(Thethaovanhoa.vn) - Mạng xã hội đang gây ảnh hưởng rất lớn đến cách thức đưa tin truyền thống của báo chí. Một câu hỏi đặt ra, báo chí hiện đại phải ứng xử thế nào với mạng xã hội, trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí của người làm báo trong thời đại kĩ thuật số sẽ được thể hiện như thế nào?
Đó là một trong những vấn đề được bàn luận hết sức sôi nổi tại Hội thảo "Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số" do Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia) phối hợp với Viện KAS của Đức tổ chức, diễn ra hôm qua (10/6), tại Hà Nội.
Đặt tiêu chí "nhanh" hay "đúng" lên hàng đầu?
Tính đến tháng 12/2014, cả nước có 98 cơ quan báo chí điện tử, hơn 1.500 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép và gần 400 mạng xã hội. Công nghệ truyền thông ngày càng mang lại nhiều lợi ích cho các nhà báo nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức nghề nghiệp như: Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật và quyền được biết sự thật của công chúng; xâm phạm bí mật, quyền riêng tư của cá nhân; đạo văn và vi phạm bản quyền…
Tác nghiệp tại SEA Games 25 ở Lào. Ảnh: TTXVN
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Duy Truyền cho biết TTXVN dù có hơn 1.000 nhà báo ở trong và ngoài nước, nhưng có lẽ vẫn là quá ít khi so sánh với đội ngũ hàng triệu “nhà báo công chúng” trên các trang mạng xã hội hiện nay. “Đặc biệt, kỷ nguyên số không chỉ khuếch đại tầm ảnh hưởng của thông tin mà còn khuếch đại cả vấn đề trách nhiệm và đạo đức người làm báo. Trong biển thông tin nhiều chiều, không gian kết nối đa chiều giữa nhà báo và độc giả, chúng ta phải giữ vững được giá trị cốt lõi của báo chí chính thống bởi đó là sức mạnh của nền báo chí cách mạng. Đây cũng chính là lý do để Thông tấn xã Việt Nam hướng khẩu hiệu truyền thống “Nhanh – Đúng – Trúng - Hay” sang “Đúng – Nhanh – Trúng -Hay” trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng như hiện nay" – nhà báo Lê Duy Truyền nói.
Ý kiến của nhà báo Lê Duy Truyền cũng đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều đại biểu tham dự hội nghị. Sức ép cạnh tranh, chạy đua về thời gian đang gây ra một hệ quả rất lớn với báo chí hiện đại.
Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân chia sẻ: "Trong suốt 50 năm cầm bút, tôi thấy chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như bây giờ. Có quá nhiều bài báo đưa thông tin sai sự thật".
Nhiều chuyên gia truyền thông, những người làm báo dày dạn kinh nghiệm chia sẻ ý kiến tại hội thảo, cho biết họ rất bức xúc với tình trạng phóng viên "xào xáo" thông tin trên mạng xã hội thành tin bài.
Một nguy cơ hiển hiện khác được chỉ ra, thông tin trên mạng xã hội đang có khả năng dẫn dắt đám đông, đánh lạc hướng nhận thức đâu là thông tin đúng, đâu là tin sai sự thật.
Mạng xã hội cũng là kênh giám sát báo chí
Tổng Biên tập Báo điện tử Khám phá, bà Lương Bích Ngọc cho rằng, mạng xã hội có thể đem đến nhiều nguy cơ, nhưng mặt khác cũng đem lại lợi ích cho báo chí.
"20 năm trước báo chí độc quyền đăng ý kiến bạn đọc, họ có quyền chọn ý kiến có lợi cho mình. 10 năm sau báo điện tử xuất hiện, đã sử dụng bình luận của độc giả nhưng tương tác này vẫn có giới hạn nhất định. Nhưng bây giờ nếu các báo không đăng, độc giả có thể tự đưa ý kiến của họ lên mạng xã hội. Một bài báo viết sai sự thật ngay lập tức sẽ nhận được phản ứng gay gắt. Mạng xã hội đang là một công cụ kiểm soát hành vi của các nhà báo".
Nhà báo Hữu Thọ cho rằng phóng viên hoàn toàn có thể coi mạng xã hội là một kênh tham khảo, báo chí cần phải sống chung với thông tin trên mạng. "Tuy nhiên thái độ sống chung thế nào? Lúc này bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức, tinh thần tôn trọng sự thật sẽ phải là kim chỉ nam dẫn đường", ông nói.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa