhằm quảng bá cho phim Borat: Cultural Learnings of America for Make Benefit Glorious Nation of Kazakhstan.

Chú thích ảnh
Sacha Baron Cohen "đại náo" LHP Cannes với bộ đồ lập dị

Sự xuất hiện của Cohen trong trang phục kỳ dị ấy đã khiến nhiều người sửng sốt và làm sao nhãng những giây phút yên bình của những người tắm nắng trên bãi biển.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

 

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến