(Thethaovanhoa.vn) - Suốt cuộc đời mang hết tâm huyết cống hiến cho nghệ thuật tuồng, là người đầu tiên mở trường đào tạo nghệ nhân tuồng trên đất Việt, là người đã để lại hàng trăm pho kinh điển và mẫu mực cho sân khấu tuồng Việt Nam… Đào Tấn xứng đáng được suy tôn là ông tổ nghề tuồng Việt Nam.
Sinh năm 1845 trong một gia đình dòng dõi quý tộc ở làng Vĩnh Thịnh, tổng Nhân Ân, phường Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tài năng của Đào Tấn bộc lộ ngay từ tuổi thiếu niên. Năm 12 tuổi, đã làm được nhiều bài thơ hay, 19 tuổi đã viết được kịch bản tuồng, 22 tuổi đỗ cử nhân và ba năm sau tên tuổi của ông đã vang tới tận triều đình nhà Nguyễn. Vua Tự Đức đã vời ông về kinh sung chức Hiệu thư (quan phụ trách văn học).
Đào Tấn từng làm Tri phủ Quảng Trạch, Phủ doãn Thừa Thiên, hai lần làm Tổng đốc Nghệ An Hà Tĩnh và bốn lần làm thượng thư, mặc dù đã có lúc ông treo ấn từ quan về quê theo đuổi nghiệp sáng tác tuồng…
Nói đến Đào Tấn là nói đến sự cống hiến lớn lao đối với môn nghệ thuật tuồng. Sân khấu Tuồng Việt Nam phát triển từ rất sớm và đến đầu thế kỷ thứ XVIII đã xuất hiện nhiều vở diễn nổi tiếng còn truyền lại cho hậu thế sau này. Nhưng môn nghệ thuật tuồng vẫn còn hạn chế do cách tổ chức chưa được chuyên nghiệp.
Đến thời Đào Tấn, bằng lao động sáng tạo, lòng say mê, tâm huyết và tài năng của mình ông đã đóng góp cho môn nghệ thuật Tuồng Việt Nam đạt được những bước tiến rực rỡ.
Ông là người đầu tiên thành lập các đội tuồng chuyên nghiệp được hưởng lương và cấp bậc. Ông cũng là người đầu tiên mở Học bộ đình, trường đào tạo diễn viên chính quy ở Vinh (Nghệ An) và ở Bình Định.
Đào Tấn đã để lại hậu thế một di sản nghệ thuật đồ sộ với hơn 1.000 bài thơ, từ, gần 100 vở tuồng và tập sách lý luận sân khấu mang tên “Hý trường tùy bút” cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. Trong hơn 100 vở tuồng của ông, có rất nhiều vở nổi tiếng, đến nay vẫn còn được biểu diễn như: “Cổ thành”, “Hộ sinh đàn”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, “Diễn võ đình”...
Những vở tuồng của Ðào Tấn đã để lại trong lòng quần chúng nhiều điển hình nhân vật không phai mờ về những con người bất khuất, không chịu đầu hàng trước những điều bất công. Ông cũng đã lên án mạnh mẽ cái xấu xa của bọn vua quan phong kiến với những suy nghĩ rất mới mẻ, gần với chủ nghĩa hiện thực. Ông có công nâng văn học tuồng lên trình độ bác học và sáng tạo một phương pháp sáng tác mới cùng với những cách tân trong nghệ thuật biểu diễn.
Làm quan gần 30 năm trong triều Nguyễn tới chức Thượng thư Bộ Công, rồi Bộ Binh, Bộ Hình, song danh nhân văn hóa Đào Tấn được người đời sau nhớ đến nhiều nhất như “hậu tổ” của nghệ thuật tuồng hát bội.
Đào Tấn vừa là người bảo vệ truyền thống, vừa là người phát huy và cách tân tuồng truyền thống. Ông đưa tuồng từ dân gian vào cung đình, rồi từ cung đình tỏa ra dân gian. Vì vậy, mà dân gian gọi là "Tuồng cụ Đào". Ông là người đầu tiên phá vỡ đề tài "Quân quốc", một đề tài duy nhất của tuồng cổ, phá vỡ cả nguyên tác kết cấu kịch bản truyền thống là "có hậu". Kết cấu kịch bản tuồng của Đào Tấn không có hậu mà có những cuộc ra đi tìm chân lý của các nhân vật anh hùng nghĩa sĩ, những nạn nhân của triều đình phong kiến…
Nhân dân đam mê tuồng Đào Tấn không chỉ bởi màn lớp tuồng ly kỳ lý thú, diễn viên hát hay, múa đẹp mà còn bởi họ tìm được ở đó nhiều giá trị nhân văn. Sống trong xã hội phong kiến suy tàn, nhân dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hệ tư tưởng Nho giáo. Con người bị đè nén trói buộc bởi Tam Cương, Ngũ Thường…
Bước vào thế giới nghệ thuật của Đào Tấn, nhân dân tìm được những gì họ mong ước. Đó là sự bình đẳng trong quan hệ nam nữ; công bằng giữa kẻ đúng người sai; không phân biệt sang - hèn, giàu - nghèo,… Điều này thể hiện rất rõ ở các tác phẩm của ông. Nếu như nam anh hùng có Tiết Cương, Kim Lân, Quan Vũ, Trương Phi,… thì nữ kiệt cũng có Lan Anh, Dương Tú Hà, Phương Cơ, Xuân Hương, Bích Hà,…
Đào Tấn mong lấy nghệ thuật làm cho con người hoàn thiện hơn và sống tốt hơn. Điều này không những được thể hiện trong toàn bộ sáng tác của ông (văn thơ và kịch bản) mà cả trong quan điểm lý luận của ông.
Có thể nói trong lịch sử tuồng Việt Nam, Đào Tấn là tác giả viết nhiều nhất và có chất lượng cao nhất và ngoài ra ông còn có công trong hoàn thiện âm nhạc tuồng, hệ thống các vấn đề mỹ thuật sân khấu tuồng như trang trí, trang phục đến đạo cụ. Với đóng góp đặc biệt xuất sắc, Đào Tấn đã được các thế hệ đời sau suy tôn” Hậu tổ” của nghệ thuật Tuồng Việt Nam.
Giai đoạn Đào Tấn còn sống, là thời kỳ phát triền hưng thịnh nhất của nghệ thuật tuồng. Sau này, mặc dù ông đã khuất, Học bộ đình cũng không còn nhưng từ vườn ươm ấy, nghệ thuật tuồng đã nảy nở khắp nơi. Các học trò của ông là những nghệ sĩ tài năng nổi tiếng nhất, mà cho đến bây giờ khó có ai sánh kịp về hát, về múa, về diễn xuất có chiều sâu. Đến nay đã có mười thế hệ tiếp nối phong cách tuồng của Đào Tấn.
Họ đang là diễn viên trụ cột của các đoàn tuồng khắp đất nước. Nghệ thuật sáng tác cũng như kỹ thuật biểu diễn tuồng của Đào Tấn đã trở thành cổ điển, mẫu mực, hai nhà soạn tuồng nổi tiếng như Nguyễn Hiển Dĩnh, Ưng Bình Thúc Giạ Thị ở Quảng Nam và ở Huế đều kế thừa phương pháp nghệ thuật Đào Tấn mà ngày nay chúng ta cần học tập, ứng dụng trong sáng tác, biểu diễn và trong đào tạo.
Theo Giáo sư nghệ thuật sân khấu Hoàng Chương: “Tuồng Đào Tấn luôn là hình mẫu của nghệ thuật tuồng từ xưa đến nay. Tính độc đáo của tuồng Đào Tấn chính là sự tiếp thu tinh hoa tuồng thế kỷ XVIII, nhưng đã có sự thay đổi lớn về nội dung tư tưởng. Trong tuồng Đào Tấn, tư tưởng chính nghĩa luôn sáng ngời, cũng giống như chính cuộc đời ông, một vị quan thanh liêm.
Về kết cấu nghệ thuật, không còn khô cứng như tuồng thế kỷ XVIII, tuồng Đào Tấn đầy tính chất bi hùng, quyết liệt nhưng vẫn mang đậm tính lãng mạn, trữ tình, gần gũi với người dân. Ông cũng là người đã mạnh dạn đưa các làn điệu dân ca Việt Nam vào nghệ thuật tuồng để diễn tả tâm trạng các nhân vật một cách linh hoạt.
Chính Đào Tấn cũng là người đầu tiên đưa võ thuật dân tộc vào trong tuồng khiến tuồng Đào Tấn nói riêng, tuồng Việt Nam nói chung mang đậm bản sắc riêng khác hẳn với tuồng Trung Quốc... Từ trước đến nay và mãi mãi về sau, các vở tuồng của Đào Tấn luôn là kiệt tác và là mẫu mực cả về kết cấu nghệ thuật và văn chương”.
Với những đóng góp lớn lao cho nghệ thuật tuồng dân tộc, Đào Tấn đã được Nhà nước tôn vinh là Danh nhân Văn hóa quốc gia. Khu mộ của ông trên núi Huỳnh Mai (Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) cũng được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.
TTXVN/Thanh Hoa