(TT&VH) - Đúng hẹn, 14 giờ chiều nay (2/9), chương trình hòa nhạc Điều còn mãi lần thứ tư sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn, Hà Nội (truyền trực tiếp trên VTV1). Ngoài những giá trị âm nhạc đã được khẳng định trong 3 năm qua, Điều còn mãi còn được chờ đợi sẽ tiếp tục “đưa ra ánh sáng” những tài năng của âm nhạc hàn lâm Việt Nam, khu vực lâu nay bị “kém tự tin” so với sự bành trướng của showbiz.
20, 30, 40 và 80
Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ trong chương trình Điều còn mãi 2010 có 4 cái tên mới đã gây ngạc nhiên cho công chúng. Một người tuổi ngoài 80 (nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ), một ngoài 30 (nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng), một chỉ mới ngoài 20 (Đặng Tuệ Nguyên) và Xuân Huy - một tài năng violon “ở ẩn”.
Nghệ sĩ Piano Huỳnh Sơn Thục Anh
Trước đó, công chúng rất ít người biết đến tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, người từng được mệnh danh là “Beethoven Việt Nam”. Ông lặng lẽ sáng tác bản sonate số 8 cho violin trong những đêm yên tĩnh tại phố Nguyễn Quang Bích (Hà Nội). Những tràng vỗ tay cho ông trong đêm diễn như một sự tưởng thưởng cho một phát hiện muộn màng. Trần Mạnh Hùng không lạ với giới chuyên môn song đối với công chúng anh được biết đến chủ yếu trong vai trò phối khí ca khúc nhạc nhẹ. Trần Mạnh Hùng là trường hợp duy nhất của thế hệ nhạc sĩ trẻ đã liên tiếp 4 năm liền đoạt các giải Nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại các hạng mục khí nhạc và thanh nhạc với những tác phẩm sáng tác từ năm 2007 đến nay.
Rất nhiều tác phẩm của anh như Một nửa cõi trầm, Gió lộng bốn phương… giành được giải thưởng âm nhạc hàn lâm. Nhưng phải tới Điều còn mãi 2010, giao hưởng thơ Hào khí Thăng Long của Trần Mạnh Hùng với ấn tượng đặc biệt về bộ gõ mới có cơ hội đến với công chúng rộng rãi. Và đến Điều còn mãi 2011, giao hưởng thơ Lệ Chi Viên mà Trần Mạnh Hùng viết từ năm 2009, tiếp tục khẳng định một tài năng còn khá trẻ (sinh năm 1973) của âm nhạc hàn lâm Việt Nam.
Đặng Tuệ Nguyên cũng là một “trường hợp thú vị” của Điều còn mãi, có thể xem là tác giả trẻ nhất có tác phẩm được trình diễn ở một chương trình âm nhạc mang tầm cỡ quốc gia này, bên cạnh sáng tác của các bậc cha, chú.
Vốn là dân piano nhưng chuyển ngạch sang sáng tác (bố là nhạc sĩ Lương Nguyên, mẹ là nghệ sĩ sáo Minh Nga), Tuệ Nguyên thích sáng tác những tác phẩm mang chất liệu dân gian Việt Nam. Năm 2010, khán giả Điều còn mãi đã thực sự sửng sốt trước “màn đối thoại” bằng âm nhạc giữa cây piano và nghệ thuật tuồng trong tác phẩm Thốt và năm 2011 lại một “màn đối thoại” nữa giữa cây piano và một giá đồng trong tác phẩm Bóng của Tuệ Nguyên.
Riêng nghệ sĩ vĩ cầm Xuân Huy là một “trường hợp lạ” của Điều còn mãi.
Năm 13 tuổi đã được xem là thần đồng violin, tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovski, đã từng được chơi trong dàn nhạc Thế kỷ của Công nương Diana với những chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới… Nhưng đã hơn 10 năm từ khi về nước, vì những lý do cá nhân, Xuân Huy gần như biến mất trong bóng tối của riêng anh. Và Điều còn mãi đã đem anh ra ánh sáng trở lại. Trong chương trình Điều còn mãi 2010, chính tiếng violin của Xuân Huy đã làm sáng bừng tác phẩm sonate số 8 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ. Năm 2011, Xuân Huy là linh hồn của dự án Luala Concert, đưa âm nhạc cổ điển ra… vỉa hè, được chọn là 1 trong 10 sự kiện âm nhạc trong năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Đỗ Kiên Cường
7X, 8X viết tiếp Điều còn mãi
Lần đầu tiên trên sân khấu Điều còn mãi năm nay có 3 gương mặt mới, đều còn trẻ và cùng đến từ TP.HCM: Vũ Việt Anh, Đỗ Kiên Cường và Huỳnh Sơn Thục Anh.
Vốn rất nổi tiếng trong dòng nhạc thị trường nhiều năm trước đây, Việt Anh sẽ lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội với tác phẩm khí nhạc. Rời bỏ những hào quang của thị trường ca nhạc, theo đuổi âm nhạc hàn lâm, năm 2007, Vũ Việt Anh tốt nghiệp cử nhân khoa sáng tác tại Đại học Auckland và năm 2011, anh hoàn thành chương trình đào tạo cao học chuyên ngành sáng tác tại Đại học Waikato - New Zealand. Việt Anh viết khá nhiều khí nhạc, nhạc phim và âm nhạc dành cho múa. Ra Hà Nội trong ngày Quốc khánh thiêng liêng của dân tộc năm nay, Việt Anh sẽ giới thiệu đến người nghe nhạc tác phẩm đầu tiên anh viết cho dàn nhạc giao hưởng, mang tên Vàng son. Là tác phẩm lớn đầu tiên mà Việt Anh viết đầy đủ cho dàn nhạc giao hưởng, có thể thấy ở Vàng son những phong cách và thể loại âm nhạc đã ảnh hưởng tới anh, từ trường phái tối giản (minimalism) tới nhạc nhẹ, ở đó, tác giả trẻ này muốn gửi gắm màu sắc độc đáo của văn hóa làng xã Việt Nam trong tổng thể bức tranh non xanh nước biếc: Những đêm trăng vằng vặc trên sông quê, tiếng lao xao của những buổi họp chợ, những ngày hội làng, và cả vẻ uy nghiêm của những cung điện một thời trong lịch sử vàng son của dân tộc.
Việt Anh
Đỗ Kiên Cường ít nổi hơn Việt Anh nhưng lại có thâm niên hơn với âm nhạc hàn lâm. Sinh năm 1975 tại Hà Nội, tốt nghiệp đại học chỉ huy dàn nhạc Nhạc viện Hà Nội, thạc sĩ âm nhạc tại Đại học Brooklyn (New York), chàng trai kín tiếng và đầy nghị lực này đã khởi xướng và tham gia tổ chức Liên hoan âm nhạc đương đại quốc tế TP.HCM, được các fan nhạc rock hâm mộ khi chỉ huy dàn nhạc giao hưởng trong chương trình Unlimited Symphony đình đám năm 2008. Trở lại Hà Nội trong chương trình Điều còn mãi năm nay, Đỗ Kiên Cường sẽ giới thiệu chương 1 trong tác phẩm soạn cho saxophone có tên Thăng Long. Tác phẩm sẽ được biểu diễn bởi nghệ sĩ kèn saxophone Nguyễn Bảo Long cùng nhạc trưởng Lê Phi Phi và dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.
Huỳnh Sơn Thục Anh là cô gái duy nhất trong bộ ba thế hệ 7X và 8X của Điều còn mãi 2012 đến từ TP.HCM. Không phải con nhà nòi (bố là nhà báo nổi tiếng) nhưng ngay từ nhỏ Thục Anh đã bị âm thanh của cây dương cầm mê hoặc. Cô từng thi đậu Nhạc viện TP.HCM với số điểm tuyệt đối. Sau này Thục Anh đã giành được học bổng toàn phần của Nhạc viện Singapore, Keppel Land Corporation và rồi tốt nghiệp bằng cử nhân danh dự chuyên ngành biểu diễn piano tại Nhạc viện Quốc gia Singapore Yong Siew Toh. Thục Anh đã từng về Việt Nam làm chương trình Trò chuyện với nhạc cổ điển và trong đêm diễn tới sẽ là lần thứ hai ngón đàn của tài năng trẻ này trình diễn tại quê hương.
Với giá trị ngày càng được khẳng định của mình, chương trình Điều còn mãi không những làm sống lại những giá trị cũ bị lớp băng thời gian làm mờ đi mà còn giới thiệu được những tài năng mới, những người tâm huyết với cổ điển để phát huy và phát triển dòng nhạc hàn lâm của Việt Nam
Chương trình Điều còn mãi sẽ diễn ra vào 14h ngày 2/9/2012, (trực tiếp trên VTV1).
Chương trình sẽ có sự tham gia của các ca sĩ: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Đăng Dương, Trọng Tấn, Nguyên Thảo, Phạm Thị Duyên Huyền và nhiều nghệ sĩ tên tuổi như violist Xuân Huy, pianist Tuấn Nam, nghệ sĩ piano Huỳnh Sơn Thục Anh, nghệ sĩ flute Lê Thư Hương, nghệ sĩ saxophone Bảo Long… Nhạc trưởng Lê Phi Phi sẽ chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trong chương trình này.
Đặc biệt, ở phần thanh nhạc, ngoài các tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ Văn Cao, Hoàng Vân, Xuân Oanh, Nguyễn Văn Tý, Điều còn mãi 2012 sẽ trình diễn một số sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy, Cung Tiến và Thanh Tùng. |
Nguyên Minh