Nhà văn Nguyễn Quang Thiều 'tuyên chiến' với nạn chảy máu sắc phong

Thứ Ba, 28/2/2017, 10:29 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày cuối tháng 2, thay mặt nhóm "Nhân sĩ Hà Đông", nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã kêu gọi những người đang giữ các đạo sắc phong hãy chấm dứt việc bán  loại cổ vật này ra nước ngoài, đặc biệt là sang Trung Quốc.

Thay vào đó, ông có nguyện vọng sắc phong sẽ được bán lại cho những người Việt Nam có tâm huyết và điều kiện để dâng trả cho các địa phương. Lý tưởng hơn, những người giữ sắc phong nên trực tiếp trả về các địa phương, bởi đây là một trong những di sản văn hóa và tâm linh của người Việt.

Sẵn sàng bỏ tiền chuộc

Thực tế, việc mất cắp sắc phong ở đình miếu, chùa chiền diễn ra dai dẳng nhiều năm nay, trong đó nhiều bản sắc phong mất cắp đã bị tẩu tán nước ngoài…Do vậy, từ 3 năm nay, nhóm Nhân sĩ Hà Đông, (gồm những văn nghệ sĩ, doanh nhân, công chức...) đã kêu gọi người giữ sắc phong tặng lại cho các làng quê Việt.

Ý tưởng này bắt đầu khi một thành viên trong nhóm sưu tập được khoảng hơn 200 đạo sắc phong. Xót xa trước những giá trị quý báu bị tản mạn, trở thành hàng hóa, cả nhóm đã bàn nhau rồi quyết định thuê dịch, hợp tác với chuyên gia phân loại, liên hệ về địa phương bị mất.


Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (phải) cùng nhóm Nhân sỹ Hà Đông trao tặng 7 đạo sắc phong cho dân làng Gòi Thượng (Hà Nam)

Trao đổi với báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “Sắc phong chính là hồn cốt của cộng đồng, của vùng đất, của di tích được sắc phong. Do vậy, cần phải tìm cách mang trả về đúng nơi được sắc phong ấy. Đó là sự gìn giữ, hồi phục lại tinh thần, giá trị văn hóa của địa phương".

"Chúng tôi cũng tự ý thức được mình không đủ sức làm một việc lớn như thế suốt quá trình lâu dài. Vì vậy, với những người đang lưu giữ, sưu tập sắc phong không phải của làng mình, chúng tôi đề nghị họ tặng lại cho dân làng, hoặc trước đây mua bao nhiêu thì để lại giá ấy" – ông chia sẻ thêm. "Nếu không có ý tặng thì chỉ cần báo lại, để chúng tôi chuộc và mang về địa phương".

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đến nay, đã có trường hợp một số người buôn bán, sưu tập trao trả lại các đạo sắc phong này. Nhiều nhà nghiên cứu cũng vào cuộc, sẵn sàng hỗ trợ dịch các đạo sắc phong để giúp vật cũ trở về "chính chủ". Nhóm Nhân sĩ Hà Đông có nghĩa vụ kết nối, làm việc với địa phương để trao trả lại sắc phong cho làng bằng các nghi lễ trang trọng, chỉn chu.


Một phần số sắc phong đang được nhóm lưu giữa và tìm cách trao trả

Những thành quả đầu tiên

Tháng 6/2016, 4 đạo sắc phong đầu tiên đã được nhóm Nhân sĩ Hà Đông trao tặng cho người dân làng Hậu Xá (xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội). Các cụ trong làng vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh lần “đạo chích” cuỗm sạch 10 đạo sắc phong đựng trong hộp gỗ duối cùng lư đồng, khí tự… tại đình làng trong quá khứ - cũng như những cuộc tìm kiếm vô vọng tiếp theo.

Do vậy, làng Hậu Xá đã vô cùng phấn khởi khi biết tin nhóm Nhân sĩ Hà Đông ngỏ ý tặng làng 4 đạo sắc phong đã mất, cộng cùng buổi lễ rước sắc được tổ chức long trọng, nghiêm trang. Tại đình làng, người dân Hậu Xá thiết tha, gửi gắm: “Nếu ai tìm thấy sáu đạo sắc liên quan đến làng Hậu Xá, hay là Bạch Xá Trang (tên xưa của làng) thì xin báo để chúng tôi tìm cách đi thỉnh về! Làng vẫn còn thiếu 6 đạo sắc nữa”

Hoặc, ngày 18/12/ 2016, 7 đạo sắc phong tiếp theo cũng đã được nhóm trao tặng cho dân làng Gòi Thượng, xã An Nội (Xuân Lôi cũ), huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. 7 đạo sắc phong này đã bị lấy cắp từ hơn 10 năm trước, và chỉ được nhận diện nguồn gốc qua bản dịch của Tiến sỹ Trương Đức Quả, Viện Hán Nôm.

Đáng nói, khi người dân làng Gòi Thượng khăn áo chỉnh tề để đón 7 đạo sắc phong, những người đại diện của một số làng quanh đó cũng... nhờ nhóm Nhân sĩ Hà Đông giúp tìm lại những đạo sắc phong bị mất của làng mình. Bởi thế, công việc của nhóm vẫn còn tiếp tục.

Đến giờ, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã mua thêm được 31 đạo sắc phong, nhận được 12 đạo sắc phong do một số người trao tặng và đang giám định và đang dịch 39 đạo sắc phong. Trong đó, nhóm đã xác định được 9 đạo sắc phong thuộc về thôn Na và thôn Đoài (xã Phương Ngải, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) và đang liên lạc với địa phương này để trao trả.

“Gần đây, chúng tôi được biết nhiều người Trung Quốc vẫn đang tìm mua các đạo sắc phong Việt"- nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ. "Nghĩa là, nguy cơ thất thoát các đạo sắc phong ra nước ngoài vẫn  chưa hề dừng. Chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức tọa đàm, bổ sung ngân sách, thành viên... cho công việc của mình, với hi vọng giảm thiểu nguy cơ ấy".

"Văn bản" đặc biệt của lịch sử

Sắc phong (gọi đầy đủ là đạo sắc phong) xuất hiện từ khoảng thế kỷ 15 và được xem như một loại văn bản pháp quy chính thống của nhà nước phong kiến. Về cơ bản, sắc phong gồm 2 loại: dùng để phong cấp, tưởng thưởng chức tước cho các công thần và dùng để sắc phong thần cho các thần linh hoặc những bậc hiển thánh (thành hoàng làng). Loại sắc phong thứ 2 là tài sản chung của cả cộng đồng làng xã cho nên thường được cất giữ tại các đình, đền, miếu mạo


An Như
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến