(Thethaovanhoa.vn) - Cho đến thời điểm này, nhắc đến Ngô Hồng Quang, có lẽ đa phần khán giả sẽ không biết anh là ai. Nhưng nhạc sĩ Dương Thụ hẳn là có lý khi nói: “Người ta chưa biết tới mới là người tài”.
Ngô Hồng Quang tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, biết chơi rất nhiều nhạc cụ dân tộc. Không chỉ có thế, Quang còn là một người có giọng hát trời phú. Tháng 6 năm nay, Quang hoàn thành bằng thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Lan, chuyên ngành sáng tác âm nhạc đương đại.
2016, năm tràn năng lượng của Quang
Sau show múa đương đại Nón diễn ra vào tháng 8 vừa qua, nó đã gây choáng ngợp với nhiều khán giả của nó.
Dù nhiều người không thực sự hiểu ngôn ngữ múa của vở diễn này, nhưng không thể làm ngơ trước những vũ điệu tuyệt đẹp của Vũ Ngọc Khải và kinh ngạc trước phần trình diễn âm nhạc của Ngô Hồng Quang. Họ đem tới một thứ ngôn ngữ nghệ thuật mới mẻ, đầy tính biểu cảm, vượt thoát khỏi những quan niệm thông thường về múa và trình diễn âm nhạc truyền thống tại Việt Nam.
Ngô Hồng Quang đã chơi 8 nhạc cụ, tương tác với những vũ điệu của Vũ Ngọc Khải. Trong đó, giọng hát của anh được coi là nhạc cụ thứ 8, khiến nhiều khán giả ngạc nhiên nhất.
Ngô Hồng Quang đàn cho Vũ Ngọc Khải múa trong show "Nón"
Hiếm có một nghệ sĩ chơi đàn dân tộc nào tại Việt Nam có nhiều khả năng như Ngô Hồng Quang. Suốt mười mấy năm miệt mài làm trò ngoan ở Học viện, ra trường được giữ ở lại trường nhưng Quang vẫn cảm thấy không ổn. Luôn có một điều gì đó thôi thúc bức bách anh.
Quang là trường hợp cực kỳ hiếm hoi với giới chơi nhạc cụ dân tộc, khi dám bước ra không gian của âm nhạc ngũ cung để đến với thế giới của những thanh âm mới.
Năm 2016, là năm Quang bùng nổ. Ngoài show Nón, Quang còn hợp tác với nghệ sĩ Nguyên Lê làm album Hanoi Duo. Album đang trong giai đoạn “hậu kỳ”, dự kiến sẽ phát hành toàn châu Âu năm 2017.
Ngoài ra, Quang còn dự án riêng, album Quan họ Bắc Ninh, trong đó Quang chọn 10 ca khúc quan họ cổ, phối khí cho ngũ tấu đàn dây và hát theo cách của mình, dự định ra mắt cuối năm nay.
Từ mông lung đến việc tìm ra con đường riêng
13 tuổi, Ngô Hồng Quang rời Hải Dương thi vào Khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cả phần thi đàn nhị, phần thi năng khiếu, Quang đều đạt điểm tuyệt đối, giành được học bổng toàn phần.
Ước mơ duy nhất của Quang là được trường giữ lại làm giảng viên, nhưng đến khi thực hiện được ước mơ đó, Quang cảm thấy vẫn rất mông lung.
Tôi và anh Quang đã gặp nhau từ lần tham gia đêm Âm nhạc Cống hiến lần 9 của báo Thể thao & Văn hóa mà ở đó tôi được đề cử hạng mục “Nhạc sỹ của năm” còn anh Quang là “Album của năm”
Trong quá trình đó, anh được mời đi Hà Lan biểu diễn và phát hiện môi trường giáo dục ở đây rất tốt. Quang về “cày” IELTS, 5 tháng và sau đó xin được học bổng tại Hà Lan.
Năm 2013, sau 2 năm học tại Hà Lan, Quang trở về Việt Nam giới thiệu album Song hành, sản phẩm hợp tác với nghệ sĩ Hà Lan Onno Krijn, ngay năm đó album đã được đề cử Giải Âm nhạc Cống hiến.
Nhưng cũng trong suốt 2 năm sau, Quang gần như mất phương hướng, quẩn quanh không có lối thoát. Sau đó anh quyết tâm trở lại Hà Lan. Với đề tài “Sử dụng văn hóa và nhạc tính của người Mông vào các tác phẩm âm nhạc mới của tôi”, Quang được Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan trao học bổng toàn phần.
“Khi vào học chuyên ngành sáng tác nhạc đương đại ở Hà Lan, tôi biết mình đã chọn đúng hướng. Tôi đã từng lo môi trường này sẽ làm mất đi chất nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng ngược lại họ đã khuyến khích tôi phát triển tố chất, tự tìm ra con đường sáng tạo riêng” - Quang nói.
“Âm nhạc của tôi có sự kết nối mãnh liệt với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tôi đã kết hợp với kĩ thuật phương Tây, để tự sáng tác thứ âm nhạc mà tôi gọi là “Nhạc của tôi”. Tôi sẽ không dùng nhạc 5 âm, 7 âm, hay 12 âm mà sẽ nhảy ra khỏi mọi quy chuẩn. Có thể hiểu như là “chơi phủi” vậy”.
Tác phẩm Ông Trời sáng tác cho dàn nhạc, lấy cảm hứng từ âm nhạc của người Mông là một kiểu như vậy. Ngoài việc chơi nhạc, thì từ nhạc trưởng đến các nghệ sĩ trong dàn nhạc đều phải học từ Ông Trời bằng tiếng Mông, đọc to rõ ràng từ này trước và sau khi biểu diễn. Nhạc trưởng “Tây” rất khoái phần sáng tạo này của Quang.
“Bây giờ tôi mới thực sự biết mình sẽ đi theo con đường nào, hoàn toàn chắc chắn” - Quang nói.
Việt Nam là nguồn mạch cảm hứng Cách đây 3 năm, Quang có thổ lộ ước muốn xây dựng một không gian âm nhạc truyền thống tại Hà Nội. Ước mơ này anh vẫn giữ, nhưng bây giờ anh tiếp tục phải “bay”. Anh vẫn muốn tiếp tục sống tại châu Âu để được sáng tạo, để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức.
Quang sẽ vẫn tiếp tục phát triển các dự án tại Việt Nam, vì Việt Nam vẫn là một mạch nguồn nuôi sống cảm hứng trong anh. “Càng đi xa, người ta càng có nhu cầu hướng về quê hương” - Quang nói. |
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa