(Thethaovanhoa.vn) - Đây là các so sánh được đưa ra trong cuộc hội thảo quốc tế về về bảo tồn và phát huy giá trị Hoàng Thành Thăng Long, diễn ra tại Hà Nội sáng 23/11. Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 5 năm thời điểm HTTL được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Hiện tại, HTTL bao gồm 2 khu vực chính: khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu (phần diện tích được UNESCO công nhận là DSTG năm 2010) và phần đối diện gồm các kiến trúc Hậu Lâu, cổng Đoan Môn, nền điện Kính Thiên – vẫn được gọi là khu thành cổ Hà Nội. Khu vực này bắt đầu có những đợt mở cửa đón khách tham quan từ năm 2004 và đến năm 2010 thì đi vào khai thác thường niên.
Một khảo sát của các chuyên gia Pháp đã được đưa ra tại Hội thảo: với diện tích hơn 18.3 ha, quần thể này có đủ khả năng đón tiếp một lượng khách du lịch lên tới gần 2,4 triệu người/năm. Cụ thể, khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu có thể đón 1500 khách/ngày (547.500 khách/năm) trong khi khu thành cổ đón 5000 du khách/ngày (1,825 triệu khách/năm).
Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nọi (đơn vị quản lý HTTL), lượng du khách tới đây còn khá khiêm tốn. Cụ thể, thống kê vào 3 tháng cuối năm 2012 cho thấy lượng khách đến HTTL là gần 45.000 người. Trong năm 2013 và 2014, các con số này là 120.000 và 160.000 lượt người. Còn ở thời điểm hiện tại, thống kê chưa đầy đủ cho biết: có khoảng 150.000 lượt người đã tới HTTL trong năm 2015.
Nền điện Kính Thiên tại Hoàng Thành Thăng Long trong một ngày vắng khách "Đây là điều dễ hiểu, bởi HTTL mới mở cửa được 5 năm và gặp phải nhiều khó khăn khách quan” – PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học VN, chia sẻ với TT&VH - “Điển hình, HTTL hiện không có những kiến trúc nguy nga kì vĩ, còn các di tích khảo cổ học thì không dễ để du khách nhận biết nếu thiếu sự giới thiệu, tìm hiểu thật thấu đáo. Ngoài ra, việc đầu tư đúng mức để phát triển du lịch cũng chưa có điều kiện thực hiện”.
Trong Hội thảo ngày 23/11, một số đề xuất về việc tìm hướng tập trung khai thác tiềm năng du lịch tại HTTL sẽ được đưa ra để tiếp tục bàn thảo.
Cúc Đường