Đạo diễn Trần Anh Hùng: Khán giả không phải là số đông

Thứ Tư, 22/12/2010, 8:35 (GMT+7)
Đạo diễn Trần Anh Hùng vừa trở về Hà Nội để kịp có mặt trong buổi ra mắt phim Rừng Na Uy vào tối  nay (22-12.) Chuyến bay trắc trở từ Nhật Bản - nơi đang công chiếu bộ phim - đã khiến đạo diễn Trần Anh Hùng mệt nhoài, nhưng anh vẫn hứng thú với những câu hỏi về điện ảnh.


Đạo diễn Trần Anh Hùng - Ảnh: Việt Dũng


* Một phần không thể thiếu trong công việc của người đạo diễn khi phim đã ra bản dựng cuối cùng là hợp tác với nhà sản xuất để đem nó đến công chúng. Công việc này có dễ dàng và dễ chịu với anh không?

- Sau khi làm xong phim, đưa phim ra để chiếu, tôi thấy cần gặp nhà báo để trao đổi nói chuyện. Đây là giai đoạn tôi có thể nói nhiều, có thể trao đổi về phim để một cách nào đó quên nó đi, cho nó vào quá khứ để mình có thể bắt đầu với các dự án mới.

* Khán giả phim của anh ở nơi nào làm anh bất ngờ nhất với xúc cảm cũng như phản ứng của họ?

- Có một số người làm tôi bất ngờ khi họ nói rằng Mùi đu đủ xanh Mùa hè chiều thẳng đứng đối với họ giống như một vị thuốc. Họ xem nó hằng ngày, hằng ngày... và nói rằng nhờ nó họ tìm lại được sự bình an.

* Anh đã từng nói nghệ thuật điện ảnh có ngôn ngữ riêng của nó mà người xem phải học để hiểu cách bộ phim diễn đạt chứ không phải xem điện ảnh luôn là công cụ giải lao một cách thụ động. Nhưng với số đông đã đọc và yêu cuốn sách Rừng Na Uy của Murakami, anh có kiếm tìm một chìa khóa cân bằng cho cả hai xu hướng hưởng thụ điện ảnh đã nói ở trên? Bởi chắc gì những người yêu cuốn sách ấy đã là những khán giả biết cách hiểu như anh chờ đợi?

- Đúng rồi, tôi nghĩ cái quan trọng khi mình chuyển thể một cuốn sách thành phim giống như mình vẽ tranh chân dung. Đầu tiên nó phải giống người mình vẽ đã. Và giống ở khía cạnh nào thì người được chọn lựa chính là tôi. Nếu chuyển thể thành công thì phim vừa là của Murakami, vừa là của tôi. Tôi không phải chỉ chuyển tải một câu chuyện, một nội dung, cái khó là phải chuyển một cảm giác, chuyển những cái mà cuốn sách đã gợi ra cho tôi, hay những thứ được chôn sâu trong lòng tôi, nhờ cuốn sách mà nó hiển hiện ra.

* Tình dục trong cuốn sách của Murakami là thứ tình dục được viết kỹ lưỡng nhưng lại đem đến cho độc giả cảm giác về sự trong trẻo. Anh có chung suy nghĩ đó không và anh xử lý cách nào khi diễn tả nó trên phim?

- Tình dục ở trong phim phải ăn khớp một cách chặt chẽ với vấn đề chính của phim. Vấn đề đó là gì? Là việc Naoko đã không thể làm tình, chính điều đó đã dẫn cô ấy đến cái chết, chính điều đó đã khiến cô ấy nghĩ rằng Kizuki chết. Đó cũng là lý do đưa Toru đến cảm giác có tội với Naoko vì anh đã không thể cứu được cô. Đó cũng là lý do khiến Toru và Nagasawa đi ngủ với các cô gái khác...

Trong cuốn sách, tôi thấy Murakami hơi quá đà. Khi Toru ngủ với Reiko chính là sự cứu vớt, trả lại cho Reiko khả năng làm tình vì đã bảy năm cô ấy không làm tình với ai cả. Đó là sự cứu vớt đối với cả hai người. Và trong phim, bạn sẽ thấy một cảnh mà tôi chắc rằng chỉ có điện ảnh chứ không một nghệ thuật nào có thể biểu đạt được điều đó. Nó đưa tới cho người xem cảm giác: nhân vật đã làm lành với cuộc sống.

Đó là phần mạo hiểm, khó nhất của Murakami, khi đưa lên phim tôi cố gắng làm sao cho người xem cảm được trước khi có thể hiểu nó. Khi quay những cảnh tình dục, tôi tập trung miêu tả sự biểu cảm trên khuôn mặt của họ. Cái nhẹ nhàng, bình an trong việc miêu tả tình dục của Murakami là cách che đậy sự nặng nề u ám, bởi nó tạo ra chết chóc...

* Những khóa giảng dạy không dài nhưng đều đặn của anh trong khoảng 10 năm gần đây đã đem lại những thay đổi đáng kể trong tư duy điện ảnh của các bạn trẻ ở Hà Nội. Anh có hứng thú với công việc giảng dạy đó không?

Rừng Nauy được công chiếu từ ngày 7-1-2011 trên toàn quốc.

Rừng Na Uy là cuốn tiểu thuyết được viết từ năm 1987 của nhà văn nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami. Cho đến nay đã có hơn 10 triệu bản sách được bán ra tại Nhật và được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ khác trên thế giới. Cuốn sách miêu tả đời sống của những người trẻ Nhật những năm 1960 với các nhân vật có đời sống nội tâm phức tạp như Toru Watanabe, Naoko, Reiko... Bản dịch của cuốn sách được xuất bản ở VN năm 2006 và được đạo diễn Trần Anh Hùng chuyển thể thành phim năm 2010.
- Nói đến giới trẻ là tôi rất hứng thú, tôi muốn làm bạn với họ vì phần nào đó tôi thấy mình có được sự trẻ trung hơn. Tôi thú vị khi trao đổi với họ, để mỗi lần về đây tôi thấy như bụi bặm được rũ xuống. Tôi với họ giúp nhau “đẻ”. Giống cách các bạn bên Pháp “đỡ đẻ” cho tôi khi tôi viết kịch bản và đưa cho họ đọc giúp để có thêm các ý khác hay hơn, tốt hơn. Ở đây cũng vậy, hỏi nhau tại sao, tại sao, tại sao... sẽ giúp chúng ta tư duy tốt hơn.

* Bộ mặt điện ảnh VN đã thay đổi đáng kể, khán giả đã đến với phim Việt dù bằng các sản phẩm thương mại mang nhiều tính thời vụ. Anh có quan tâm đến khán giả VN không và anh có sự chia sẻ nào với các nhà làm phim trẻ ở VN?

- Điện ảnh vừa là nghệ thuật vừa dành cho công chúng. Nghệ thuật chỉ sống được khi yếu tố thương mại vững chắc. Những người làm phim nghệ thuật một phần nào đó đã nợ những người làm phim có thể tạo ra công chúng điện ảnh. Bởi lẽ những người kia đã tạo ra sự chuyên nghiệp, tạo ra các diễn viên và lâu lâu có một số người trong đó sẽ làm phim nghệ thuật. Tôi rất quý những người làm phim có được nhiều khán giả, họ có tài riêng.

Nhưng cũng không thể phủ nhận được giá trị riêng của phim nghệ thuật vì nếu thành công nó có thể làm xáo trộn cảm xúc của người xem, chạm vào sự nhạy cảm trong mỗi người.

* Điều cần nhất với khán giả VN là gì khi họ đang có quá nhiều lựa chọn cho các thể loại phim ảnh? Nếu Rừng Na Uy vẫn chỉ dành cho một số không nhiều khán giả ở VN, anh có thất vọng hay không?

- Với tôi, khán giả không phải là số đông mà từng người một. Tất nhiên với một số phim thì người xem phải có một trình độ nào đó mới có thể tiếp nhận được. Tôi sẽ thất vọng nếu ai đã đọc truyện Rừng Na Uy rồi mà lại không đi xem phim. Còn những người đi xem, đi đông mà nhiều người không thích phim thì lại là một chuyện khác. Mỗi lần phim ra giống như mình bỏ rơi một đứa con giữa đời vậy. Khó nói lắm.

Theo Tuổi trẻ
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến