(Thethaovanhoa.vn) - Ai từng qua Đà Lạt đều có cảm giác lưu luyến khi rời xa, nhưng nói đang ngoại tình với thành phố mơ màng đó, thì chỉ có nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Tập tản văn Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách (NXB Trẻ, tháng 12/2014) của anh tràn trề sắc thái tình yêu trong trẻo, hồn nhiên.
Người đàn ông giữa “bụi mờ thiên lý”
Mỗi lần ngồi bên nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên trong quán cà phê quen thuộc, uống ly cà phê lạnh, nghe bản nhạc vu vơ buồn, lại thấy anh như đang đi lạc vào cõi nhớ hoang sơ nào đó.
Đôi khi, nhìn cơ thể anh dần co lại vì tinh thần đang hoang hoải, ánh mắt nhìn xa xa, xuyên qua lớp cửa kính, dõi theo mấy cành cây la đà trong gió sớm để hắt tiếng thở dài, là biết anh lại thèm rời khỏi thành phố đông người, vào một hành trình kiếm tìm mới.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên
Cuộc đời anh, từ khi tôi biết, gắn liền với những chuyến đi. Lang thang nhiều nơi nhiều chốn, chụp hình và ghi nhớ bằng bao lần ngồi tốc ký ven đường. Chưa kịp rời chốn đi, lòng đã thấy da diết nhớ. Cảm giác lắm khi anh mê say cảnh hơn yêu người.
Tôi vẫn dõi theo mỗi cung đường anh qua trên tờ báo mà anh đang làm việc, những tấm hình sao nhói lên những cô đơn của một cái cây nằm xa giữa khoảng trống thung lũng, hay một ngôi nhà lẻ loi trên triền đồi.
Trên nẻo thiên lý lấm bụi đường, đọng trong tôi là hình ảnh người đàn ông bé nhỏ mặc bộ quần áo bạc, trên vai đeo chiếc ba lô sờn mép, cứ thong thả đi từng bước, ngắm nhìn, thu vén từng chi tiết cảnh vật vào não bộ, mà sung sướng vì đang được sống thực, sống giao hòa với thiên nhiên.
Tôi biết nhiều người yêu Đà Lạt, nhưng ít ai trong điên cuồng miên man như nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên. Đang ngồi trong một quán giữa quận 7, TP.HCM, anh chỉ tôi thấy cái sự giống của nơi này với một góc Đà Lạt, để sáng sáng chọn nơi đây đọc sách. Dù cố căng mắt ra, tôi vẫn chẳng thấy liên quan gì, ngoài khoảng không gian rộng và thoáng, đủ để gió vờn lên mấy chiếc lá phơi sương lăn lóc trên vỉa hè.
Nỗi niềm ấy quá sâu nặng, làm tôi tưởng anh chôn mình giữa phố mà lâu quá chưa trở về, nhưng không, anh vẫn thu xếp để có thể đi, chìm mình vào những con đường lan ven triền đồi chạy dọc theo miền khói sương. Nhưng sự ngăn trở chỉ thời gian ngắn đủ làm hồn anh tái tê thương nghĩ.
Bìa cuốn sách Với Đà Lạt ai cũng là lữu khách
Lãng mạn da diết đầy u uẩn
Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách gồm 23 tản văn, được Nguyễn Vĩnh Nguyên ghi chép trong suốt 15 năm qua. Từng có 5 năm sống ở Đà Lạt, và như anh kể, tìm mọi cách để neo lại thành phố ấy. Nhưng rồi đến lúc anh vẫn phải chia tay với căn gác xép, nhờ ẩm mốc mà nhận ra hơi thở mang màu xanh rêu, với băng cát xét đắm chìm tình khúc Lê Uyên Phương, với mối tình không lời với một cô gái không tên, như bước ra từ tiểu thuyết của Haruki Murakami. Và từ đó, anh biết bản thân không thuộc về nơi nào cả.
Còn Đà Lạt trong Nguyễn Vĩnh Nguyên là “những chiều nắng lạnh, trời khô và hai bên đường, hoa quỳ nở rộn ràng” (T45), hay người đàn bà khuyết tật ngồi đan len bên cửa sổ, “trong căn nhà gỗ rất nhỏ ở thị tứ Dran buồn hiu hắt” (T46), hoặc “một bóng chim ngơ ngác đậu vào song thép lạnh trên vòm tháp chuông” (T107)…
Viết về tình yêu nên trong cuốn sách nhỏ mỏng mà nặng trĩu từng chữ này, dễ bắt gặp một nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên rất thực với con người bên trong lãng mạn da diết đầy u uẩn. Đọc để thấy con người bên trong hiện ra rõ ràng cùng sự phong lưu trữ tình của một linh hồn tự do phóng khoáng, không biên độ giới hạn cho cảm xúc.
Kết thúc cuốn sách, rồi cũng hiện lên rõ nét gương mặt người gắn bó với Đà Lạt như Nguyên – MPK, tay nhiếp ảnh Khùng, cùng Lê Uyên và Phương “đôi tình nhân nắm tay nhau đi vào tân nhạc Việt Nam" (T136). Có lẽ, chỉ dừng lại thế, như một nỗi lòng chia sẻ một thủa ký ức hay muốn níu kéo những khoảnh khắc tưởng đã đi qua mà còn đọng lại trong từng nếp não.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã cho ra mắt nhiều tuyển tập truyện, bên những cuốn sách tản văn tạp văn đầy màu sắc của thế giới vật chất tràn ngập, của những rệu rã tinh thần chìm ngập dưới sự bám víu sở hữu, của tiếng cười khinh khái nhẹ nhàng khi nhìn vào nỗi đau khổ tự diễn, lặp đi lặp lại vô thức của mỗi phận người trong thành phố huyên náo, chật chội bao toan tính. Đó cũng là một Nguyễn Vĩnh Nguyên của chiêm nghiệm sâu sắc và cũng khô khan lạnh lẽo.
Để đến Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách, sẽ thấy một góc nhìn khác hẳn về nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, bởi tất cả mỗi từ trong cuốn sách ấy, được viết ra từ những rung động mạnh mẽ trong cõi tinh thần thuần khiết. Tôi thích “Nguyên này”, khi “Nguyên hiện rõ Nguyên vẹn Nguyên” - không có điều gì làm phai mờ hay thay đổi.
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa