Ngày sách Việt Nam 2014: Đất văn hiến đắm mình trong thế giới của sách

Chủ Nhật, 20/4/2014, 15:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trong hai ngày 19 và 20/4, hàng vạn người nô nức đổ về Thư viện Quốc gia và Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) chào đón Ngày sách đầu tiên của Việt Nam.

Ngày hội của Văn hóa đọc

Được chọn là nơi tổ chức Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất, Hà Nội có rất nhiều hoạt động sôi động hưởng ứng. Bên cạnh hai hoạt động chính tại Thư viện Quốc gia (từ ngày 20-26/4, tại 31 Tràng Thi, Hà Nội) và Văn Miếu - Quốc Tử Giám (từ ngày 19-20/4) là hoạt động của các nhà sưu tập sách cũ tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, diễn ra trong 1 tuần lễ, từ ngày 19-26/4; Hội Sách mùa hè 2014 từ ngày 16-20/4 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội)…

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư Viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chia sẻ: Ngày hội sách và Văn hóa đọc 2014 là một trong những hoạt động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất (21/4) và hưởng ứng Ngày sách và Bản quyền thế giới (23/4) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách, khuyến khích đọc. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh tác giả, tác phẩm, nghề thư viện, nghề xuất bản, phát hành; góp phần xây dựng, hình thành thói quen đọc, tạo nền tảng cho việc học tập suốt đời của người dân. Từ đó, hình thành xã hội học tập - một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng, Nhà nước trong phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi vậy, với thông điệp “Sách - Chìa khóa thành công”, các hoạt động của Ngày hội đều hướng tới việc tôn vinh giá trị của sách, tác giả, tác phẩm, văn hóa đọc, khuyến khích đọc.

Đại biểu tham quan trưng bày trong Ngày hội Sách - Văn hóa đọc 2014. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Tại Sân Thái học, sáng 20/4, Lễ dâng hương tại Điện thờ Chu Văn An diễn ra trong không khí trang trọng, tôn nghiêm và tiếng trầm hùng của bài hịch Trang sách, Trang đời của Nhà văn Nguyễn Khắc Phục.

Tiếng trống khai hội rộn ràng, màn thả bóng rực rỡ giúp tăng thêm hào hứng khi người yêu sách đến với Triển lãm sách, tư liệu chủ đề “60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô; Chủ quyền Biển đảo Việt Nam...”

Cũng tại khu vực này, Cuộc thi xếp sách nghệ thuật và Liên hoan cán bộ thư viện, và sinh viên các trường đại học tuyên truyền giới thiếu sách chủ đề “Âm vang Điện Biên” thu hút một lượng người không nhỏ tới tham gia, cổ vũ. Đặc biệt, chương trình giao lưu với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký để lại ấn tượng khó phai trong bạn đọc trẻ.

Thán phục trước tấm gương đọc sách của thầy Nguyễn Ngọc Ký, bạn Hoàng Hải Yến, sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội hào hứng: Buổi giao lưu này là sự kiện ý nghĩa nhất với em trong mấy ngày tham gia hội sách. Nó giúp em thêm hiểu, trân trọng những cuốn sách, những người yêu sách, làm ra sách và cả người đã nỗ lực đọc sách, thành công từ việc đọc sách.

Bên cạnh các buổi tọa đàm và giao lưu với tác giả được tổ chức công phu dành cho giới trẻ, màn đấu giá sách của các thành viên Diễn đàn Sachxua.net tại Tuần lễ sách và văn hóa đọc tại Thư viện cà phê Đông Tây cũng là một trong những hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo người dự Tuần lễ sách.

Được điều hành bởi Đạo diễn Quốc Trọng, trưa 19/4, cuộc đấu giá lần này có sự góp mặt của một số ấn phẩm quý như: Ba thi hào dân tộc - Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, bản của Xuân Diệu tặng Huy Cận, có thủ bút và chữ kí của cả hai nhà thơ; Nam Phong Tạp chí (Số biên khảo về Ca Trù); Giai phẩm Mùa Thu 1956…

Tham gia đấu giá, người thắng thì phấn khởi ôm chặt niềm vui được sở hữu những bản sách quý còn người kém may mắn hơn thì tiếp tục hy vọng lượt sau sẽ có được những tác phẩm xứng tầm khác.

