Đạo diễn phim 'Mỹ nhân' Đinh Thái Thụy: Nhà nước vẫn bỏ tiền làm phim kén khán giả là vui rồi

Chủ Nhật, 1/11/2015, 12:34 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Mỹ nhân, bộ phim hiếm hoi được nhà nước đầu tư năm nay, vừa tung trailer với nhiều cảnh quay đẹp. Tuy chưa gây thiện cảm vì phim lồng tiếng (thay vì thu âm trực tiếp), nhưng trailer cũng tạo ấn tượng với khán giả.

Cốt lõi của phim Mỹ nhân là câu chuyện loạn luân của Tống Thị, một cái nhìn mới về lịch sử của nhà biên kịch Văn Lê và Đinh Thái Thụy. Đạo diễn sinh năm 1980 này - từng làm đồng đạo diễn Về đất Thăng Long (40 tập) và đạo diễn Đường Hồ Chí Minh trên biển (40 tập) - chia sẻ những suy nghĩ của mình với báo Thể thao & Văn hóa.

* Đạo diễn 8X làm phim lịch sử về giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, anh có lo lắng nhiều không?

- Về phim điện ảnh thì đây là tác phẩm đầu tay của tôi. Không chỉ riêng tôi, mà tất cả các cộng sự trong ê-kíp đều lo lắng và áp lực. Bối cảnh thời chúa Nguyễn không còn gì có thể sử dụng cho phim, sử liệu cũng hạn hẹp.

Một nhà nghiên cứu sử ở Huế nói vui với chúng tôi: sử liệu mỏng về thời chúa Nguyễn đúng là vừa dễ vừa khó cho các anh khi thực hiện phim này. Dễ vì không có nhiều cứ liệu chính xác để đối chứng chi tiết, khó vì phải cố gắng xây dựng tất cả mọi thứ cho ra được hồn cốt thời đó.


Đạo diễn Đinh Thái Thụy

* Vậy cách tiếp cận, xử lý của anh thế nào?

- Ưu điểm của phim truyện so với phim tài liệu lịch sử là có thể hư cấu ở một chừng mực nào đó để câu chuyện phim mềm mại, logic và hấp dẫn đối với người xem. Hư cấu trong phim ảnh thì dễ rồi, cái khó là phim thiên về chính sử không chấp nhận sự hư cấu những yếu tố thuộc về văn hóa, lịch sử đã trường tồn.

Kiến trúc, phục trang và các vật dụng thời Chúa Nguyễn hầu như chỉ còn phác họa trong sử liệu với hình họa đen trắng, số ít được vẽ màu.

Vì vậy trong quá trình chuẩn bị tiền kỳ, ngoài việc tiếp cận các nguồn sử liệu, chúng tôi gồm họa sĩ thiết kế, họa sĩ phục trang, tổ chức sản xuất, cố vấn nghệ thuật, DOP và đạo diễn đã có ba chuyến khảo sát ở Huế. Việc đó giúp cho việc dàn dựng bối cảnh, thiết kế phục trang và xử lý nội dung kịch bản sao cho xác thực nhất.


Hoa hậu Triệu Thị Hà có cảnh nude táo bạo trong phim “Mỹ nhân”

* Nghe nói phim Mỹ nhân được đầu tư hơn 20 tỷ đồng, với anh như vậy đã phù hợp, thoải mái chưa?

- Vai trò của tôi chỉ tập trung vào nghệ thuật của phim, còn vấn đề kinh phí thì nhà sản xuất mới là người nắm rõ, nhưng tôi nghĩ với những gì được đầu tư thực tế vào phim mà tôi có được thì 20 tỷ là một tin đồn hơi cao. Còn mức kinh phí để phù hợp được với phim thì theo tôi nó vô chừng lắm.

Chúng tôi đang phải làm phim trong điều kiện liệu cơm gắp mắm, để làm được những bộ phim về đề tài lịch sử có quy mô lớn như những phim nước ngoài mà chúng ta đã được xem thì 20 tỷ chỉ là số rất lẻ.  

Phim Mỹ nhân: Quan thời Nguyễn mặc… áo Lion King của Walt Disney

Phim Mỹ nhân: Quan thời Nguyễn mặc… áo Lion King của Walt Disney

Mới đây, trong trailer của Mỹ nhân, bộ phim lịch sử thời Trịnh - Nguyễn đã xuất hiện trang phục có in hình vua sư tử trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới Lion King.


Tuy nhiên, trong điều kiện chúng ta đang chuyển mình vào nền công nghiệp điện ảnh hội nhập, các nhà sản xuất phim đang chọn những giải pháp an toàn cho phim chiếu rạp mà nhà nước vẫn “mạo hiểm” đầu tư vào dòng phim còn kén khán giả như thế này cũng vui rồi. Tôi may mắn khi được thực hiện bộ phim này.

Tôi tin trong tương lai phim về đề tài lịch sử sẽ được khai thác nhiều nữa. Đề tài lịch sử còn là mảnh đất phong phú cho điện ảnh, vấn đề cốt lõi là tìm ra giải pháp tối ưu để kết nối khán giả với đề tài này. Các nhà làm phim vẫn đang… mắc nợ khán giả yêu phim ảnh Việt về đề tài sử Việt.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến