Kết thúc Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam: Cố lên các nhà thiết kế Việt!

Thứ Hai, 19/10/2015, 6:20 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam - Vietnam International Fashion Week 2015 diễn ra từ 14 đến 18/10 tại Gem Center TP.HCM đã mang đến cho người mộ điệu thời trang nhiều cảm xúc khi tụ họp ở đây là những nhà thiết kế, những phong cách thời trang đến từ nhiều nước trên thế giới.

Nhiều niềm vui nhưng cũng lắm điều phải băn khoăn, đó là những chuyện phía sau catwalk lung linh ánh đèn.

Nỗ lực từ nhà tổ chức

Có tới 500 nhân sự góp phần tạo nên Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam (VIFW) năm nay. Trong số 500 nhân sự này, những người đứng đầu các ê-kíp hầu hết đến từ nước ngoài, từ ê-kíp làm âm thanh ánh sáng đến người chỉ đạo catwalk.

Sàn diễn VIFW dài 80m được bài trí bằng 2.000 cây tre, trúc tạo thành một cổng chào với hiệu ứng ánh sáng 3D. Từ sân khấu đến ánh sáng đều được thiết kế đơn giản vừa đủ để tôn vinh các mẫu trang phục biểu diễn.

Với khu vực khán đài được bài trí hợp lý có thể chứa đến 1.000 khán giả. Năm nay, VIFW lần đầu tiên đã bán vé cho đông đảo khán giả đến tham dự, ngoài việc phát vé mời cho những người liên quan như năm ngoái. Và hầu hết các đêm diễn đều không còn ghế trống.


Nhà thiết kế Julien Fouriné tự tay mặc, sửa đồ cho các người mẫu

VIFW năm nay đã mời được xấp xỉ 10 nhà thiết kế nước ngoài đến trình diễn bộ sưu tập của mình. Trong đó có những tên tuổi không phổ biến với công chúng Việt Nam nhưng là đáng nể với giới thời trang quốc tế, đó là “lão bà bà” Yumi Katsura 83 tuổi đến từ nước Nhật, là quý ông Renato Balestra 91 tuổi đến từ xứ sở thời trang Italy, là nhà thiết kế người Pháp Julien Fouriné…

Bên cạnh đó là những tên tuổi từ Australia, Singapore, Indonesia… Đặc biệt, sự kiện này còn mời được người sáng lập ra thương hiệu thời trang danh tiếng Kenzo: Kenzo Takada đến làm khách mời danh dự trong đêm bế mạc.

Trông người ngẫm đến ta

Chưa bàn đến chất lượng thiết kế, chỉ nói đến phong cách làm việc của một số nhà thiết kế nước ngoài, cũng rất đáng để các nhà thiết kế Việt nhìn và ngẫm về mình.

Nhà thiết kế người Pháp Julien Fouriné, người đã trình diễn bộ sưu tập trong đêm mở màn VIFW, đặc biệt kỹ tính và đã cho cả ban tổ chức lẫn các người mẫu, chuyên viên trang điểm, người phục vụ hiện trường và cả các nhà thiết kế Việt thấy rằng làm thời trang không bao giờ là chuyện chơi.

Ê-kíp của ông đến Việt Nam chỉ vẻn vẹn 3 người, ông cùng 2 trợ lý, và rất nhiều va li đựng các mẫu thiết kế. Ông tự mặc đồ cho người mẫu, tự chỉnh sửa và canh từng ly từng tí các chuyên viên trang điểm để đảm bảo gương mặt người mẫu hoàn toàn giống như ý đồ của ông.

Julien Fouriné còn khiến các người mẫu, nhất là những cô mới bước ra từ Vietnam’s Next Top Model 2015, xanh mặt chùn chân theo đúng nghĩa đen. Bởi khi họ trang điểm và mặc đồ xong, họ không được phép ngồi mà cứ phải đứng suốt 2 tiếng đồng hồ để chờ đến lượt diễn. Sự khó tính đó không chỉ vì giá mỗi bộ trang phục của Fouriné lên tới hơn 20.000 USD, mà còn vì ông không muốn có một vết nhăn nào trên các mẫu thiết kế khi nó được trình diễn.

“Lão bà bà” Nhật Bản Yumi Katsura đưa đến VIFW bộ sưu tập áo cưới trị giá hơn 1 triệu USD và gần 20 người trong đoàn tuỳ tùng. Mỗi người một việc, họ tíu tít trên sàn tập trong buổi phúc khảo và việc của bà chỉ là ngồi ghế và xem họ làm việc.

Chỉ xem nhưng không một chi tiết nhỏ nào lọt qua mắt của nhà thiết kế 83 tuổi này. Người mẫu đưa tay sai, đi quá vị trí phải dừng lại dù chỉ một bước, bà đều ra hiệu cho trợ lý điều chỉnh lại. Có những bộ trang phục khi mang ra phúc khảo, trợ lý của bà phải cầm trên tay và chạy theo người mẫu, bởi nó dễ bị hư hỏng nếu không được bảo quản tốt.

Trong những buổi phúc khảo này, hoặc ngay trên sân khấu của VIFW, không khó để thấy nhà thiết kế Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng và quan trọng là thái độ cần thiết trên đường đi đến chuyên nghiệp dù họ đã là những tên tuổi ở ta.

Những mẫu quần áo nhàu nhĩ như vừa được mặc từ giường ngủ bước xuống, những đôi giày vừa xỏ chân đi vài bước đã gãy gót tạo ra những màn “vồ ếch” thảm thương cho người mẫu…

Càng non trẻ càng cần phải học tập, và VIFW là một môi trường tốt để học. Cố lên các nhà thiết kế Việt!

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa

Hoang  (19/10/2015 07:09:40)
hoang@gmail.com
Điều này cũng dễ hiểu thôi, tại nước ngoài người ta coi TKTT là 1 nghề nghiệm túc, mưu sinh, nên không lơ là được còn các NTKVN thì cho rằng vào thiết kế để mưu cầu danh tiếng chứ không phải làm nghề. Háo danh, hay nói xấu, làm việc không nghiêm túc, thiếu nền tảng cơ bản, không được học hành đến nơi đến chốn, lơ mơ văn hóa gốc và mù tịt yếu tố đương đại. Không hiểu rõ sáng tạo để làm gì và làm như thế nào
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến