(Thethaovanhoa.vn) - Bảo vật Quốc gia tượng A Di Đà tại chùa Phật Tích đã được phục dựng hoàn chỉnh ở dạng vật phẩm văn hóa. Đồng thời, nhiều hiện vật gỗ cổ mang dấu ấn Lý, Trần, Lê, Mạc cũng đã được phục dựng để trưng bày và tiến tới đưa vào đời sống đương đại.
Đó là một phần nội dung triển lãm "Di sản Việt Nam- Góc nhìn mới" sẽ diễn ra vào 16h30 hôm nay (3/11/2016) và kéo dài tới ngày 13/11/ tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ ( Đào Duy Từ, Hà Nội. Triển lãm được tổ chức bởi Hội Quán Di Sản và Circle Group dưới sự phối hợp và bảo trợ của Hội sử học Việt Nam.
Theo thông tin từ BTC, triển lãm giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu được phục dựng, mô phỏng, thiết kế từ những bảo vật quốc gia, những hiện vật của từng triều đại phong kiến Việt Nam. Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu hàng loạt những sản phẩm có tính ứng dụng cao dựa trên nền tảng chất liệu sơn mài, gỗ, đồng… cùng những hoa văn, họa tiết đặc trưng Việt Nam.
Mẫu tượng A Di Đà được phục dựng lại
Lý giải về nguyên do chọn pho tượng phật A Di Đà ở chùa Phật Tích để phục dựng, ông Trần Thanh Tùng, sáng lập viên Hội Quán Di Sản (Đơn vị tổ chức) chia sẻ: Về niên đại, đây là pho tượng còn gần như nguyên vẹn nhất có từ thời Lý. Pho tượng có ý nghĩa rất lớn về tư tưởng tôn giáo chính thống. Về mặt tạo hình, pho tượng được làm theo tiêu chuẩn hoàng gia, điều này các đời sau rất hiếm. Cũng bởi vậy pho tượng là một trong những bảo vật quốc gia đầu tiên của Việt Nam được xét tặng trong năm 2015.
Theo chia sẻ của ông Trần Thanh Tùng, các cứ liệu sử học ghi lại, pho tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh, cao gần 3 mét. Song, do biến động lịch sử, nay, pho tượng thiếu thớt sư tử nên hiện tại, chiều cao của pho tượng là 2,76 mét.
Hội Quán Di Sản thực hiện làm lại pho tượng dưới dạng vật phẩm văn hóa gồm hai kích cỡ: 24 cm và 46 cm. Việc phục dựng dựa trên nghiên cứu pho tượng gốc tại chùa Phật Tích và hai tiêu bản tượng đặt tại bảo tàng. Đồng thời, những người thực hiện cũng nghiên cứu rất kỹ tư liệu để phục dựng thớt sư tử nay đã không còn trên nguyên mẫu
"Việc phục dựng đợt này có ý nghĩa quan trọng để lắng nghe ý kiến và đóng góp của công chúng. Bởi từ nghiên cứu đến thực tế có nhiều khác biệt, nhất là khi phiên bản được thu nhỏ so với nguyên mẫu."- Ông Tùng chia sẻ.
Trong thời gian diễn ra triển lãm, 2 buổi tọa đàm chuyên sâu có tên gọi Giá trị bảo vật Quốc gia- Tượng A Di Đà chùa Phật Tích và Mỹ thuật truyền thống ứng dụng vào sản phẩm mỹ thuật công nghiệp với sự tham dự của một số chuyên gia như thượng tọa Thích Đức Thiện, các nhà phê bình mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Sử, PGS. TS Nguyễn Đỗ Bảo, PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị...
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa