(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin về việc khuôn viên Nhà hát Lớn Hà Nội sắp được chỉnh trang, dỡ bỏ hàng rào và cải tạo cảnh quan đang nhận được sự chú ý lớn của dư luận.
Cụ thể, ý tưởng này đã được Bộ VHTT&DL thông báo tới UBND thành phố Hà Nội vào cuối tuần qua. Theo đó, khuôn viên Nhà hát Lớn sẽ được chỉnh trang, xóa bỏ hàng rào và quán cà phê bên trong để tạo công viên mở, kết nối với Quảng trường Cách mạng Tháng 8, vườn hoa Cổ Tân, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia…
Để triển khai ý tưởng này, Bộ VHTT&DL sẽ mời tư vấn, thiết kế nước ngoài để quy hoạch khu vực Nhà hát Lớn và xây dựng tour du lịch đến đây. Đồng thời, ngành quản lý văn hóa cũng sẽ tạo cơ chế để Nhà hát thành phố là điểm đến văn hóa đặc biệt của Hà Nội.
Hiện tại, một phần khuôn viên bên trái Nhà hát Lớn đang được khai thác làm nơi kinh doanh của cà phê Highland. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Bình (Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL) hợp đồng giữa Ban quản lý Nhà hát và đơn vị này đã kết thúc vào cuối năm 2016.
Quán cà phê đang kinh doanh tại khuôn viên Nhà hát Lớn “Vẫn còn vài điều khoản cần thương thảo, nhưng chắc chắn Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ không còn dịch vụ kinh doanh cà phê trong khuôn viên như trước” – ông Nguyễn Thái Bình cho biết. “Hiên tại, dù Bộ VHTT&DL chưa chính thức mời đơn vị nào đứng ra thiết kế, nhưng ý tưởng này sẽ được triển khai trong năm 2017”.
Trao đổi với Thể thao &Văn hóa (TTXVN), KTS Trần Huy Ánh (Ủy viên Ban thường trực Hội KTS Hà Nội) nhận xét: đây là một ý tưởng hay và đúng với tâm nguyện của giới KTS, cũng như nhiều người dân Hà Nội.
“Tôi nhớ, từ những năm 1980, khi Hà Nội chưa mở cửa, nhiều KTS đã nhắc tới vấn đề này” – KTS này cho biết. “Chẳng hạn, dưới sự hướng dẫn của GS Tôn Đại, một nhóm sinh viên đã xây dựng đề án tổng thể về việc quy hoạch và kết nối không gian của các công trình quanh Nhà hát Lớn”.
Theo nhận xét của KTS Trần Huy Ánh, không chỉ riêng Nhà hát Lớn, các công trình xây dựng của người Pháp quanh không gian này đều có những giá trị cao về văn hóa và lịch sử kiến trúc.Do vậy, ngoài việc chỉnh trang khuôn viên Nhà hát Lớn, ngành quản lý cũng nên lên kế hoạch nghiên cứu từng bước di dời, chuyển đổi chức năng một số công trình cơ quan Nhà nước ở phía sau Nhà hát để tạo nên sự kết nối liền mạch với phía Bảo tàng lịch sử Việt Nam.
Không gian khu vực Nhà hát Lớn nhìn từ trên cao "Khu vực này đang bị chia cắt vụn vặt và khai thác vào nhiều dịch vụ không có giá trị cao như cà phê, tổ chức sự kiện, cây cảnh… Nếu quy hoạch tốt, đó sẽ một không gian văn hóa lịch sử điển hình của Hà Nội” – KTS Ánh nói thêm. “Khi ấy, nếu kết hợp kinh doanh ở một mức độ nhất định, đó phải là những dịch vụ có hàm lượng văn hóa và giá trị kinh tế cao chứ không phải theo cách bây giờ”.
Sơn Tùng