Ca sĩ Tuấn Ngọc: "Tôi mang nợ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn"

Thứ Năm, 6/12/2012, 11:9 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Chính ca sĩ Tuấn Ngọc cũng giật mình khi nhớ lại rằng, không có lần nào trình diễn trên sân khấu mà anh không hát nhạc Trịnh. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận xét anh là giọng nam hát những nhạc phẩm của ông thành công nhất.

Lần này, Tuấn Ngọc sẽ trở về Việt Nam tham gia chương trình In The Spotlight số 5: Đêm nhạc Trịnh Công Sơn (vào 20h ngày 22/12/2012 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM và ngày 3-4/1/2013 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội). Trước cuộc trở về này, từ Mỹ, ca sĩ Tuấn Ngọc đã dành cho TT&VH cuộc trò chuyện.

Trong In The Spotlight, ca sĩ Tuấn Ngọc sẽ thể hiện những bài hát quen thuộc của Trịnh Công Sơn, nhưng lại mới lạ với bản thân anh. Và một trong những điểm thú vị là sự kết hợp lần đầu tiên của cặp song ca Tuấn Ngọc và Tùng Dương - hai thế hệ, hai cách hát, hai phong cách âm nhạc khác nhau. Họ đều rất hào hứng, thích thú với ý tưởng này.

Khuyến cáo hát nhạc Trịnh theo phong cách... kỳ dị

* Trong sự nghiệp âm nhạc của anh, nhạc Trịnh ở vị thế nào?

- Nghe câu hỏi này tôi mới chợt giật mình là hình như không có lần nào trình diễn mà tôi không hát nhạc Trịnh Công Sơn. Theo bạn như vậy có ảnh hưởng lớn không? (cười). Có thể nói cuộc đời âm nhạc của tôi mang nợ nhiều nhất là bốn tác giả: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng và Ngô Thụy Miên.

* Anh là một trong những ca sĩ thế hệ đầu tiên hát nhạc Trịnh. So với lớp ca sĩ trẻ bây giờ, anh thấy hai thế hệ hát nhạc Trịnh có điều gì khác nhau không?

- Cũng giống như tất cả các bộ môn nghệ thuật khác, âm nhạc cũng có tính trào lưu. Vì vậy, hai người ca sĩ của hai thời đại khác nhau lẽ dĩ nhiên phải có cái nhìn không giống nhau về cùng một bài hát.

Bản thân tôi lúc nào cũng phải “update” kỹ thuật hát của mình. Nghệ thuật ngày nay nói chung chú trọng về hình thức biểu diễn nhiều hơn là về nội dung. Cứ nhìn phim ảnh bây giờ thì thấy rất rõ điều đó. Nói tóm lại là cũng tùy ở thị hiếu của mỗi người thôi. Không có cái gì là tuyệt đối cả.

Ảnh: Gia Tiến

* Anh nghĩ thế nào về những ca sĩ trẻ hát nhạc Trịnh theo phong cách mới?

- Đó là điều đáng khuyến khích đối với các ca sĩ trẻ. Ở giai đoạn đầu, người nghệ sĩ nào cũng phải ít nhiều bắt chước những người đi trước. Nhưng rồi sau đó, họ cần phải cố gắng tìm một hướng đi cho riêng mình, và đây là bước ngoặt khó khăn nhất trong sự nghiệp của một ca sĩ. Đôi khi có một vài trường hợp “tầu hỏa nhập ma”, thay vì có một phong cách mới thì lại có một phong cách… kỳ dị!

* Trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn Gọi tên bốn mùa tới đây, được biết anh sẽ song ca với Tùng Dương - một ca sĩ rất cá tính với nhạc dân gian đương đại, trong khi anh lại trữ tình lãng mạn thế, anh có sợ nó bị “chỏi” nhau không? Anh hy vọng gì ở màn song ca này?

- Tôi đã nghe Tùng Dương hát nhiều lần. Tùng Dương là một ca sĩ trẻ đã gây cho tôi nhiều ấn tượng, nhất là khi nghe anh ta hát. Tôi thấy anh ta hát bài nào cũng hay. Tùng Dương là một ca sĩ rất đa dạng. Khi nghe ban tổ chức đề nghị tiết mục song ca với Tùng Dương, tôi nghĩ rằng đây là một điều khá thú vị và tôi đã ngay lập tức nhận lời. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải tập dượt với nhau rất nhiều và lúc đó tôi mới có thể có câu trả lời cho câu hỏi này được.

Không có bí quyết, là may mắn mà thôi

* Cảm xúc trong những cuộc trở về nước biểu diễn của anh thế nào? Ở tuổi này, hát “sung” có phải là một thách thức?

- Mỗi lần trở về Việt Nam tôi đều thấy rất vui. Vừa có dịp thăm quê hương, lại vừa đi hát và gặp lại những người khán giả của tôi. Chỉ cần nghĩ như vậy là tôi đã thấy “sung” rồi.

* Giọng hát và phong cách của anh trên sân khấu vẫn thu hút khán giả như thời anh còn trẻ tuổi, bí quyết nào để anh giữ được sự hấp dẫn của mình đối với công chúng như vậy?

- Như tôi đã nói ở trên, tôi cũng phải liên tục “update” cách hát của mình để giữ được khán giả, nhưng suy cho cùng, tôi nghĩ cũng là do may mắn mà thôi.

* Từ khi trở về Việt Nam diễn lần đầu tiên, đến thời điểm này, anh có quan sát và tìm hiểu nền âm nhạc đại chúng của Việt Nam không? Anh có nhìn thấy ở đó sự chuyển động?

- Tôi thấy âm nhạc Việt đang tiến gần tới tính chuyên nghiệp, nhất là dòng nhạc trẻ. Các ca sĩ trẻ luôn cố gắng để tạo được dấu ấn riêng. Đó là điều đáng khích lệ.

* Anh có theo dõi các giải thưởng âm nhạc của Việt Nam những năm gần đây không? So với Mỹ, anh thấy nó có khác nhiều không, về sự đánh giá của khán giả cũng như giới chuyên môn?

- Hàng ngày tôi vẫn phải tự học hỏi, trau dồi về âm nhạc cho riêng tôi, nên tôi không có nhiều thời giờ nghiên cứu về nhạc trẻ cũng như các giải thưởng. Đôi khi tôi có coi những chương trình American Idol và The Voice mà bây giờ ở Việt Nam cũng có những cuộc thi tương tự như vậy. Đây là những chương trình rất tốt và là một điều rất may mắn cho những ca sĩ trẻ. Họ vừa có cơ hội học hỏi, và nếu có thực tài, thì chỉ cần một ngày, thậm chí một giờ, là đã được cả nước biết đến và yêu mến mình.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Hoàng Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Trong khuôn khổ chương trình In The Spotlight, ê-kíp thực hiện mong muốn sẽ thể hiện phần nào tư tưởng của Trịnh Công Sơn bằng ngôn ngữ âm nhạc. Vì vậy, chương trình sẽ không phải là một câu chuyện được sắp xếp theo trình tự thời gian, mà nhạc sĩ Hồng Kiên và dàn nhạc sẽ vẽ nên một chân dung âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những hỉ - nộ - ái - ố của một đời người, tựa như bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông của đất trời, với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau.

Chương trình có sự tham gia trình diễn của các ca sĩ: Tuấn Ngọc, Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương với các ca khúc: Diễm xưa, Ru ta ngậm ngùi, Xin mặt trời ngủ yên, Tình nhớ, Nhìn những mùa Thu đi...

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến