Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - Giá của bậc thầy

Thứ Hai, 27/6/2016, 19:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Nguyễn Tư Nghiêm, suốt cuộc đời đã sống xứng đáng với sự tôn vinh về một danh họa. Không chỉ ở tài năng khác biệt với những thành công sáng giá trong và ngoài nước, mà sức bền sáng và ảnh hưởng của ông đã vượt thế kỷ, vượt quỹ sống của mình để thành bất tử trong sự nể phục, thống nhất của các thế hệ nghệ sĩ.

Xem chuyên đề Giấc mơ triệu đô của tranh Việt tại đây.

Ẩn mình để hết mình

Như nhiều người thời trước đi theo kháng chiến, phần vì sự lạc hậu của các cụ thân sinh, phần vì loạn lạc chiến tranh, lý lịch công tác cách mạng nhiều khi phải khai chệch với năm sinh thật. Nguyễn Tư Nghiêm, trên mọi giấy tờ đều ghi sinh năm 1922, nhưng ông khẳng định với tôi cuối năm 2013, khi tôi đến thăm nhà ông, được trò chuyện và xem ông vẽ, thì ông mang tuổi Bính Ngọ 1918. Cầm tinh con ngựa, thảo nào ông hay vẽ ngựa và vẽ hay, lạ, kỳ khôi như thế.

Người ta thấy, với danh họa này, vẽ luôn là hành trình, là cuộc chơi đầy thích thú cho đến lúc mắt mờ, tay run, tóc trắng vẫn bận bịu mỗi chiều trong phòng vẽ. Ông không quảng giao, tránh đám đông, “trốn các hội thảo, hội nghị, hội hè, sự kiện, không đi xem các triển lãm, dự liên hoan, yến tiệc, không phải bởi khó tính, cao ngạo.

Nhưng ông ân cần với những người đến thăm mình. Ông cư xử ấm áp với mọi người, bình dị với  lớp trẻ, chưa bao giờ Nguyễn Tư Nghiêm tỏ ra kênh kiệu, tỏ ra mình là danh họa mà đòi mọi người phải thế này thế khác với mình.


Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh Nguyễn Đình Toán

 Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, nhớ lại: “Tôi từng đến thăm ông từ lúc mới ra trường đi làm, tại căn phòng thuộc tầng trệt nhà A1, tập thể Trung Tự, vốn là một nửa căn hộ cũ của nhạc sĩ Trần Hoàn mà Nhà nước phân lại cho ông. Rồi thăm ông ở căn phòng nhỏ tầng 3, số 65 Nguyễn Thái Học. Ông luôn gần gũi trong cư xử. Là danh họa, ông chỉ chuyên chú vẽ, không màng chức tước, bổng lộc.

Ông không tỏ ra kiêu chảnh, vẫn gửi tác phẩm tham gia các triển lãm chung cùng anh em các thế hệ. Năm 1990, ông gửi tác phẩm Thánh Gióng. BTC treo, trưng bày, ông không đến xem triển lãm mỹ thuật toàn quốc, giải Nhất cũng không đến nhận, chúng tôi phải mang tiền, giải thưởng đến tận nhà cho ông”.

Ngay với những nghệ sĩ lớn của thế giới, không phải ai cũng nhận được sự tâm phục khẩu phục thống nhất của các thế hệ, các đồng nghiệp cùng thời và lớp hậu bối. Nhưng Nguyễn Tư Nghiêm có được sự kính trọng toàn vẹn của mọi người về nhân cách nghệ thuật. Ông đã vẽ bền bỉ đến tháng 5/2016, khi phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Xô.