Các cuộc thi nhận diện tác phẩm, kể chuyện sách thiếu nhi, vẽ tranh theo sách… là những sân chơi thú vị thu hút đọc giả trẻ và các em thiếu nhi đến với các hoạt động hưởng ứng Ngày sách, nơi họ có thể thỏa sức sáng tạo, phát huy tưởng tượng, mơ ước về một thế giới hòa bình, đẹp đẽ sau những trang sách. Game show chơi mà học; các hoạt động hỗ trợ, tặng sách cho các thư viện nghèo, vùng nông thôn mới; tặng sách cho học sinh tham dự hội sách; giảm giá sách…. ở nhiều nơi là những nét đẹp đầy tính nhân văn để lại sự ấm áp trong Ngày sách Việt Nam năm nay.

Sách từ quá khứ đến đương đại

Để hiểu kỹ hơn về sách, độc giả Thủ đô tìm đến với triển lãm tư liệu “Sách từ quá khứ đến đương đại” tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Tại đây, họ được giới thiệu lịch sử tư liệu Việt Nam được viết tay trên lá cây, in, khắc trên đá, gỗ, đồng; các sách in hiện đại; sách đạt Giải thưởng sách hay-sách đẹp, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

Bạn Trần Quốc Đạt, sinh viên Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) vui vẻ: Lần đầu tiên bạn được biết đến một di sản quý báu của dân tộc. Đó là cuốn sách được mô phỏng nguyên mẫu từ bản gốc bằng đồng, 18 trang, khắc chữ Nôm nội dung ghi lại lời tựa bài Ngự chế do vua Minh Mạng viết trong tiết nguyên đán, tháng Giêng năm Minh Mệnh thứ IV-1824 về dòng họ Nguyễn hoàng tộc, sửa và bổ sung ngày 7/12 năm Tự Đức thứ XIII-1860. Càng háo hức khi biết sắp tới, Viện Goethe Việt Nam sẽ tài trợ cho Thư viện Quốc gia Việt Nam sao và phục chế nguyên mẫu từ bản gốc bộ sách này.


Đường sách tại Ngày hội Sách - Văn hóa đọc 2014. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Tham dự Tọa đàm “Hành trình lịch sử”, chị Hoàng Ngà (phố Bạch Mai) rất vui khi được giao lưu, trò chuyện cùng các nhà sử học, nghiên cứu lý luận phê bình, nhà văn nổi tiếng về các tác phẩm kinh điển như: Phủ biên tạp lục, Kim cổ cách ngôn, Thương học phương châm, Ký ức người lính, Dế mèn phiêu lưu ký, Bộ sách lịch sử văn hóa, giáo dục bằng tranh Việt Nam và những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống hiện đại như: Chúc một ngày tốt lành, Đảo

Tuần lễ sách và Văn hóa đọc do Trung tâm văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức từ ngày 18-26/4 tại Thư viện cà phê Đông Tây (Nhà N11A, Trần Quý Kiên, Cầu Giấy) với nhiều hoạt động phong phú cũng thể hiện sự giao lưu sách, văn hóa đọc giữa các khu vực, các thời đại.

Khoảng 200 cuốn sách quý hiếm do các thành viên của Diễn đàn Sachxua.net đóng góp là những ấn phẩm tiêu biểu cho quá trình hình thành và phát triển của sách Quốc ngữ Việt Nam từ nửa cuối thế kỉ XIX đến nay được trưng bày. Những tác phẩm quý này được giới thiệu theo 6 giai đoạn, có thuyết minh cụ thể (từ trước thế kỷ XX khi mới hình thành hành trình sách Quốc ngữ Việt Nam với các tác phẩm đầu tiên được xuất bản bằng chữ quốc ngữ đến tận thời kì đương đại từ năm 1986 - 2014).

Độc giả nhỏ tuổi trong không khí của Ngày Sách Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng  - TTXVN

Chợ phiên sách cũ thu hút đông đảo bạn đọc hoài cổ với mong muốn sở hữu những cuốn sách hiếm khắp năm châu. Phiên chợ đặc biệt này có bán sách giảm giá tới 40% và nhiều sách cũ quý hiếm thuộc các thể loại: Văn học Việt Nam, sách dịch, sách thiếu nhi, sách kĩ năng sống…

Trên tay mang một túi sách, bác Trần Văn Nam (phố Hoàng Cầu) cho rằng mình đến chợ phiên này như một người chơi sách, yêu sách, đi tìm những giá trị văn hóa trong những ấn phẩm cũ, hy vọng tìm ra sự gặp gỡ giữa sách và người trong các thời đại.

Ngày sách lần thứ nhất khép lại trong sự tiếc nuối của những người yêu sách. Và họ hy vọng Ngày sách Việt Nam lần thứ 2 nhanh đến để tiếp tục được thỏa sức đọc, tìm hiểu về sách, về thói quen đọc sách làm nên nét văn hóa riêng biệt của người Việt và tham gia các hoạt động sôi nổi, hấp dẫn để nối thêm tình yêu với sách.

Mỹ Bình

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến