Cần cập nhật cơ chế để hỗ trợ kinh phí Cánh diều

Thứ Sáu, 13/3/2015, 8:1 (GMT+7)
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ trao giải Cánh diều 2014 và nghi thức kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam diễn ra từ lúc 18h30 ngày 12/3 tại Queen Hall (Q.4, TP HCM), trực tiếp trên kênh VTV9. Tuy nhiên, bao trùm Cánh diều năm nay có lẽ là vấn đề kinh phí...

>>Kết quả giải Cánh diều 2014

1. Năm 2003, khi Cánh diều ra đời, mỗi năm Việt Nam làm được 6-7 phim, thì trong đó có 4-5 phim của nhà nước. Lúc này kinh phí của nhà nước “được rót” trao giải cho phim nhà nước là chính.

Mấy năm gần đây thì tình hình hoàn toàn khác, năm 2014 Việt Nam đã làm gần 30 phim điện ảnh, phần lớn là của tư nhân. Tranh giải Cánh diều 2014 có đến 13/17 phim của tư nhân, nhà nước chỉ làm 2 phim, còn 2 phim đặt hàng tư nhân. Ở đây chưa tính đến tỷ lệ tư nhân của 48 phim tài liệu truyền hình, 29 phim ngắn, 18 phim truyền hình, 7 phim khoa học,  4 phim tài liệu điện ảnh và 3 công trình nghiên cứu - lý luận phê bình điện ảnh tham gia tranh giải.


Đại diện 3 đoàn phim Những đứa con của làng (ĐD: Nguyễn Đức Việt), Hương Ga (ĐD: Cường Ngô), Lạc giới (ĐD: NSƯT Phi Tiến Sơn) nhận giải Cánh diều bạc 2014

Ông Đặng Xuân Hải (Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) cho biết kinh phí mà nhà nước cấp cho Cánh diều 2014 vào khoảng 850 triệu đồng, gồm các khâu tổ chức và chi trả giải thưởng. Nếu chỉ dùng cho nội bộ (4 phim nhà nước), thì kinh phí này không hề nhỏ. Thế nhưng để làm được Cánh diều 2014, theo Quyền Linh (tổng đạo diễn đêm trao giải) thì phải cần ít nhất là gấp đôi, nếu phải quy ra tiền, vì truyền hình trực tiếp và nhiều khâu khác vốn tốn kém.

Như vậy, càng về sau này, Cánh diều càng “vì” tư nhân nhiều hơn, nhưng có vẻ như tư nhân chưa muốn vì Cánh diều mà đóng góp. Doanh thu cao của các phim tư nhân như Quả tim máu, Scandal - Hào quang trở lại, Đoạt hồn, Năm sau con lại về…, riêng biệt Để Mai tính 2 (đã hơn 100 tỷ đồng) có quan hệ thế nào với việc thiếu kinh phí trầm trọng của Cánh diều 2014? Hoàn toàn chưa có quan hệ gì, vì khó để tư nhân tự nguyện đóng góp, vì Hội Điện ảnh Việt Nam cũng chưa có cơ chế để lấy tỷ lệ phần trăm từ doanh thu này.

2. Cánh diều có cách thức hoạt động giống với giải Oscar, dù mô hình và sức ảnh hưởng nhỏ hơn rất nhiều. Cơ quan chủ quản của giải Oscar là Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS), nơi hoạt động một phần nhờ vào tỷ lệ phần trăm doanh thu từ các phim ra rạp. AMPAS có hơn 7.000 thành viên, nhiều người đã trích tiền túi tài trợ cho giải Oscar; nhiều đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất, phát hành cũng làm vậy.

Đã đến lúc Hội Điện ảnh Việt Nam cần nghĩ đến việc xin một cơ chế giống thế này để hoạt động. Doanh thu bán vé tại Việt Nam năm 2014 là hơn 90 triệu USD, đang tăng trưởng rất mạnh, nếu có cơ chế khoa học, minh bạch… thì một phần nhỏ trong đó sẽ thành kinh phí bổ sung cho Cánh diều.

Phim Thần tượng (ĐD: Quang Huy) ra rạp lần đầu thất bại, sau khi đoạt 6 giải tại Cánh diều 2013 thì tái chiếu và bán được rất nhiều vé. ĐD Quang Huy cho biết nếu có cơ chế hợp lý, công minh, thì anh sẵn sàng tài trợ hoặc đóng góp một phần cho Cánh diều.  

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến