(Thethaovanhoa.vn) - Đặt mục tiêu sản xuất 4 phim/năm, sau Hương Ga, Truy Sát, Trương Ngọc Ánh chuẩn bị cho ra Vệ sĩ Sài Gòn và sắp bấm máy Sắc đẹp ngàn cân. Nhà sản xuất xinh đẹp, năng động này hiện đang ở LHP Quốc tế Hà Nội 4 săn tìm cơ hội hợp tác quốc tế. Với Trương Ngọc Anh, cơ hội chỉ đến cho những người làm việc chăm chỉ và chịu khó đi tìm.
Trương Ngọc Ánh đã trò chuyện với
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về tình hình sản xuất phim trong nước, trong bối cảnh 10 phim ra rạp chỉ có 2 phim có lãi.
Sợ nhất là phim ra rạp mà gặp “bom tấn”
* Phim Truy sát có nhà sản xuất tốt chống lưng, quảng bá tốt, nhưng doanh thu không tốt, theo chị lý do vì sao?
- Làm phim hành động rất khó vì kinh phí cao, luật điện ảnh không được phép làm bạo lực quá, thể loại này lại bị giới hạn độ tuổi người xem là 16+.
Thời điểm phim ra rạp lại lúc “bom tấn” Cậu bé rừng xanh, một bộ phim dành cho mọi lứa tuổi, tới nước nào cũng thắng ra rạp. Nên sau Truy sát, tôi đã phải nghĩ đến hướng sản xuất phim cho số đông khán giả, sắp tới tôi sẽ làm hai bộ phim sao để cả gia đình khán giả cũng xem được.
Trương Ngọc Ánh trả lời phỏng vấn tại Tọa đàm “Điện ảnh Ấn Độ hợp tác và phát triển” thuộc khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội 4
* Khán giả chê Truy sát làm về các chiến sĩ công an Việt Nam, nhưng bối cảnh toàn khách sạn, resort. Sự xa rời thực tế này là nguyên nhân dẫn đến thất bại?
- Đúng là chúng tôi đã phải rút kinh nghiệm rất nhiều sau phim này. Nhưng cũng phải nói thật là làm đề tài cảnh sát rất khó, có nhiều vấn đề nhạy cảm không thể đưa lên phim, ngoài ra cũng phải tính sao cho phim hấp dẫn nữa. Truy sát cũng được một cái là khi ra nước ngoài, mọi người khá ngạc nhiên là Việt Nam đã bắt đầu làm được phim hành động.
* Nhưng Truy sát cũng giống như nhiều phim Việt khác, đang bị chê ảnh hưởng phim Hàn, phim Mỹ quá nhiều đến nỗi khó có thể nói đây là phim Việt.
- Để ra được chất Việt không dễ đâu. Làm phim hành động kiểu Việt Nam chẳng hạn, có khi khán giả trẻ họ nghĩ hành động mà thế này à? Hành động phải giống Hollywood mới là hành động. Cũng có nhiều ý kiến lắm và nhà sản xuất thì bị quay như chong chóng.
* Phim Việt giờ còn mắc bệnh “thấy người ăn khoai vác mai đi đào”. Ai làm tốt cái gì, hôm sau đã có người bắt chước luôn, nên phim nào cũng na ná nhau...
- Điều đó cũng đúng nốt. Có lúc phim mình chưa ra, đã nhìn thấy phim vừa mới ra giống hệt phim mình rồi. Cũng là bởi nhiều phim được sản xuất quá, còn đội ngũ làm vẫn chỉ có vậy, nên đôi khi các nhà sản xuất cứ thuê nguyên một ê-kíp nào đó.
Hội nhập thì phải cạnh tranh bình đẳng
* Trong tình cảnh phải “tranh giành” như vậy, để có được Thái Hòa cho Vệ sĩ Sài Gòn chị có tốn nhiều công không?
- Anh Thái Hòa không phải người chạy sô đâu. Phải kịch bản tốt nhân vật hay, ê-kíp tốt anh ấy mới nhận lời. Anh là người rất chuyên nghiệp, làm việc rất có tâm, luôn tìm cách đóng góp cho kịch bản, sao cho nhân vật của mình hay hơn nữa.
* Có một điều rất lạ là 10 phim ra, chỉ có 2 phim lãi, tại sao người ta vẫn đâm đầu vào làm phim?
- Thực ra thì tôi cũng không hiểu luôn. Nhưng với kinh doanh thì người ta cũng phải va vấp rồi mới trưởng thành.
Gặp Trương Ngọc Ánh không khó nhưng rất khó để có một cuộc nói chuyện không bị xen lẫn công việc. Sự bận rộn và tuổi tác dường như không gây được sự ảnh hưởng đến nhan sắc và tinh thần của cô.
Trong sản xuất phim thì phim này thắng, phim kia thua là thường. Ai làm cũng phải tính toán hết, thua 3 phim liên tiếp là dẹp tiệm.
* Phim chị sản xuất phần lớn là hợp tác với nước ngoài như Hàn Quốc, Hong Kong, Canada. Đó là một cách giảm thiểu rủi ro rất lớn. Nhưng cũng có một vấn đề là, hiện nay người Hàn chiếm phần lớn rạp chiếu ở Việt Nam, là những “đại gia” nhập phim ngoại, nay họ tiến tới sản xuất phim tại Việt Nam nữa. Những nhà sản xuất nội địa như chị nghĩ gì?
- Công ty của tôi không phải lúc nào cũng hợp tác với CJ của Hàn Quốc mà còn nhiều đối tác khác.
Điện ảnh Hàn rất phát triển, có nhiều thứ để mình học tập lắm. Khi họ vào đây, họ cũng phải tuân theo luật pháp Việt. Họ thu được tiền tại Việt Nam thì cũng nên có trách nhiệm hỗ trợ cho các nhà làm phim Việt. Ngoài ra, nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ cho các nhà sản xuất nội địa.
Khi họ vừa là nhà phát hành, vừa sản xuất phim, họ lại có rạp nữa thì họ sẽ phải ưu tiên sản phẩm của họ cũng là hiển nhiên thôi. Điều này gây thách thức không nhỏ cho các nhà sản xuất Việt Nam khi muốn chen chân vào rạp.
Tuy nhiên, đây là thời kỳ hội nhập thì tất cả đều phải cạnh tranh bình đẳng. Nhà sản xuất Việt phải tự nâng tầm mình lên. Xưa khá, giờ tốt, thì tiếp theo phải tiến lên xuất sắc thôi, không còn cách nào khác (cười).
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa