(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 21/9, rất đông các nghệ sĩ thuộc mọi thế hệ gắn bó với Hãng phim Truyện Việt Nam đã tề tựu tại trụ sở của Hội Điện ảnh để cùng nhau trao đổi những bức xúc xung quanh hậu cổ phần hóa hãng phim.
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa bên lề cuộc gặp, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói: "Trước đây chúng tôi có hơi cô độc, dù cho đã nhìn nhận vấn đề, đi kiến nghị chỗ này chỗ khác nhưng bởi tiếng nói nghệ sĩ chưa đủ mạnh nên không có kết quả.
Khi đó chúng tôi có gặp gỡ bộ văn hóa nhưng rồi sau một năm mọi chuyện vẫn không thay đổi gì cả. Chính vì điều đó, cách ứng xử của đơn vị đầu tư với di sản hiện đang được bảo vệ trong hãng như "giọt nước tràn ly", khiến chúng tôi cảm thấy rằng đây là câu chuyện không thể chấp nhận được.
Tôi cho là rất may mắn khi chúng tôi có sự đồng hành của công luận mong rằng lần này chúng tôi sẽ có được kết quả tốt."
Đề cập đến sự khó khăn về tài chính của nhà đầu tư khi tiếp quản hãng phim, nhà biên kịch Trinh Thanh Nhã cho rằng: "Không thể thông cảm, vì khi bước chân vào hãng phim họ phải biết tình trạng của hãng.
Chúng ta đều biết rằng điện ảnh là một "cuộc chơi" tốn kém và dài hạn. Do đó nhà đầu tư cần lường trước năng lực tài chính khi bước chân vào "cuộc chơi" ấy.
Điện ảnh để lại di sản văn hóa, ghi dấu ấn của lịch sử, xã hội, con người không phải cái lợi trước mắt. Một ngày nào đó những giá trị ấy sẽ được định giá lại."
"Khi bước chân vào hãng phim thì nhà đầu tư cần biết rằng họ phải làm gì. Để làm được việc ấy họ cần những chuyên gia, cần có chi phí chứ không phải "mù tịt" như vậy. Chính cái đó đã bộc lộ ra rằng họ không hề vì tình yêu điện ảnh, để phát triển điện ảnh như đã cam kết. Nghệ sĩ chúng tôi có thể ngây thơ, cả tin nhưng không ngu.", bà Nhã nói thêm.
Sự phẫn nộ của nghệ sĩ có thể bản năng nhưng khi chúng tôi kết thành một khối thì họ phải coi chừng!
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng tỏ ra quan ngại khi chỉ mới 2 tháng nhà đầu tư đã "đạp đổ" hết những gì hứa hẹn trong cam kết cũng như tâm thư gửi các nghệ sĩ.
"Chúng tôi sẽ đòi hỏi một sự minh bạch trong cổ phần hóa. Cổ phần hóa phải để chấn hưng điện ảnh và chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng vì điều này."
Từ phía Nam, các NSND Trà Giang, Thế Anh, Đoàn Dũng... cũng thẳng thắn chia sẻ quan điểm về sự việc.
NSND Thế Anh cho rằng, cần minh bạch hóa quá trình cổ phần hóa này. Trong khi đó, NSND Trà Giang chia sẻ kỷ niệm thời Xưởng phim truyện những năm 1970 khi các lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên đến thăm xưởng phim khi có tác phẩm mới.
Cùng quan điểm với nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - kêu gọi các nghệ sĩ nên tập trung vào giải pháp chứ không nói nhiều đến nguyên nhân. Theo bà, giải pháp lúc này là nên dừng việc cổ phần của Tổng công ty Vận tải thủy lại để thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần của hãng.
Cũng trong chiều nay 21/9 đã diễn ra cuộc họp quan trọng về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam. Cuộc họp có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, đại diện Hội Điện ảnh và một số bên có liên quan.
Chia sẻ trên trang cá nhân sau buổi họp, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - cho biết Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần minh bạch và sẽ cần thanh tra lại quá trình cổ phần Hãng phim Truyện Việt Nam...
TT&VH sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.
|
Hà My