LHP Cannes 2017: Cơ hội lớn để đạo diễn Việt vươn ra quốc tế

Thứ Bảy, 27/5/2017, 9:54 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Dù không tham gia tranh giải nhưng hai đạo diễn Việt Nam có dự án giới thiệu trong mục L’Atelier của quỹ Cinefondation mà Lý Nhã Kỳ bảo trợ tại LHP Cannes sẽ có rất nhiều cơ hội để nâng tầm quốc tế phim của mình.

Như một phần trong sáng kiến phát triển phim của quỹ Cinefondation thuộc LHP Cannes, L’Atelier được ra mắt nhằm hỗ trợ các nhà làm phim mới nổi, từ những người vô danh tới những cái tên đã được biết tới rộng rãi.

Cầu nối giữa các nhà làm phim với nguồn lực quốc tế

Năm 2005, LHP Cannes đã trao cho Cinefondation nhiệm vụ tổ chức L’Atelier, như một bước tiến mới trong nỗ lực xúc tiến ra mắt những tác phẩm điện ảnh mới.

Mỗi năm sẽ có khoảng 15 dự án được chọn. Chính Cinefondation sẽ tự lựa chọn các dự án trong khoảng thời gian từ đầu năm tới tháng 10. Từ 10 tới tháng 1 năm sau, quỹ sẽ nghiên cứu để ra quyết định cuối cùng vào tháng 3.

Để được xem xét, các dự án phải đáp ứng những tiêu chí: đạo diễn đã thực hiện một hoặc nhiều phim, kịch bản dự án đã hoàn thiện, dự án phải có một nhà sản xuất và tài trợ ban đầu, thời gian bấm máy phải ghi rõ.

Chú thích ảnh
“Cu li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân kể về mùa Hè đầy xáo động của một phụ nữ Hà Nội

Các nhà làm phim được lựa chọn dựa theo chất lượng nghệ thuật của dự án và của các phim trước đây mà họ thực hiện, cũng như cam kết của nhà sản xuất trong việc thực hiện dự án.

Để giúp đỡ các nhà làm phim được lựa chọn, L’Atelier cam kế: xuất bản ấn phẩm quảng cáo cho các dự án điện ảnh và giới thiệu các đạo diễn cùng nhà sản xuất của họ với truyền thông cũng như giới làm phim chuyên nghiệp; tổ chức các cuộc gặp với nhà sản xuất, nhà phân phối và quản lý phân phối ở trại L’Atelier tại làng quốc tế Pantiero để tìm kiếm nguồn tài chính quốc tế  hoặc nhận góp ý về các phim cùng kịch bản trước đó; các nhà làm phim được chọn có thể tham gia vào các buổi chiếu phim, gặp mặt và sự kiện của LHP.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ thành công của các dự án được L’Atelier giới thiệu rất cao:  Trong số 186 dự án được trình bày, có 146 phim đã hoàn thành, 14 phim khác đang trong quá trình sản xuất.

Cơ hội lớn cho các đạo diễn Việt Nam

Năm nay, danh mục L’Atelier đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, riêng Việt Nam có tới hai dự án được chọn. Đó là Cu li không bao giờ khóc (Culi Never Cries) của đạo diễn Phạm Ngọc Lân và Vị (Taste) của đạo diễn tài năng Lê Bảo.

Cu li không bao giờ khóc dự kiến quay tại Việt Nam và Đức trong sáu tuần, bắt đầu từ tháng 4/2018. Phim dài 100 phút, hiện có quỹ làm phim là 168.000 euro trong tổng số 543.000 euro cần thiết. Nhà sản xuất là Phan Đăng Di, đạo diễn bộ phim nổi tiếng Bi, đừng sợ - bộ phim đoạt hai giải Sacd và Acid tại LHP Cannes lần thứ 63.

Phim kể về mùa hè đầy xáo động của bà M, một phụ nữ đã nghỉ hưu. Sau cái chết của người chồng Đức đã 20 năm không gặp, M tới Berlin nhận hai thứ để lại cho bà: Bình đựng tro cốt và một con cu li. Ở nơi đất khách quê người, bà đã gặp những tình huống khó xử và tiếp tục vướng vào những rắc rối khi trở lại Hà Nội. Kỷ niệm, đau đớn, nỗi cô đơn… lại ùa về. Và con cu li mất tích…

LHP Cannes 2017: 10 phim đoạt Cành cọ Vàng có doanh thu cao nhất ở Mỹ

LHP Cannes 2017: 10 phim đoạt Cành cọ Vàng có doanh thu cao nhất ở Mỹ

Nhân LHP Cannes đang diễn ra, hãy điểm lại 10 phim nói tiếng Anh từng đoạt Cành cọ Vàng có doanh thu cao nhất ở Mỹ.

Phạm Ngọc Lân được LHP Cannes giới thiệu là một nghệ sĩ mới nổi tại Hà Nội, dùng phim và ảnh làm hai công cụ chính để bộc lộ mình. Nghệ thuật của anh đặc biệt nói về những khía cạnh kì quặc trong đời sống con người, đã xuất hiện tại nhiều chương trình phim ảnh quốc tế.

Trong khi đó, Lê Bảo được LHP Cannes giới thiệu là một nhà làm phim tự học, sinh ra trong khu ổ chuột ở TP.HCM. Anh làm bộ phim ngắn đầu tay khi 20 tuổi, bằng một chiếc máy quay cũ mượn của bạn. Dự án phim truyện đầu tay là Vị được đánh giá là Dự án phim triển vọng nhất tại Phòng chiếu phim Đông Nam Á 2016.

Vị dự kiến dài 90 phút, quay tại Việt Nam trong sáu tuần từ quý I năm 2018. Phim hiện có gần một nửa quỹ cần thiết là 350.000 euro. Sản xuất phim là Lai Weijie và Đồng Thị Phương Thảo, đạo diễn Ông nội, phim Việt Nam đầu tiên được LHP tài liệu quốc tế Amsterdam lựa chọn.

Phim kể về Bassley, một cầu thủ bóng đá tới TP.HCM để hỗ trợ gia đình nơi quê nhà. Khi chân anh bị gãy, hợp đồng chấm dứt nên Bassley phải chuyển sang hành nghề xoa bóp ở một tiệm cắt tóc. Từ đây, anh vướng vào quan hệ rắc rối với nhiều người đàn bà.

Bên cạnh đó, dự án đặc biệt được chú ý tại L’Atelier năm nay là Decompression, một bộ phim tâm lý về quan hệ giữa cha và con trai của đạo diễn người Israel Yona Rozenkier. Dự án đã nhận tài trợ 50.000 USD từ Phòng chiếu phim Quốc tế Jerusalem 2016.

Duy An (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến