(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện Bob Dylan, người vẫn được biết đến với tư cách ca sĩ, nhạc sĩ, giành giải Nobel Văn học 2016 được xem là một tiền lệ lạ lùng nhưng thú vị, mặc dù ông có "Tarantula" - một thể nghiệm văn xuôi thơ. Hãy cùng cảm nhận sức mạnh ca từ trong ca khúc Blowin’ in the wind của ông, để lý giải phần nào việc ông được Viện Hàn lâm Thụy Điển chọn.
Chừng nào nguy cơ chiến tranh vẫn ẩn hiện đâu đó trên mặt đất, trên bầu trời, trên đại dương, ... thì
Blowin’ in the wind vẫn tỏ rõ sức mạnh của mình. Hơn nửa thế kỷ qua, đây vẫn là ca khúc phản chiến đầy xoa dịu được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
Trình làng đầu năm 1963, Blowin’ In The Wind lập tức leo đến hạng 2 Billboard của Mỹ và sau đó đã trở thành bài “hit” toàn cầu. Bài hát đã đưa tam ca Peter, Paul & Mary lên một đỉnh cao mới trong sự nghiệp và đưa Bob Dylan, một chàng ca sĩ trẻ chưa mấy tên tuổi khi ấy, bước lên đỉnh cao vinh quang.
Các tuyển tập lời ca của Bob Dylan như The Complete Annotated Lyrics (2014), Lyrics 1962-2001 (2004), The Definitive Bob Dylan Songbook (2001), Forever Young (2008)… xứng đáng để dịch và đọc độc lập như những tập thơ. |
10 phút thành kiệt tácNước Mỹ của năm 1962 là một xã hội của nhiều hình thái, xung đột màu da, thuế khóa, chiến tranh, vào quân ngũ… Chàng trai 21 tuổi có tên cúng cơm Robert Allen Zimmerman lúc đó đang lang thang New York và biểu diễn tại các hội quán với nghệ danh Bob Dylan với một ít sáng tác của mình với chất folk.
Hãng Columbia được một vài tên tuổi đứng ra “bảo kê” cho Bob Dylan nên đã quyết định ký hợp đồng thu đĩa nhưng album đầu tay mang tên Bob Dylan chỉ bán được 5.000 bản và họ đang cân nhắc đến chuyện “sa thải” chàng trai chẳng làm nên cơm cháo gì.
Nhưng một lần nữa, những huyền thoại khi ấy như ca sĩ Johnny Cash, John Hammond - nhà đấu tranh bình quyền, nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng, vẫn ra sức bảo vệ Bob Dylan với lý lẽ “đó sẽ là một huyền thoại folk sớm sủa thôi”.
Nước Mỹ đang thay đổi, các phong trào đang lớn mạnh và Bob thì đang tìm một cảm hứng để thay đổi chính bản thân. Và rồi vào một buổi chiều tháng 4/1962 khi đang ngồi trong quán cà phê The Commons tại Greenwhich Village ở New York thì những ý tưởng chợt hiện lên trong đầu Bob.
Lúc ấy những giai điệu truyền thống của người nô lệ da đen (bài No More Auction Block) mà Bob vừa được đọc trong thư viện Carter lởn vởn trong đầu. Lập tức, Bob lấy giấy bút viết ngay lời cho những giai điệu đang xuất hiện. Trong 10 phút, Bob Dylan đã làm xong 2 đoạn, mỗi đoạn gồm ba lời viết dưới dạng câu hỏi và kết thúc bằng một câu đầy ý nghĩa: Lời đáp nằm trong gió thoáng bay.
Bob Dylan trong lần trình diễn tại Việt Nam vào 10/4/2011. Ảnh: N.M
Bản tuyên ngôn nhân quyền
Bài hát gần như là một bản tuyên ngôn nhân quyền với hàng loạt câu hỏi tu từ được đặt ra. Hỏi để không cần chờ đợi được trả lời và tất cả lời đáp cuộn tròn trong hơi gió thoảng đi.
“Cần bao nhiêu chặng đường phải bước qua để xứng đáng thành người? Những cánh chim bồ câu phải vượt qua bao đại dương mới để ngủ vùi trên cát? Bao nhiêu bom đạn phải rơi mới đến ngày yên tiếng súng? Bạn thân tôi ơi, câu trả lời nằm trong gió thoảng”.
Những ca từ này thật sự là nền móng quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Bob Dylan. Ông đã thay đổi từ nhãn quan một người sáng tác từ góc độ quan sát và miêu tả sang một người sáng tác đứng bên trong, dùng cái đơn giản để khái quát vấn đề lớn, dùng chi tiết để nói lên tổng thể.
Bài hát còn rất nhiều câu hỏi nhức nhối “Phải ngước cổ nhìn lên bao nhiêu lần trước khi trông thấy bầu trời? Phải mất bao nhiêu mạng người, để chúng ta mới vỡ lẽ được rằng đã có quá nhiều người chết?”; hay “Phải có bao nhiêu đôi tai, trước khi nghe thấy tiếng chúng sinh khóc?”…
Sau khi sáng tác được 2 đoạn và đã biểu diễn một số nơi, cuối cùng Bob Dylan sáng tác thêm một đoạn thứ 3 để bài hát được tròn trịa và mang nhiều tính thống nhất.
Có nhà phê bình cho rằng việc sáng tác thêm đoạn 3 đã làm bài hát cân đối về mặt cấu trúc, mà hơn thế, về mặt ý nghĩa thì 3 đoạn này tượng trưng cho ba giai đoạn của cuộc đời: thơ ấu, thanh xuân và xế chiều. Vòng quay của đời người gắn liền với những cắc cớ, những câu hỏi mà phần trả lời chỉ có thể tìm thấy trong gió cuốn đi.
Bob Dylan là một nhà thơ, ca sĩ kiêm nhà soạn ca khúc, một nhân vật được sùng bái. Dịp Dylan tròn 75 tuổi, nhiều chuyên gia âm nhạc tự hỏi liệu có một người kế nhiệm nào thực sự 'tròn trịa' được như ông?
Các nghệ sĩ da màu rất thích ca khúc này bởi bài hát rất giản dị, rất gần với phong cách các ca khúc bình dân của người Mỹ da màu. Thời điểm ấy mục sư Martin Luther King đang khuấy động phong trào đòi quyền công dân cho người da đen và Blowin’ In The Wind được xem như là bài hát nói lên sự thống khổ của người da màu.
Đáng nói hơn, bài hát lại được viết lên từ một người da trắng và cũng là người ủng hộ triệt để phong trào chống phân biệt màu da.
Cho dù Bob Dylan tuyên bố ngay trong lần trình diễn đầu tiên vào năm 1962 rằng “bài hát này không mang tính phản kháng hay bất cứ điều gì khác” thì ngay khi ra đời nó được mặc nhiên xem là ca khúc ủng hộ nhân quyền và sau đó, khi những tiếng súng ở Việt Nam vọng về thì ca khúc này đã trở thành bài hát phản chiến nổi tiếng nhất.
Tác động của bài hát này không cần phải đợi lâu. Tháng 5/1964, sinh viên Mỹ đã lần đầu xuống đường chống chiến tranh tại quảng trường Thời Đại ở New York. Thời gian ngắn sau, 12 thanh niên Mỹ đầu tiên đốt thẻ động viên đi lính, một hành động bị xem là phạm pháp khi đó.
Có cái “chết” làm nên lịch sử
Cũng cần phải nhắc lại rằng Bob Dylan là người sáng tác ra bài hát và cũng là người biểu diễn đầu tiên nhưng nghệ sĩ đầu tiên ghi âm là tam ca Peter, Paul & Mary. Đúng ra bài hát này được ghi âm đầu tiên bởi nhóm Mitch Miller nhưng hãng đĩa quyết định không phát hành bởi trong bài hát có từ “chết”. Điều đó đã giúp cho Peter, Paul & Mary có cơ hội trở thành người đầu tiên hát một bài hát lịch sử.
Còn Bob Dylan, ông ghi âm bài hát này vào tháng 7/1962 nhưng phải gần một năm sau, tháng 5/1963 mới phát hành trong album The Freewheelin’ Bob Dylan. Hãng Columbia, giờ “đào” được cả kho vàng vì từ album này trở đi, bất cứ đĩa hát nào của Bob Dylan cũng bán chạy như tôm tươi.
Ca khúc Blowin’ In The Wind sau đó đã trở thành bài hát toàn cầu, có hơn 400 bài cover và được hát lại bởi rất nhiều huyền thoại như Joan Baez, Judy Collins, Elvis Presley, Janis Joplin, Chet Atkins, Sam Cooke, Neil Young, Stevie Wonder, Ben Sidran… Năm 1994 ca khúc này được tiến cử vào đại danh sảnh Grammy, 10 năm sau nó nằm trong danh sách 500 ca khúc mọi thời của tạp chí Rolling Stone.
Có một sự trùng hợp khá thú vị là người đầu tiên hát ca khúc này, Peter Yarrow (trong nhóm Peter, Paul & Mary) đã đến Việt Nam biểu diễn vào năm 2005. Sáu năm sau đến lượt Bob Dylan. Chỉ hơi tiếc, dù đã được khán giả yêu cầu nhưng cả hai đều đã không hát lại ca khúc này, ở nơi mà Blowin’ In The Wind từng có ý nghĩa rất đặc biệt.
Nghe ca khúc Blowin’ In The Wind tại đây:
Nguyên Minh