Cây vĩ cầm Việt trong chương trình Toyota Classics 2013

Thứ Hai, 4/11/2013, 15:2 (GMT+7)
(Thethaovanhoa.vn) - Không sinh ra ở cái nôi nuôi dưỡng những tài năng âm nhạc như Hà Nội và TP.HCM, cũng không trong gia đình có truyền thống âm nhạc, nhưng thành công của cây vĩ cầm sinh năm 1972 này có thể là niềm tự hào trong giới nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc cổ điển Việt Nam. Trong chương trình Hòa nhạc Toyota Classics 2013 sắp tới đây, Nguyễn Hữu Nguyên là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng danh tiếng.

Bỏ mộng cầu thủ

Vùng đất Khánh Hòa nổi tiếng sinh ra nhiều tài năng bóng đá. Từ nhỏ Nguyễn Hữu Nguyên đã mê bóng tròn, chiều đi học về là lại cùng lũ bạn đá bóng. Anh  ước mơ được vào trường thể thao và theo nghiệp quần đùi áo số. Nhưng bố mẹ không đồng ý, họ không có niềm tin vào nghiệp thể thao và sợ con mình không học hành tới nơi tới chốn.

Nguyên là anh cả trong gia đình có 4 cậu con trai. Bố mẹ Nguyên đều là công chức và họ mong các con sẽ theo nghiệp công chức, cuộc sống ổn định. Nhưng xen giữa dự định hướng nghiệp cho con và niềm mơ ước đi theo thể thao của Nguyên thì âm nhạc lại là một sự thỏa hiệp dễ chịu. Âm nhạc đã kéo Nguyên ra khỏi sự ngăn cản của gia đình đến với trái bóng và gieo trong anh một tình yêu mới để bây giờ cả cuộc đời anh đã được âm nhạc dẫn lối.

Bố Nguyên rất mê nhạc. Những lúc ở nhà ông hay kéo đàn và dần dà những giai điệu cổ điển ngấm vào tâm hồn của 4 cậu con trai. Ở Nha Trang khi đó để theo học nhạc cổ điển là một cố gắng rất lớn. Nguyên không có được một cây đàn tốt để tập, không có dây đàn để thay và cũng chẳng có nhiều tài liệu để học. “Sự khó khăn cũng có cái giá của nó, vì như nó sẽ làm cho bạn hiểu rằng, chỉ có yêu thích thì mới theo học tới cùng chứ không ai ép buộc bạn được và điều đó lúc nào cũng khiến tôi phải nghĩ rằng mình đàn làm sao để cho người nghe cảm nhận giống mình, để truyền tải được câu chuyện của tôi thì tuổi thơ là một nền tảng rất vững chắc”, Nguyễn Hữu Nguyên tâm sự.


Không Đông Âu thì Pháp tiến

Năm 15 tuổi, Nguyên khăn gói quả mướp vào TP.HCM theo học violin tại Nhạc viện TP.HCM. Nguyễn Hữu Nguyên là lứa tài năng trẻ của Nhạc viện TP.HCM khi ấy. Thầy trực tiếp của anh là Bùi Công Thành (bố Bùi Công Duy) và Bích Ngọc (bố Bích Trà). Cùng lứa của Nguyên có Tăng Thành Nam, Bùi Công Duy, Trần Hữu Quốc... Ngay năm 1989, 1990 Nguyễn Hữu Nguyên cùng Tăng Thành Nam đã đoạt giải Nhất môn violon ở cuộc thi Quốc gia âm nhạc mùa Thu lần 1 và lần 2, dù  những năm ấy cả hai phải cạnh tranh rất khốc liệt với các nghệ sĩ vĩ cầm  trẻ du học tại Nhạc viện Tchaikovsky về. Lối chơi của Nguyên khi ấy đã biểu lộ sự mạnh mẽ, lắt léo, biến ảo.

Những năm cuối 1980, đầu 1990, một loạt tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam được đưa sang Nga du học. Nhưng đến lứa của Nguyễn Hữu Nguyên, Tăng Thành Nam thì bị chựng lại bởi Liên Xô và các nước Đông Âu không còn cấp học bổng cho du học sinh Việt Nam. Đó là một thời kỳ rất khó khăn cho các tài năng như Nguyên bởi muốn tiến xa phải có viện trợ để du học nâng cao. May mắn sao, năm 1991 Maurice Bourgue, nghệ sĩ solo oboe nổi tiếng người Pháp thuộc Dàn nhạc Berlin (dưới sự chỉ huy của nhạc truởng Karajan) khi lưu diễn tại Việt Nam đã nhìn thấy tài năng của Nguyên và giúp đỡ để anh sang Pháp.

Năm 1991, khi tin tức Nguyễn Hữu Nguyên được sang Pháp học trở thành một sự kiện thì việc sau đó anh thi đỗ vào Nhạc viện Quốc gia Paris, ngôi trường số một của Pháp và nổi tiếng thế giới, giống như truyện cổ tích. Lúc đó Nguyên vừa 21 tuổi, hạn tuổi cho phép cuối cùng của trường này (khi mới sang Pháp, Nguyên học ở Nhạc viện Boulogne và tốt nghiệp thủ khoa năm 1993).

Nhưng “sự may mắn chỉ là cơ hội còn để có được nó là một câu chuyện khác”, Nguyên tâm sự. Tất cả chi phí đi học Nguyên đều phải tự túc bởi kinh tế gia đình khá eo hẹp. Những năm đầu tại Paris, Nguyên ăn ở nhờ Tổ chức từ thiện Enfants Du Mekong và để có thêm tiền, anh đi kéo đàn kiếm thêm tại ga tàu điện ngầm. Các sinh viên Nhạc viện Quốc gia Paris khi ấy đến từ nhiều nơi trên thế giới, sự cạnh tranh rất lớn.

Năm 1996, Nguyễn Hữu Nguyên tốt nghiệp bậc đại học hạng thủ khoa ngành violon và âm nhạc thính phòng Nhạc viện Quốc gia Paris, sau đó thêm 2 năm cao học. Năm 1998, tình cờ, em trai của Nguyên (Nguyễn Hữu Khôi Nam, cũng đang là sinh viên năm 2 của Nhạc viện Quốc gia Paris) đọc được thông báo Dàn Nhạc Quốc gia Pháp đang tuyển 3 violinist. Thế là hai anh em quyết định đi thi. Lần ấy, Khôi Nam xuất sắc vượt qua anh mình để được nhận vào dàn nhạc này (Khôi Nam là một trong những số hiếm sinh viên còn học nhạc viện mà vượt qua được 90 thí sinh khác). Còn Nguyên, phải thi đến lần thứ ba mới đậu. Nguyên kể để thi vào Dàn nhạc Quốc gia (ONF) là điều cực khó, bởi cho dù chương trình thi đã báo trước một tháng (thi 2 tiếng) nhưng không  phải ai cũng thành công. ONF là dàn nhạc số 1 nước Pháp, lâu lâu mới tuyển thêm thành viên. Năm 1998 tuyển 3 violonist thì có tới 90 người dự tuyển, đấy là những người đã tự tin ở khả năng của mình lắm mới thi, chứ thật ra một năm riêng Nhạc viện Quốc gia Paris đã có 10-15 violonist ra trường, chưa kể bao nhiêu nơi đào tạo khác thì số người muốn vào ONF còn cạnh tranh rất nhiều, chưa kể có rất nhiều tài năng của Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác mơ ước được vào dàn nhạc này.

Năm 1999, Nguyễn Hữu Nguyên là thành viên chính thức của ONF. Cả dàn nhạc chỉ có 4 người đến từ châu Á. Hiện Nguyên ngoài công việc là violin số 3 của ONF anh vẫn có những hoạt động âm nhạc bên ngoài như biểu diễn âm nhạc ở nhiều nơi trên thế giới, Nguyên chơi cả jazz với tứ tấu Darius của mình.

Trong chương trình hòa nhạc thường niên Toyota Classics lần thứ 16 - 2013 (diễn ra một đêm duy nhất 5/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội), Nguyễn Hữu Nguyên sẽ chơi tác phẩm của Saint-Saens và Pablo Sarasate cùng Dàn nhạc giao hưởng North Czech Teplice với nhạc trưởng bậc thầy người Canada Charles Olivieri Munroe. Đây là một trong những sự kiện âm nhạc uy tín được chờ đợi nhất trong năm đối với những khán thính giả yêu nhạc cổ điển. Toàn bộ số tiền bán vé của chương trình đều được sử dụng cho các mục đích từ thiện và kể từ năm 2009 được sử dụng cho chương trình “Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam”.


Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến