Kurt Cobain không phải 'thiên tài đau khổ', mà là một kẻ bệnh hoạn

Chủ Nhật, 5/4/2015, 18:15 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Dưới đây là bài viết của ký giả Matt Haig cho tờ Telegraph giải mã cái chết của một trong những huyền thoại nhạc rock vĩ đại nhất trong lịch sử và cũng là một huyền thoại đầy tranh cãi: Kurt Donald Cobain. Thethaovanhoa.vn xin lược dịch và giới thiệu cho bạn đọc.

"Ngày 5/4/1994, tròn 21 năm trước, Kurt Cobain bất ngờ kết liễu cuộc sống của chính mình. Khi ấy, tôi là một thiếu niên và vẫn còn nhớ rõ rằng tin tức về cái chết của thủ lĩnh Nirvana đã gây ra tác động khủng khiếp đến thế nào, nhưng tôi cũng đủ tỉnh táo để hiểu rằng cái chết ấy đến theo một kịch bản phổ biến.

Những ngôi sao nhạc rock thường hay gặp rắc rối. Họ chết trẻ, thường là bằng cách tự sát. Trong trí óc non nớt của mình khi ấy, tôi nghĩ rằng đó là điều gì đó rất tuyệt vời. Bi kịch ư, tất nhiên rồi, nhưng tôi không thực sự cảm thấy bi kịch đó. Rock 'n' roll tượng trưng cho tuổi trẻ. Nó chống lại một thế giới đầy những thỏa hiệp an toàn mà sự trưởng thành đòi hỏi. Trưởng thành tức kéo theo nhiều thứ: Hành vi phải chuẩn mực hơn, hôn nhân, và trách nhiệm. Khi tôi 18 tuổi, tôi đã không thực sự hiểu được nỗi đau mà Cobain đã phải vượt qua trước khi kết thúc đời mình. Tôi bị ám ảnh bởi huyền thoại. Huyền thoại về những nghệ sĩ đã hy sinh bản thân họ cho Thế giới này.

Bạn không cần phải mượn sự đau khổ tâm trí để đạt đến sự sáng tạo. Ảnh: Getty

Thứ huyền thoại này đã bán được hàng chồng đĩa trong những năm qua. Bây giờ, chắc chắn là rất nhiều người sẽ đổ xô đi xem bộ phim tài liệu mới về cuộc đời của Cobain, Montage of Heck, khi nó được công chiếu tại các cụm rạp của Vương Quốc Anh vào ngày 10/4. Và tất nhiên, đó không phải huyền thoại của riêng Cobain, mà còn là của Ian Curtis và Nick Drake, cũng như tất cả những nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh đã tự phá hủy đời mình như Jimi Hendrix và Amy Winehouse.

Đó cũng không chỉ là câu chuyện riêng của các huyền thoại âm nhạc.

Những ngôi sao nhạc rock tự đày đọa mình chỉ là hóa thân mới nhất của mô típ nghệ sĩ đau khổ trong vài thế kỷ trở lại. Từ những danh họa như Caravaggio hay Van Gogh và Rothko đến những nhà văn và nhà thơ như Plath, Sexton hay Hemingway. Tài năng siêu việt đi kèm với một tâm hồn đầy day dứt, như chúng ta thường ví von, là hai mặt của một đồng xu.

Tôi ghét quan niệm này. Quan niệm cho rằng sáng tạo là bạn đồng hành của sự đau khổ. Tôi cũng đã cảm thấy chán ghét sự im lặng của chính mình về cái chết của Cobain. Khi tôi 24 tuổi, tôi suýt nữa đã tự tử, nhưng không phải vì tôi nghe quá nhiều nhạc Nirvana, mà tôi thực sự bị tâm thần.

Khi chứng trầm cảm và lo âu tấn công và làm tôi suy sụp vài năm, tôi nhận ra rằng bệnh tâm thần không có gì hấp dẫn cả. Bệnh chỉ là bệnh. Không lâu trước khi Cobain tự sát, ông đã phải nhập viện vì viêm phế quản. Viêm phế quản ư, trong tâm trí của hầu hết những người thuộc thế hệ chúng tôi, chẳng có gì quyến rũ cả và việc một ngôi sao nhạc rock bị viêm phế quản chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới.

Tôi muốn cái-chết-vì-trầm-cảm được nhìn nhận tương tự như một cái-chết-vì-viêm-phế-quản. Nên thế. Bởi vì tôn vinh hành vi tự tử cũng không lành mạnh y hệt như nguyền rủa nó. Trầm cảm là một căn bệnh. Nó không phải tấm vé đến nhà ga của những thiên tài. Nó không phải một một sự cổ quái thú vị. Nó rất kinh khủng và đau đớn. Trầm cảm không phải là con người đó, mà là một điều xảy ra với anh ta. Và khi cảm thấy bế tắc, người bệnh đôi khi tự kết liễu cuộc sống của họ.

Lý do mà chúng ta cần cẩn trọng khi nói về tự tử là vì trầm cảm thì không thể tránh khỏi, nhưng tự tử thì có. Có những điều chúng ta có thể làm ngay bây giờ để cứu nhiều mạng sống. Một trong số đó là nói về các chứng bệnh tâm thần giống như những gì chúng ta nói về các chứng bệnh thể xác, mà không nguyền rủa hoặc tôn vinh. Những người bị chứng trầm cảm thường lang thang đến những khu vực sáng tạo, như một lối thoát: "Phần nào trong tôi thường hay nghĩ rằng tôi khác biệt hoặc thông minh hoặc bất cứ điều gì đại loại thế thường làm tôi phát bệnh đến muốn chết" - Lời của tiểu thuyết gia người Mỹ David Foster Wallace, người đã tự sát vào năm 2008.

Khi 18 tuổi, tôi đã không thực sự hiểu được nỗi đau mà Cobain đã phải vượt qua trước khi kết thúc đời mình. Tôi bị ám ảnh bởi huyền thoại.

Một phần tư trong chúng ta mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Một phần năm mắc chứng trầm cảm. Vì thế, hãy thôi tôn vinh những lần tự sát của các nghệ sĩ đau khổ, đừng coi nó là điều gì không thể tránh khỏi của tuổi trẻ, bởi vì trầm cảm làm bạn tin những điều như vậy. Trầm cảm bảo tôi rằng tôi sẽ không thể sống đến ngày sinh nhật thứ 25 của tôi, nhưng năm nay, tôi sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 40 và thật sự rất mong chờ nó. Khi còn trẻ, tôi tin rằng mọi thứ sẽ ngày một tệ hơn. Nhưng thực tế không phải như thế. Có rất ít thứ trở nên tồi tệ đi so với thời gian bạn được chiêm ngưỡng cuộc sống.

Bạn không cần phải mượn sự đau khổ tâm trí để đạt đến sự sáng tạo. Bạn chỉ cần là chính bạn. không ai hoàn toàn khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy tôn vinh những điều tốt đẹp và kỳ diệu của CUỘC SỐNG, thứ có thể bị chứng trầm cảm làm lu mờ một lúc, nhưng không bao giờ có thể đánh cắp nó".

Phạm An (theo Telegraph)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến