Đạo diễn Đặng Hồng Giang cầm cố nhà để làm 'Lửa Thiện Nhân': Làm tử tế trước đi đã!

Thứ Ba, 10/11/2015, 13:38 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Kẽo kẹt quay suốt 3 năm, xong phim, hết tiền làm hậu kỳ nên lại chờ 1 năm gom đủ tiền. Nhân vật sốt ruột, sao ông đạo diễn đeo bám gia đình mình lâu thế. Có người thở dài “chắc nó chờ mình… chết mới chiếu phim”. Cuối cùng thì Lửa Thiện Nhân cũng đã ra rạp vào ngày 15/10/2015, đạo diễn Đặng Hồng Giang tất bật như nhà có đám cưới, quên hết mệt nhọc khi khán giả đến bắt tay mình.

Năm 2006, tại Quảng Nam một đứa bé bị bỏ rơi và bị súc vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục. Sự kiện này đã làm chấn động xã hội lúc ấy. Nhưng sau đó đã có một bà mẹ, là chị Mai Anh nhận Thiện Nhân về làm con nuôi. Phim Lửa Thiện Nhân đã tái hiện hành trình đầy vất vả của chị Mai Anh trong việc chăm sóc sức khỏe và tìm thầy thuốc giúp con trai có được “con chim xinh xinh”.

Sau khi phẫu thuật thành công, nhiều gia đình có con trai bị dị tật bộ phận sinh dục đã gửi thư về cho chị Mai Anh. Cùng với sự giúp đỡ của Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, ông Greig Craft, đồng thời là cha nuôi của Thiện Nhân và “ông Bụt”, bác sĩ người Italy Roberto De Castro... hơn 100 đứa trẻ Việt Nam đã được phẫu thuật thành công. Và dự án này đang tiếp tục mở rộng ra…


Đạo diễn Đặng Hồng Giang cùng ông Dennis Cieri - người sáng lập LHP độc lập New York

Câu chuyện về “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân và người mẹ kiên cường Mai Anh đã nhiều người được biết, những bài báo viết về họ có thể đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn. Vậy nhưng, trong những buổi chiếu đầu tiên, phim Lửa Thiện Nhân đã khiến khán giả có người khóc suốt 77 phút, có người nuốt nước mắt vào trong.

Và đằng sau câu chuyện của bé Thiện Nhân, còn có một câu chuyện khác, cũng ấn tượng và kiên cường không kém, đó là chuyện của những người làm phim đã bỏ ra tới hơn 4 năm cho một tác phẩm này. Thể thao & Văn hóa Cuối tuần có cuộc trò chuyện “tranh thủ” với đạo diễn Đặng Hồng Giang giữa những suất chiếu.

* Thời điểm anh đưa phim dự LHP quốc tế Hà Nội gần như không ai biết gì về bộ phim này, vì sao anh không quảng bá?

- Vì lúc đó phim chưa hoàn thiện, tôi chưa tự tin và cần thời gian để nâng cấp một số vấn đề kỹ thuật.


Đạo diễn Đặng Hồng Giang cùng các cộng sự tác nghiệp ngay tại trong phòng mổ

* Nghe nói, anh đã phải cầm cố nhà và dành 3 năm để theo đuổi bộ phim này?

- Hôm họp báo tại Hà Nội, MC là bạn của tôi đã kể câu chuyện này. Thành thực tôi không chia sẻ vì nói ra lại mang tính kể lể, mà tôi không thích kể về khó khăn. Đó là chuyện thật, nhưng làm phim là đầu tư nghiêm túc, chứ mình không đến nỗi mù quáng vác tiền nhà đi làm phim. Tôi chỉ tâm niệm, cứ làm cho tử tế đi, chẳng ai để mình thiệt cả.

Nhìn đâu xa, ở Hàn Quốc có phim tài liệu Old Partner về một cặp vợ chồng già nuôi một con bò đã phá kỷ lục phòng vé khi thu về 10 triệu USD. Tiếp đó là My Love, Don’t Cross That River thu 20 triệu USD. Tại sao ta không ước mơ làm được những phim như thế? Chỉ sợ năng lực của ta chưa đủ, chứ tôi khẳng định ở Việt Nam có rất nhiều câu chuyện hay như thế và hơn thế.

* Thời điểm nào khiến anh quyết định phát hành bộ phim?

- Sau LHP độc lập New York và LHP quốc tế Hà Nội, thôi thúc phát hành phim trong tôi rất lớn nhưng vẫn phải chờ vì cần tiền hoàn thiện nốt kỹ thuật cho phim. Phải chia sẻ thật là khi bắt tay vào làm tôi không hề nghĩ đến phát hành thương mại, tôi chỉ nghĩ đây là công việc làm báo của mình, cũng là trách nhiệm xã hội. Bạn thấy đấy, khi phát hành ê-kíp của tôi rất lúng túng.

Bác sĩ Roberto De Castro (người đã phẫu thuật thành công cho Thiện Nhân - PV) cũng khá sốt ruột, năm nay ông ấy 65 tuổi rồi, mỗi lần gặp tôi ông ấy nói “thằng này nó đợi tao chết mới chiếu phim”.


Đạo diễn Đặng Hồng Giang và những phút vui đùa cùng Thiện Nhân

* Xem Lửa Thiện Nhân, tôi thấy các nhân vật của anh dù khó khăn bời bời, nhưng chưa bao giờ than thở, khóc lóc. Tôi cũng có cảm giác đạo diễn chủ trương không biến phim thành phim của nước mắt?

- Tôi rất tách bạch chuyện làm điện ảnh và làm từ thiện. Câu chuyện về bé Thiện Nhân truyền thông đã đề cập quá nhiều. Thời gian cũng đã đủ dài, nhắc đến Thiện Nhân là nhắc đến các hoạt động từ thiện để giúp đỡ cháu.

Tôi không muốn phim mình lại rơi vào lối mòn thông tin đó. Nhiều người nói xem phim này toàn người tốt. Thiện Nhân cũng chỉ là một cái cớ, từ đó liên kết bao người tốt lại, cùng làm việc tốt. Nên tôi đã quyết định đổi tên phim thành Lửa Thiện Nhân với mong muốn truyền lửa cho mọi người. Tôi muốn khán giả biết nếu họ mua một tấm vé, họ có quyền tự hào vì đã góp sức vào làm một việc tốt, vì tôi sẽ dành ra một khoản thu cho quỹ từ thiện của Thiện Nhân.

* Ở trong phim này tôi có cảm nhận khá rõ sự khiêm nhường của đạo diễn, anh gần như tàng hình?

- Trong chuyên môn của phim tài liệu, đạo diễn càng ẩn đi bao nhiêu thì nhân vật nổi lên bấy nhiêu. Tôi rất cố gắng để khán giả thấy hơi thở cuộc sống, chứ không dàn dựng lộ liễu. Tôi luôn tâm niệm nhân vật của mình hiểu câu chuyện của họ, họ nói hay hơn mình rất nhiều. Mình không nên làm hỏng câu chuyện của họ bằng lời bình. Cách làm phim với kịch bản có sẵn và lời bình đã cũ rồi.


Đạo diễn Đặng Hồng Giang cùng các đồng nghiệp tại LHP độc lập New York

* Những đoạn phỏng vấn nhân vật trong phim này nổi trội nhất, vì phỏng vấn là nghề của anh rồi. Làm thế nào để nhân vật nói ra thật nhất?

- Tôi luôn nói với họ đây là một cuộc trò chuyện, và tôi thực sự tò mò về câu chuyện của họ. Đôi khi sự ngớ ngẩn của mình lại khiến họ bực mình nói ra nhiều điều (cười).

Ban đầu Mai Anh (mẹ nuôi của bé Thiện Nhân - PV) nói em không quen trả lời phỏng vấn đâu. Tôi đã nói, nếu em quen thì anh hỏi làm gì nữa, anh cần em chính là em. Và trong phim bạn thấy đấy, có lúc cô ấy dùng những từ rất đời như “Thiện Nhân tọng cả cái bánh to vào mồm”.

* Thế mạnh phóng viên của anh đã phát huy tối đa trong việc sắp xếp thông tin hình ảnh và nội dung phim. Nhưng tôi hơi đắn đo, dường như phóng viên chúng ta thừa sự khoa học, nhưng lại thiếu hẳn chất “nghệ”. Dù đây là phim tài liệu hiện thực, thì vẫn cần chất đó lắm.

- Tôi có nhận đó là điểm yếu của mình. Có lẽ 10 năm làm ở báo Công an TP.HCM, trong đó 8 năm làm điều tra, đã rèn cho mình cứng cáp lên, nhưng cũng làm mình khô khan đi. Khi làm phim này tôi đã mời biên kịch Đoàn Tuấn với hy vọng anh ấy sẽ giúp mình làm mềm hóa bộ phim. Những phim sau tôi sẽ cần sự mềm mại, thơ thới hơn, chứ lúc nào cũng đăm chiêu như thằng cha đi làm điều tra, be trước, chắn sau, già người, già tâm hồn lắm đấy.

* Vì sao anh quyết định bỏ báo đi học làm phim?

- Tôi không bỏ, tôi chỉ chuyển từ báo viết sang báo hình thôi. Khi dừng ở điểm nào đó quá lâu tôi thấy cùn người thì chuyển hướng. Nhận thấy xu hướng phát triển của báo hình, mà tôi cũng lại thích nữa nên quyết định sang Úc học.

Chương trình thạc sĩ học mất có năm rưỡi thôi, nhưng tôi mất tổng cộng 4 năm vì còn phải vật lộn với tiếng Anh. Vì tôi lớn tuổi rồi, tiếng Anh đi từ số 0, phải thi 3 lần mới đủ IELTS 7.0, mới được vào học đấy. Nhưng bù lại vào học chuyên ngành tôi rất nhàn. Dù tôi viết tồi, nhưng kinh nghiệm lâu năm giúp tôi có nhiều ý tưởng, mà các thầy nước ngoài lại đánh giá rất cao ý tưởng.

* Anh nhìn thấy tương lai gì cho phim tài liệu hiện thực ở Việt Nam khi người Việt đã quá quen với cách làm phim có kịch bản, lời bình? Chẳng mấy ai đủ tài chính và sự kiên trì theo đuổi một bộ phim tới 3 năm như anh?

- Tôi muốn cùng các nhà làm phim hiện thực, hiện đại thay đổi quan niệm và tư duy của khán giả với phim tài liệu. Tôi làm điều tra xã hội học rồi, 86% nghe đến phim tài liệu là nghĩ đến chiến tranh, đến cái gì đó cũ kỹ. Như vậy thì oan cho bản chất phim tài liệu quá. Cũng trăn trở đấy bạn ạ!

Năm 2003 tôi có hai đồng nghiệp khoe được Discovery thuê đi quay lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, được trả công 500 USD/tuần, thời điểm đó nghe thích quá. Đến khi tôi ra nước ngoài học mới biết thù lao cho một quay phim như thế là 8.000 USD, tự nhiên thấy tội nghiệp cho anh em chúng tôi quá. Còn tất nhiên bây giờ Discovery nó bảo tôi đi quay cho nó 1 tuần 500 USD tôi cũng ừ (cười).

* Hiện tại anh đang theo đuổi dự án gì?

- Tôi đố chị con sông nào dài nhất Việt Nam?

* Có phải sông Hồng?

- Tôi đã làm điều tra xã hội học, phần lớn người Việt không ai biết sông Đồng Nai là con sông dài nhất Việt Nam. Kể cả người Đồng Nai nhiều người cũng không biết.

Thêm một thông tin nữa nhé, đây là con sông nằm trọn vẹn trong lãnh thổ Việt Nam không phải vay mượn, chạy qua nước nào, thật đáng tự hào phải không. Chúng tôi vừa hoàn thành phần 1 ký sự về con sông này và đang làm tiếp phần 2. Rất thú vị và cũng thật gập ghềnh. Ở Việt Nam có rất nhiều đề tài để làm phim tài liệu, không ai phải cạnh tranh ai cả, chỉ sợ không có sức để làm mà thôi.

Hành trình "Lửa Thiện Nhân"

Lửa Thiện Nhân từng được chiếu khai mạc LHP ngắn độc lập New York 2013. Phim được chọn là đại diện cho Việt Nam trong chùm phim “Panorama - Điện ảnh thế giới chọn lọc” tại LHP quốc tế Hà Nội 2014.

Bộ phim chiếu chính thức từ 15/10/2015 tại cụm rạp Ngọc Khánh (Hà Nội), cụm rạp Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

"Tại sao ta không mơ ước làm được những phim như thế"?

"Hàn Quốc có phim tài liệu Old Partner về một cặp vợ chồng già nuôi một con bò đã phá kỷ lục phòng vé khi thu về 10 triệu USD. Tiếp đó là My Love, Don’t Cross That River thu 20 triệu USD. Tại sao ta không ước mơ làm được những phim như thế? Chỉ sợ năng lực của ta chưa đủ, chứ tôi khẳng định ở Việt Nam có rất nhiều câu chuyện hay như thế và hơn thế" - Đạo diễn Đặng Hồng Giang phát biểu.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến