(Thethaovanhoa.vn) - "Chúng ta cần để xã hội làm quen, chấp thuận và tự nguyện đồng ý chứ không thể áp đặt lý trí lên chủ thể cần khai thác" – luật sư Nguyễn Thế Truyền (thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội, giám đốc công ty Luật Thiên Thanh) chia sẻ.
Mở đầu, LS Truyền cho biết:
- Trước hết, tôi cho rằng việc thu tác quyền âm nhạc tại quán cà là hợp lý. Nhưng, việc này phải phù hợp với hoàn cảnh và đổi tượng khác nhau.
Nhìn vào các thông số, tôi thấy Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đưa ra 15 mức thu tại quán café tương ứng từng quy mô và khu vực. Điều đó cho thấy VCPMC có sự phân chia mà không áp chung một mức nhuận bút chungthiếu công bằng.
Mức tiền do VCPMC đưa ra (2,5 triệu cho quán dưới 30 chỗ ngồi), nếu chia theo tháng thì vào khoảng 200 ngàn/tháng. Tôi thấy mức tiền ấy quán café có thể sẽ chấp nhận nếu việc làm ăn họ phát triển – mà một phần nhờ những bài nhạc này.
Chưa biết về hiệu quả, nhưng trước mắt, đó là những điều được từ phía VCPMC. Tất nhiên, vẫn có những điều cần hoàn thiện...
* Chẳng hạn, nhiều chủ quán nói rằng họ rất ít dùng nhạc của tác giả Việt Nam, trong VCPMC chỉ được phép thu tác quyền của những tác giả đã ủy quyền.Do vậy cách thu "khoán" với mức giá bị phản đối....
Điều này hoàn toàn đúng. Muốn tối ưu hóa, nên để quán café chủ động đăng ký trả tiền tác quyền cho tác giả/ca sĩ mà quán lựa chọn. Ví dụ tôi thích Sơn Tùng, tôi sẽ trả tiền hàng tháng để tôi sử dụng nhạc của Sơn Tùng và cam kết không sử dụng nhạc của những tác giả không đăng ký.
Tất nhiên, để tạo sự minh bạch và sòng phẳng,VCPMC phải tìm được hình thức xử lý những hành vi sử dụng nhạc, video của những người chưa được chủ quán đăng ký.
* Nhiều người cũng đã nói tới việc trong tương lai cần áp dụng công nghệ điện tử để quản lý việc đăng ký như vậy. Nhưng trước mắt, khi chưa thể áp dụng, ông có nghĩ rằng VCPMC nên chấp nhận hạ mức tiền nhuận bút xuống mức rất "vừa phải" để tìm sự đồng thuận không?
- Như đã nói, VCPMC cần sự linh hoạt trong cơ chế quản lý để người tham gia sử dụng và đóng tác quyền không cảm thấy bị ép buộc và nhìn được lợi ích từ việc đó. Đấy mới là thách thức lớn nhất.
Hạ bớt mức tiền cũng là một giải pháp. Nhưng, khi là đại diện của nhiều nhạc sĩ, tôi nghĩ VCPMC cũng có thể tìm những biện pháp để khuyến khích, hỗ trợ các quán cà phê tuân thủ việc nộp bản quyền. Đó có thể là việc hỗ trợ mời nhạc sĩ, ca sĩ tới giao lưu tại các quán cà phê, hoặc tìm hướng hỗ trợ để các quán sử dụng âm nhạc trực tuyến được thuận lợi hơn, có chất lượng cao hơn.
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khu vực phía Bắc.
* Còn về vấn đề VCPMC muốn thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi tại khách sạn, xin LS cho biết quan điểm của mình?
- Điều này vẫn nằm ở nguyên tắc: nếu sử dụng âm nhạc cho sinh hoạt cá nhân thì không thể thu tác quyền, nhưng dùng để kinh doanh và tăng lợi ích kinh tế cho hoạt động kinh doanh của mình thì việc trả tác quyền là đúng.
Điều chưa hợp lý nằm ở việc VCPMC đếm số phòng, tức là đếm số đầu ti vi để thu phí.Bởi, ti vi là phát tự động và người dùng phải trả tiền truyền hình cho nhà đài cũng như thanh toán những chi phí liên quan.
Ngoài ra, ti vi không chỉ có sản phẩm âm nhạc của các tác giả do VCPMC đại diện. Nếu những đại diện sở hữu trí tuệ khác cũng gửi công văn đề nghị thu phí tại khách sạn có ti vi thì tình hình sẽ rất phức tạp và lắt nhắt.
Kể từ khi Trung tâm bảo về quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) ra đời cách đây hơn 10 năm, việc thực hiện nghiêm túc pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã và đang diễn ra với nhiều khó khăn ở cả hai phía: người đóng và người thu.
Do vậy, VCPMC cần nghiên cứu và thảo luận với các bên để tìm một hình thức tối ưu.Và tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa: sự mềm dẻo, thông cảm và linh hoạt của VCPMC là rất cần thiết, thay vì áp dụng những khung cứng nhắc.
*Xin cám ơn LS về cuộc trò chuyện này.
Cần thay đổi việc "thu khoán"
Việc "thu khoán" của VCPMC hiện nay không dựa trên căn cứ pháp lý nào.Có dùng thì có trả tiền, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu chứ không thể có kiểu tính khoán. Và, cũng vì cách tính khoán nên câu chuyện này mới có phản ứng theo cách "tôi không dùng sao bắt tôi trả tiền" như vừa qua.
Việc VCPMC căn cứ vào địa bàn hành chính, diện tích quán, loại hình quán để tính mức thu tiền mang tính chủ quan, áp đặt và không phản ánh chính xác. Đồng thời, về nguyên tắc, khi tiến hành thu tiền, Trung tâm vẫn phải cung cấp tài liệu để khẳng định là họ có quyền thu hộ những tác giả và chủ sở hữu đã ủy quyền. Việc yêu cầu chủ quán cà phê, chủ khách sạn tự tìm hiểu là không thuyết phục.
Nhìn chung, tôi vẫn cho rằng Trung tâm nên tìm hướng để thu phí một lần thông qua các đầu mối( đơn vị phát hành, tổ chức phát sóng...) chứ không nên tiến hành thu trực tiếp người sử dụng.
(Luật sư Huy An (Văn phòng Luật Huy An)
|
(Kỳ 4 & hết:Những bất cập trong việc thu tiền bản quyền âm nhạc)
Sơn Tùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa