(Thethaovanhoa.vn) - Tối 30/7, phiên đấu giá số 5 tại Nhà đấu giá Chọn đã diễn ra thành công ngoài mong đợi. Ở đó, bức Tình yêu đầu tiên (chất liệu bột màu, kích thước 45x50cm) sáng tác năm 1973 của danh họa Trần Văn Cẩn có giá khởi điểm 6.000 USD đã được trả giá cao kỷ lục: 41.000 USD (gần 1 tỷ đồng).
1.Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay tại Nhà đấu giá Chọn. Tác phẩm có giá cao thứ hai là Con giáp (bột màu, 29x33cm) của Nguyễn Tư Nghiêm với giá 16.000 USD. Tác phẩm có giá cao thứ 3 chính là bức Phố cũ (sơn dầu, kích thước 50x40cm) - từng bị nghi là tranh giả - được gõ búa với giá 12.500 USD.
Tổng giá trị giao dịch toàn phiên là 83.400 USD. Tuy nhiên, trong 12 mục đấu, có 4 hạng mục không có người trả giá, 2 hạng mục chỉ được trả giá khởi điểm…
Điều đặc biệt có thể nhận thấy ở phiên đấu giá thứ 5 của Chọn là tình yêu với hội họa Việt từ các nhà sưu tập trẻ. Người thắng đấu giá bức tranh Tình yêu đầu tiên là Hà Huy Thanh (sinh năm 1982). Người thắng đấu bức Con giáp là Lê Đình Chiến. Và người thắng đấu giá bức tranh Phố cũ là Phùng Quang Việt (sinh năm 1987).
Khi Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đặt câu hỏi “Vì sao anh lại mua bức tranh Phố cũ vốn đang có nghi vấn là tranh giả?”, nhà sưu tập trẻ Phùng Quang Việt trả lời luôn: “Vì tôi thích. Chỉ vậy thôi!”, đồng thời xin lỗi vì từ chối chia sẻ thêm.
Cần nhắc lại, trước phiên đấu giá này, ngày 22/10/2006, nhà đấu giá Sotheby’s (Singapore) từng bán đấu giá một bức Phố cũ tương tự của Bùi Xuân Phái với giá 11.443 USD. Nhà đấu giá Christie’s (Hong Kong) sau đó cũng bán một bức tranh Phố cũ vào ngày 25/5/2014 với giá 12.804 USD.
Do vậy, họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai danh họa Bùi Xuân Phái cũng từng cho rằng bức tranh này chỉ là tranh chép. Tuy nhiên, đại diện Nhà đấu giá Chọn khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng vào đội ngũ chuyên gia thẩm định của mình”.
Sau đó, giới chuyên môn cũng lên tiếng cho rằng, khó có thể biết được ở trên thế giới còn có “bao nhiêu” bức tranh mang tên Phố cũ của danh họa Bùi Xuân Phái và tranh cãi về mặt cảm quan cũ - mới, về chất sơn, chất toan, đinh cũ... thì cãi nhau là vô chừng... không hồi kết! Cách tốt hơn cả là nhờ khoa học kỹ thuật, làm phân tích Cacbon để xác định tuổi của bức tranh, nhưng cách này trên thế giới người ta làm chuẩn chứ Việt Nam thì…cũng chưa chắc!
Do vậy, trước khi người mua quyết định đặt cọc, trả giá… phải tỉnh táo và sáng suốt.
Tại phiên đấu ngày 28/5 có tên Asian 20th Century Art của nhà Christie's vừa kết thúc ở Hong Kong, tác phẩm sơn mài La Moyenne Région của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung đã bán với giá thuộc hàng cao nhất.
2. "Giá bức tranh tuỳ thuộc năng lực nhà sưu tầm”, nhà sưu tập Hà Huy Thanh, người bỏ 41.000 USD mua bức Tình yêu đầu tiên của danh họa Trần Văn Cẩn, nhận xét.
“Nền nghệ thuật Việt Nam có một giá trị tiềm tàng rất lớn, giá trị sử dụng rất cao nhưng giá trị trao đổi rất thấp” – anh nói thêm. Như những gì vừa diễn ra, anh Thanh đã sẵn sàng bỏ ra cả tỷ đồng để có được một bức tranh của danh họa vì thấy được tiềm năng cao trong lĩnh vực này.
Hiện nay, khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực (từ ngày 1/7/2017), các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đang là một xu hướng kinh doanh mới tại Việt Nam với 3 đơn vị: Chọn, Lạc Việt và Lythi.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, các nhà đấu giá chỉ là cầu nối trung gian giữa người mua và người bán, còn việc thẩm định, đánh giá tác phẩm đỏi hỏi phải là người có chuyên môn cao và trung thực.
Bởi, Luật Đấu giá tài sản cũng chưa quy nhiều trách nhiệm cho các đơn vị đấu giá, khi không buộc họ chịu trách nhiệm về giá trị và chất lượng của tài sản đấu giá. Chính vì vậy, tranh giả hay thật hoàn toàn phụ thuộc vào người bán và khả năng thẩm định của người mua.
Trên lý thuyết, rủi ro mua phải tranh giả, tranh chưa rõ nguồn gốc vẫn có thể xảy ra, dù cho người mua được trực tiếp xem tác phẩm hay có quyền yêu cầu nhà đấu giá cho xem các giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và các tài liệu liên quan đối với tác phẩm nghệ thuật mà họ định mua. Bởi, những giấy tờ đó hoàn toàn cũng có thể bị làm giả ngoài ý muốn của những người trong cuộc.
Dù vậy, vẫn có thể khẳng định rằng những phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đã góp phần mở ra kênh mua, bán tác phẩm nghệ thuật một cách công khai, và thúc đẩy hoạt động sáng tác nghệ thuật.
Nói như nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung, có được "người mua" Việt Nam với những giá như tại phiên đấu giá vừa diễn ra là vô cùng đáng quý. Bởi, điều này sẽ góp phần đẩy giá tranh Việt Nam lên dần, cả trong và ngoài nước.
Ngọc Tường
Thể thao &Văn hóa