HS Đặng Xuân Hòa đầy cảm phục khi nhắc đến Nguyễn Tư Nghiêm: “Với tôi, ông thực vĩ đại về sức lao động. Với nghệ sĩ, sáng tạo, làm nhiều mới thấy được khả năng, người đó thấy chính mình và mọi người thấy rõ người đó. Vẽ 10 bức khác với 100 bức càng khác vẽ 1.000 bức. Văn chương cũng thế. Vẽ viết nhiều mà đa dạng, đạt dấu ấn thì mới tài. Vẽ nhiều là một khả năng đặc biệt đáng quý, vẽ nhiều mà lại đẹp, có phương cách thì là tài năng lớn.

Nguyễn Tư Nghiêm với bút pháp chủ nghĩa biểu hiện đã tạo nên con đường nghệ thuật lớn lao đích thực, ai nói về già ông vẽ lặp lại là nhận xét hời hợt. Ông càng vẽ càng phong phú, thanh thoát hơn, Nguyễn Tư Nghiêm  đã vẽ chăm chỉ phong độ trong nhiều bối cảnh xã hội, chỉ có nghệ sĩ lớn mới có phong độ như thế”.

Nguyễn Tư Nghiêm sống ẩn để dốc trọn thời gian, sức lực cho nghệ thuật, ông ẩn mình giữa trung tâm Hà thành mà vẫn thức nhạy mọi chuyển biến thời cuộc, nhân sinh.

Nguyễn Tư Nghiêm ít nói, ít tuyên ngôn chỉ có một lần ông phát biểu trong một hội nghị về quan điểm nghệ thuật của mình: “Khai thác, đi đến tận cùng truyền thống, sẽ gặp hiện đại”.

Nguyễn Tư Nghiêm suốt đời mình đã làm việc, sáng tạo trên tinh thần này. Tranh của ông đóng góp đột phá cho ngôn ngữ tạo hình Việt Nam. HS Vi Kiến Thành nhận định: “Một số họa sĩ lớn, phong cách chỉ là phát triển kiến thức được học từ mỹ thuật Pháp. Sòng phẳng nhất mà nói, chỉ có hai người có đóng góp đặc biệt cho ngôn ngữ tạo hình Việt Nam bằng cách tân nổi trội là Nguyễn Sáng và Nguyễn Tư Nghiêm.

Nét của Nguyễn Tư Nghiêm độc đáo ở cấu trúc hình và độ rung cảm, làm nên một cấu trúc khác thường, tôi không muốn nhắc tên cụ thể những họa sĩ chịu ảnh hưởng motiv phong cách của ông, nhưng tư tưởng nghệ thuật của ông là ảnh hưởng lớn tới vài thế hệ và sẽ tiếp tục, bởi nó đúng với tinh thần nhận diện bản sắc văn hóa và nhu cầu bức thiết của đổi mới. Chính bởi những rung cảm khi đi nét, tranh Nguyễn Tư Nghiêm rất khó bắt chước. Nếu là tranh đi đạo, người có nghề nhìn biết ngay”.


"Thánh Gióng" (1990) của Nguyễn Tư Nghiêm

Giá của sự khác biệt, độc đáo

Sự ẩn mình làm Nguyễn Tư Nghiêm có vẻ thiệt thòi, có những người trong giới còn mù mờ không biết ông còn sống hay đã mất, ông không thỏa mãn hay gặm nhấm hào quang, danh tiếng.

Họa sĩ Phạm An Hải - một trong những HS đình đám nhất thế hệ 6X lại cho biết, anh đã từng biết có bức giấy dó 60 x 90cm của Nguyễn Tư Nghiêm được trả tới 70.000 USD!

Nhiều người khẳng định, tranh Nguyễn Tư Nghiêm hiện vào loại cao giá nhất trong các họa sĩ đương đại Việt Nam. Hiện Bảo tàng Nguyễn Tư Nghiêm (chung với Bảo tàng Nguyễn Tuân) ở số 90B Trần Hưng Đạo (Hà Nội) hiện đang lưu giữ khoảng 1.000 bức thuộc quản lý của bà Thu Giang, vợ danh họa.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: Sống để vẽ và yêu

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: Sống để vẽ và yêu

Nguyễn Tư Nghiêm, người duy nhất đang còn sống trong bộ tứ 'Nghiêm - Liên - Sáng - Phái'. Ông sinh năm Bính Ngọ 1918, năm Giáp Ngọ 2014 này, hoạ sĩ tuổi 96. Vẫn vẽ hàng ngày, đấy không phải là điều bất ngờ độc nhất của ông.


Họa sĩ Mai Anh, cho biết vì quá yêu tranh mà chị đã bán ngôi nhà ở Thành Công để thuê nhà và mở gallery Ngàn Phố tại 82 Hàng Gai, hiện đang giữ khoảng 30 bức tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Chị Mai Anh từng tổ chức triển lãm về Nguyễn Tư Nghiêm tại gallery năm 2015.

Đã có nhiều lo lắng về những tác phẩm hội họa Việt Nam “chảy máu” ra nước ngoài, vậy Nhà nước sẽ giữ lại chúng như thế nào?

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho biết: “Cơ quan tôi sát gần Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và tôi đã làm giám đốc bảo tàng này 1 năm (2009). Hằng năm, bảo tàng đều có ngân sách khoảng 1 tỷ đồng, để mua tranh. Tranh được mua theo chất lượng, nhu cầu của bảo tàng, có một hội đồng  thẩm định, kinh phí Nhà nước eo hẹp, nhưng không vì thế các họa sĩ thông cảm bán rẻ cho đâu, họ bớt so với giá thị trường một chút thôi. Bảo tàng mua theo hình thức thương lượng, thỏa thuận”.

Có tranh lưu giữ trong bảo tàng mỹ thuật của quốc gia là vinh dự không thể phủ nhận, song bảo tàng với năng lực ngân khoản ít, khó có thể sở hữu nhiều tác phẩm đỉnh cao, khi dòng chảy thị trường tranh vẫn tác động không nhỏ đến đời sống hội họa và tâm lý sáng tác của không ít họa sĩ.

Sinh thời, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm rất muốn có nơi chốn lưu giữ, trưng bày tác phẩm cho người xem trong và ngoài nước tại Hà Nội. Cả đời ông đau đáu việc này, ông ít làm triển lãm cá nhân, mà triển lãm cũng chỉ có thời hạn; trong khi nếu có phòng trưng bày lâu dài, thì sự "giao lưu" giữa họa sĩ và công chúng thật lý tưởng, vô thời hạn.

Họa sĩ Nguyễn Thu Giang coi việc thực hiện lời hứa với chồng là trách nhiệm không chỉ của tình chồng vợ, mà còn với di sản nghệ thuật mà ông tin tưởng gửi gắm bà gìn giữ, bảo vệ. Những bức tranh đề dòng chữ "Sưu tập Thu Giang" đều được bà giữ, ngoài vài tác phẩm rất hãn hữu dành cho người thân.

Bảo tàng Nguyễn Tư Nghiêm được lập ra để bảo tồn, giới thiệu tác phẩm của danh họa với công chúng (vào xem miễn phí), không phải là gallery, cũng không phải để giao dịch mua bán tranh của Nguyễn Tư Nghiêm. Lời hứa với danh họa cũng là tâm nguyện bà đau đáu. Dù lớn tuổi có bệnh, bà vẫn ngày ngày miệt mài công việc bảo tàng và tính xa cho tương lai sau này. Hai ông bà không có con chung, vì vậy, bà đã sắp xếp để có thể trao truyền lại công việc của bảo tàng sau này cho người sẽ thay mình, tiếp tục thực hiện khát vọng của ông: Giữ những bức họa để đời tại bảo tàng Nguyễn Tư Nghiêm..

Giá tranh Nguyễn Tư Nghiêm là giá của thời gian, bởi ông đã tích hợp những tinh hoa mỹ thuật Việt và văn minh Á Đông, đưa các thế kỷ trước vào hiện đại để đạt đến độ đỉnh cao độc đáo hiếm biệt.

Vi Vi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến