(TT&VH) - “Các nhân vật Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Quang Trung đều từng hát chèo, hát tuồng, hát cải lương trên sân khấu được. Còn tại sao các nhà phê bình và khán giả lại khá rụt rè với những loại hình sân khấu truyền thống có hình tượng Hồ Chủ tịch là trung tâm?” - Tác giả Trần Đình Ngôn đặt câu hỏi trong hội thảo Nghệ thuật sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ vừa diễn ra tại Hà Nội.
Kể từ vở kịch nói Người công dân số một năm 1976, hình tượng Hồ Chủ tịch đã xuất hiện trên dưới 100 lần trong những vở diễn của sân khấu Việt Nam. Tuy nhiên, so với sự kỳ vọng luôn luôn lớn của khán giả và giới sân khấu cả nước, những vở diễn thật sự xuất sắc và để lại ấn tượng chưa nhiều - ngoại trừ một số trường hợp tương đối thành công như Người công dân số một, Đêm trắng, Những vần thơ thép, Lịch sử và nhân chứng…
Hội thảo Nghệ thuật sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ.
Một số lí do chính của điều này đã được nhắc tới trong cuộc hội thảo do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp tổ chức: Độ chênh lệch giữa tầm vóc vĩ đại của nguyên mẫu so với tài năng sáng tạo của tác giả kịch bản, đạo diễn và diễn viên; sự lúng túng của tác giả khi hư cấu, tâm lý phần nào e ngại, lo lắng thất bại trước sự mong đợi của khán giả khi dựng vở về huyền thoại này.
Nói về những thách thức trong việc đưa hình tượng Hồ Chủ tịch lên sân khấu truyền thống, tác giả Trần Đình Ngôn chia sẻ khá thẳng thắn: Cái hấp dẫn nhất với người xem là xung đột của vở diễn. Nhưng vì nhiều lí do, việc tạo nên một tuyến nhân vật đủ tầm kích, chiều sâu và đối lập về tư tưởng với một con người vĩ đại như Bác là điều khó vô cùng.
“Ngay vở diễn Những vần thơ thép của tôi, xung đột trong vở diễn cũng là chưa cao. Các vở diễn thiếu xung đột, mâu thuẫn gay gắt nên phần nhiều theo phong cách sử thi hoặc mang đậm chất thơ , làm giảm sức hấp dẫn với người xem”, ông Ngôn nói. “Sự thật, vở diễn khán giả thích nhất tới giờ là Đêm trắng của Quang Hà về vụ án tham nhũng của Trần Dụ Châu trong thập niên 1950. Chỉ có điều, trong vở diễn đó Bác Hồ chỉ xuất hiện một vài màn và không phải là nhân vật chính”.
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền cũng chia sẻ quan điểm tương tự, nên phân biệt giữa những vở diễn “có Bác Hồ xuất hiện” và kịch bản viết trực tiếp về Bác, đặt hình tượng Bác như một nhân vật trung tâm, tham gia vào xung đột kịch. “Chúng ta chưa có nhiều kịch bản thật sự thuyết phục ở dạng thứ hai. Thực tế, đây là một lĩnh vực vô cùng lớn, có nhiều cách thể hiện khác nhau, bởi chính cuộc đời và sự nghiệp của Người cũng đầy những gợi ý sáng tạo”.
Sơn Tùng