Cô gái bị Down và người mẫu không tay làm rung động Tuần lễ thời trang New York

Thứ Năm, 17/9/2015, 22:54 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) -Trong Tuần lễ thời trang New York, thế giới đã biết đến một Madeline Stuart là cô gái mắc hội chứng Down, và một Rebekah Marine là cô người mẫu có cánh tay giả. Nhưng điều khiến cả thế giới sẽ phải ngả mũ khâm phục và nhớ đến ở hai cô gái là thứ nghị lực phi thường.

* Thế giới thời trang dần cởi mở hơn

Trắng trẻo, mái tóc đỏ hườm bồng bềnh, cô gái Madeline Stuart 18 tuổi đã là một người mẫu chuyên nghiệp và có cả một thương hiệu túi xách tay được đặt theo tên mình. Nhưng điều đáng ngưỡng mộ ở cô hơn cả là việc vượt qua những trở lực của việc mắc hội chứng Down.

Trải qua hành trình 28 giờ đồng hồ bay vòng quanh thế giới từ quê nhà Australia, Madeline đến với tuần lễ thời trang New York để tự tin sải bước trên sàn catwalk danh giá.

Bất chấp bệnh Down, Madeline Stuart đã thành người mẫu

Dù Madeline không phải là người mẫu mắc hội chứng Down đầu tiên hiện diện tại New York, nhưng điều đó cũng không làm giảm bớt niềm vui của mẹ cô bà, Rosanne Stuart. Theo bà Rosanne, đây là một dấu hiệu cho thấy thế giới thời trang khắc nghiệt và đáng sợ dù chậm nhưng vẫn đang dần trở nên cởi mở hơn với nhiều đối tượng phụ nữ. Madeline rất phấn khởi... Việc con bé nhận được cơ hội này thật đáng kinh ngạc.

“Đây là một cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi...”, mẹ của Madeline chia sẻ.

Người mẫu Madeline Stuart trên sàn catwalk

Sự nghiệp người mẫu của Madeline như vụt cất cánh sau khi mẹ cô đăng ảnh của con gái lên trang mạng xã hội Facebook hồi tháng 5. Những tấm ảnh này sau đó nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội và chỉ trong vòng một tuần, cô gái tuổi 18 đã có 20.000 người theo dõi trên Facebook. Cho tới thời điểm này, trang Facebook của cô đã thu hút được gần nửa triệu người like (thích).

Không dừng lại ở đó, một công ty EverMaya đã dùng tên cô để đặt tên cho sản phẩm túi xách tay, đồng thời quyên tặng toàn bộ số tiền bán được cho tổ chức NDSS ủng hộ những người mắc hội chứng Down. Thần may mắn như tiếp tục mỉm cười với cuộc đời Madeline khi cô tiếp tục trở thành gương mặt đại diện của công ty mỹ phẩm Glossigirl và được kí hợp đồng tham dự tuần lễ thời trang New York...

Ngây ngất trong niềm hạnh phúc của ánh hào quang bừng lên trong cuộc đời của con gái, bà Rosanne vẫn không quên được những thiệt thòi và thương tổn mà Madeline đã phải gánh chịu thuở thiếu thời.

Theo lời kể của bà, khi được sinh ra, đứa bé vô tội đã va vấp phải những điều mà bản thân cụm từ phân biệt đối xử không đủ sức để diễn tả. Chính vì vậy, bà Rosanne tâm sự, nếu câu chuyện bước vào thế giới thời trang hào nhoáng của con gái bà, dù chỉ đủ sức giúp một người mẹ có con bị Down khác thêm niềm tin vào con cái mình, thì đó cũng là điều làm bà hạnh phúc.

* “Nhiều đứa trẻ giờ đây còn nghĩ tôi là một siêu anh hùng”

Cũng tự tin sải bước trên sàn catwalk trong tuần lễ thời trang New York là người mẫu Rebekah Marine, 28 tuổi, quê ở bang New Jersey (Mỹ), nghề nghiệp: bán xe hơi.

Cô gái với cánh tay giả Marine (phải) cùng Madeline, cô gái bị Downtrong tuần lễ thời trang New York.

Sinh ra với cơ thể khiếm khuyết, nhưng Marine đã biến điểm yếu của mình thành điểm khác biệt trong hằng hà sa số người mẫu của thế giới thời trang. Không đi theo tiêu chuẩn người mẫu xinh đẹp như tượng, kiếm được nhiều tiền trong thế giới thời trang cao cấp, Marine có làn da hơi hơi ngăm, quyến rũ. Từ cô toát lên vẻ đẹp khỏe mạnh với làn da rám nắng và một nụ cười tươi rói.

“Nhiều đứa trẻ giờ đây còn nghĩ tôi là một siêu anh hùng”, cô Marine pha trò.

Ngày bé, dù không có cánh tay phải, cô vẫn ước mơ trở thành người mẫu. Ước mơ đó đã đưa hai mẹ con cô đến những buổi thi tuyển, chụp hình để rồi luôn bị loại ra.

“Tôi nghĩ ngành công nghiệp thời trang đã có một bước tiến dài... Nhiều thương hiệu rất dè dặt với việc sử dụng những người mẫu không mảnh dẻ, mắt xanh, tóc vàng... Vì vậy đó là cả một thách thức nhưng chúng ta đang có những bước tiến và cảm giác được là một phần trong đó thật tuyệt”, Marine bày tỏ.

Ngoài ra, Marine cũng là người phát ngôn cho dòng sản phẩm chân tay giả tiên tiến của mình. Những cảm biến trên cánh tay giả cho phép Marine di chuyển các ngón tay, thực hiện một số thao tác nhỏ hay chỉ đơn giản là những hành động hết sức bình thường với hàng tỉ người khác như cầm cốc sữa, dùng dao dĩa để cắt thịt.

“Nếu phải chết tối nay, tôi sẽ vẫn là người hạnh phúc nhất trên thế giới này. Tôi cho rằng bản thân mình đã tạo ra được ảnh hưởng đến người khác và đó là tất cả những gì tôi có thể thực sự mong muốn: làm thay đổi cuộc sống của mọi người”, Marine tâm sự.

Theo Tin Tức/AFP

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến