Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa - Monsoon 2015: Nghệ sĩ Việt mờ nhạt trước bạn bè quốc tế

Chủ Nhật, 11/10/2015, 6:28 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiệt độ Hà Nội đang giảm xuống “đột ngột”, trời lạnh 17 độ C còn ở Hoàng thành Thăng Long trong những ngày diễn ra Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa – Monsoon Music Festival 2015 (8-11/10), dường như càng về đêm, nhiệt từ sân khấu và nhiệt lượng từ khán giả lại tăng lên.

1. Trước khi chương trình chính thức diễn ra, Monsoon Music Festival (MMF) đã tổ chức một chiến dịch quy mô là chuỗi sự kiện âm nhạc đường phố MMF Pop-up Show diễn ra tại 8 địa điểm công cộng: Vườn hoa Lý Thái Tổ, Quảng trường Times City, phố cổ Hàng Buồm, công viên Thành Công, bờ hồ Hoàn Kiếm, Hanoi Creative City, The Yard...

Các hoạt động âm nhạc đường phố được tổ chức theo mô hình mới, sôi động và hiện đại hơn năm ngoái, kết hợp nhiều hơn với các hoạt động như: khiêu vũ cổ điển, thể dục thẩm mỹ, bóng đá nghệ thuật đường phố...

Với MMF, chưa có một chương trình nào tổ chức ngoài trời, trong cái lạnh và mưa rét mà đến 23h45, khán giả vẫn che ô, mặc áo mưa đứng cổ vũ và “xin” các nghệ sĩ đừng dừng lại. Hẳn là chương trình thành công và khán giả Hà Nội là đáng yêu nhất đất nước như lời MC Hà Lê “tung hô”!


Nghệ sĩ nhóm Samaris đến từ Iceland

Chương trình diễn có khung giờ rõ ràng cho khán giả lựa chọn nghe nghệ sĩ yêu thích nên việc đến đúng giờ mà thần tượng mình diễn, xem xong đi về là bình thường. Nhưng mong muốn của chương trình là nhận được sự cởi mở hơn của khán giả đối với âm nhạc đến từ nhiều quốc gia, đó cũng là cơ hội để khán giả tiếp cận với sự đa dạng của các nền văn hóa, thì có lẽ trong mùa này, điều đó chưa thực sự được phát huy.

Vì thế, có một “nghịch lý” là so với năm ngoái, nếu một bộ phận khán giả Việt từ chối nghe nhạc Việt tại lễ hội này, chỉ chờ để nghe các gương mặt quốc tế thì năm nay, lại có một sự hoán đổi khi nhiều người nghe các nghệ sĩ Việt trình diễn xong thì đi về. Trong khi, với sự sắp đặt chương trình càng về cuối, các nghệ sĩ quốc tế diễn càng hay.

2. Chỉ sau hai đêm diễn, có thể thấy, tổng đạo diễn chương trình Quốc Trung là người đúng hẹn với cam kết: chương trình không chỉ gây "choáng" vì những gương mặt như Tiên Tiên, Tóc Tiên hay Hoàng Thùy Linh, mà còn cả vì các nghệ sĩ quốc tế.

Có thể kể đến Vũ điệu cồng chiêng của Tóc Tiên được remix mới 80%, Trót yêu của Trung Quân Idol, Say you do của Tiên Tiên hay sự xuất hiện bất ngờ không có trong danh sách nghệ sĩ trình diễn được giới thiệu từ trước: Đức Phúc là được khán giả “ồ” lên thích thú. Hoàng Thùy Linh tưởng “nóng bỏng” với vũ đạo thì không có, hát live cũng không ấn tượng.

Nếu nói choáng, phải là những nghệ sĩ như nhóm WhoMadeWho (Đan Mạch) với các tác phẩm mới nhất mà họ đã trình diễn tại Festival Roskilde, Catfish (Pháp), Samaris (Iceland) hay Zara Mcfarlane (Anh).

Nhắc đến Đan Mạch, có lẽ bao nhiêu năm qua, khán giả Việt mới chỉ “dừng chân” ở âm nhạc của Michael Learns To Rock (MLTR) đến độ sau 18 năm trở lại, dù nhiều khán giả nói với nhau: giờ còn ai nghe MLTR nữa nhưng cũng không có nghĩa họ thực sự biết âm nhạc của Đan Mạch đang ở đâu và hay như thế nào. Thì đây, chính WhoMadeWho đã làm nên một cái nhìn mới về âm nhạc Đan Mạch đương đại vô cùng thời thượng quyến rũ trong từng nhịp điệu và giai điệu.

Rồi đến nhóm Samaris gồm 3 thành viên đến từ Iceland. Họ chính là những người xóa bỏ rào cản của đôi tai khi nghe nhạc điện tử. Học thuật không nằm ở cao độ khi nghe Samaris mà đó đơn giản chỉ là sự kết hợp giữa âm nhạc điện tử, thơ ca cổ của Iceland.

Âm nhạc mà không phải âm nhạc vì có những khán giả cho đó là âm thanh ma mị, có những khán giả chỉ biết mình đang bị “phê”. Nhưng chắc chắn sự lôi cuốn khó cưỡng của Samaris trong hai đêm diễn đã khiến nhiều khán giả “lâng lâng” đến tận lúc về.

Cuối cùng là nữ ca sĩ người Anh Zara Mcfarlane với những giai điệu của jazz. Zara Mcfarlane đã đem đến một mảng màu jazz sâu lắng với sự pha trộn giữa blues, pop, reggae...

Tại MMF 2015, mỗi nghệ sĩ quốc tế đều mang đến một sắc màu văn hóa đất nước mình qua âm nhạc. Và đó không chỉ là âm nhạc chứa đựng bản sắc dân tộc mà còn rất thời thượng. Giá trị ấy chính là điều làm nên tầm cỡ của một lễ hội âm nhạc quốc tế.

Nhưng để có thể cảm nhận được độ “chất” của MMF, khán giả không chỉ cởi mở đón nhận “suông” mà còn phải có một tư duy thẩm mỹ mang tính “thời đại”. Nếu không, phần thiệt thòi sẽ thuộc về chính họ.

Vậy nên, thật may mắn với những khán giả đã ở lại chương trình đến phút cuối để hưởng thụ chương trình một cách trọn vẹn, để thấy ấm áp vì âm nhạc và cả ánh sáng của sự văn minh trong một chương trình văn hóa.

Lam Anh
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến