Khi phim Việt chỉ dành cho giới trẻ: Ai sẽ lạc lõng giữa thị trường?

Thứ Ba, 17/5/2016, 14:6 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn cách Trương Ngọc Ánh quyết tâm trở thành đả nữ, cách Mai Thu Huyền kiên trì xây dựng dự án để có thể tiếp tục đóng phim trong khi các đồng nghiệp của họ phải chấp nhận đóng vai phụ huynh, hoặc chuyển nghề... mới thấy để tồn tại trong nền điện ảnh chỉ tập trung sản xuất phim phục vụ người trẻ khắc nghiệt thế nào.

Không chỉ lực lượng diễn viên, mà cả các đạo diễn cũng phải chật vật thích ứng với một nền điện ảnh đang trẻ hóa.

Hết thời khi ở độ tuổi sung sức nhất

Nhiều năm trước đây, khi điện ảnh nhà nước đi xuống, điện ảnh thương mại nổi lên, những diễn viên giỏi nghề như NSƯT Mỹ Duyên, NSƯT Hồng Ánh không còn tìm thấy vai diễn.

Họ thường xuyên không có mặt trong những buổi casting phim thương mại không phải vì thiếu chuyên môn, mà vì nhà sản xuất cần gương mặt trẻ hơn. Những diễn viên như Trương Ngọc Ánh, Mai Thu Huyền bây giờ mới ở tuổi “chín” nhất về nghề diễn cũng khó có vai diễn. Hầu hết vai của hai diễn viên này đều nằm trong phim do họ tự bỏ tiền sản xuất.


Trương Ngọc Ánh kết hợp với ca sĩ trẻ đang lên Trọng Hiếu trong MV ca nhạc của phim “Truy Sát”, một cách để kéo khán giả tới rạp

Còn những nghệ sĩ lớn tuổi hơn, như NSND Như Quỳnh, NSND Minh Châu còn ít cơ hội hơn nữa.

Trong buổi ra mắt phim Lời ru mùa đông năm ngoái, NSND Như Quỳnh đã “đính chính”: “Lâu nay đóng vai mẹ, tôi luôn phải hóa trang cho già hơn. Tôi rất muốn thử vai nữ doanh nhân thành đạt nhưng không có kịch bản như vậy”.

Biên kịch Trịnh Đan Phượng, từng tham gia viết các bộ phim Bà nội thích ăn pizza, Lời thú nhận của Eva cho biết phần lớn các kịch bản chị được đặt hàng đều lấy nhân vật chính là người trẻ. “Nguyên tắc viết kịch bản, trừ các nhân vật sống xa gia đình, mồ côi, còn lại đều phải có bố, có mẹ. Bố mẹ trong phim chỉ có vai trò nhắc con ăn cơm, uống sữa là hết. Mà vai này lại do toàn nghệ sĩ gạo cội đóng, năng lực của họ thừa sức đảm nhiệm những vai lớn mà chỉ đóng vai phụ, tôi tiếc lắm”.

Ngay cả các đạo diễn gạo cội cũng khó khăn thích ứng với thị trường. Nhiều năm trước sau thành công với Gái nhảy, đạo diễn Lê Hoàng tiến tới làm Trai nhảy, Chuông reo là bắn, một sự chuyển đổi “quay ngoắt 1800” so với phong cách trước đó của ông. Nhưng ông cũng không “trụ” nổi trước làn sóng đạo diễn Việt kiều (Charlie Nguyễn, Dustin Nguyễn, Victor Vũ) và làn sóng đạo diễn trẻ trong nước đang lên (Nguyễn Quang Dũng, Vũ  Ngọc Đãng...).

Khi phim Việt chỉ dành cho giới trẻ: Các 'thượng đế' ngày càng... ít tuổi

Khi phim Việt chỉ dành cho giới trẻ: Các 'thượng đế' ngày càng... ít tuổi

Khoảng 70% khán giả đến rạp xem phim là người trẻ dưới 30 tuổi, vì thế mà phim Việt ra rạp cũng phải... 'cưa sừng' theo. Với tình cảnh này, liệu có còn chỗ cho những nghệ sĩ bị coi là già?


Những đạo diễn giỏi như Nguyễn Vinh Sơn, Phi Tiến Sơn, Thanh Vân, Nhuệ Giang, Bùi Thạc Chuyên... cũng dần bước ra khỏi trước thị trường. Đạo diễn phim truyền hình Nguyễn Khải Hưng cho biết đã từng từ chối lời mời làm phim điện ảnh vì không quen làm phim điện ảnh và “tuổi này chỉ muốn làm phim cho người trung tuổi, lớn tuổi xem”. Ông cũng thừa nhận ít ra rạp vì cảm thấy lạc lõng với những bộ phim giải trí dành cho người trẻ.

Đạo diễn Thế Ngữ sau khi đọc bài 1 loạt bài này chia sẻ: “Tôi vẫn dẫn con vào rạp xem phim, con cười mà bố không thể cười được. Đợt này tôi nhận viết chuyển thể vở kịch về tình già trên sân khấu của Hồng Vân thành kịch bản phim truyền hình 30 tập nhưng cảm thấy hơi lo, nhân vật chính là người già liệu có ai xem không. Một người khác đặt tôi viết lại kịch bản phim chiếu rạp từng rất ăn khách một thời của tôi là Đêm săn tiền, nhưng tôi cũng đang rất lúng túng vì khó nắm bắt “gu” của giới trẻ bây giờ”.

Cố quá thành “quá cố”

Nhiều người sau khi xem Trương Ngọc Ánh đánh võ trong Truy sátFilm Concert, rồi xem Truy sát phải công nhận, không dễ gì sau một đêm thành đả nữ.

Xem Già gân, Mỹ nhân, Găngxtơ mới thấy tội cho dàn diễn viên có kinh nghiệm. Nhìn danh hài Hoài Linh hóa thân xã hội đen hết thời, phải bắn súng, đua xe; chứng kiến Hoài Linh và Thương Tín nghều ngào đánh nhau, khán giả không khỏi tức cười.

Còn Cát Tường vốn quen với các vai ghê gớm trên phim truyền hình cũng phải tỏ ra nguy hiểm cho xứng với khẩu súng cô cầm trong phim này. Khó có thể trách diễn viên, vì họ không có nhiều lựa chọn.

Các nhà sản xuất nội địa đang bị phim ngoại chèn ép tứ bề, lại chịu áp lực từ lực lượng khán giả trẻ rất dễ đổi thay, đang dần tự biến mình thành bản sao vụng về của phim Hollywood, phim Hàn Quốc... Các nhà sản xuất bây giờ không khác gì người lớn bất lực trước những đứa trẻ chỉ thích ăn KFC, BBQ, giờ buộc phải tìm đủ “chiêu trò” dụ trẻ ăn cơm Việt.

Với tình hình nay, ai sẽ là người có trách nhiệm với khán giả trẻ ngoài rạp?

Còn tiếp

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến