(Thethaovanhoa.vn) - Sau sự cố “cấm diễn” vừa qua, khi Trọng Tấn đã trở lại với sân khấu trong chương trình Điều còn mãi hay Dương Thụ - những câu chuyện kể của tôi thì đến 8, 9/12 Anh Thơ mới “rục rịch” ra mắt trong live show Vĩ thanh tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội) - câu chuyện âm nhạc số 2 của Kiên Quyết Studio. Trong đêm này, song ca cùng chị sẽ là ca sĩ Việt Hoàn.
Trong xu thế ngày một nhiều những nghệ sĩ hải ngoại về nước làm show thì bản thân những nghệ sĩ trong nước, những người có lòng tự trọng nghề nghiệp, biết rõ năng lực bản thân cũng không còn trông chờ vào tài trợ mà họ đã tự thân vận động thực hiện những chương trình nghệ thuật để khẳng định khả năng, những thành công mà mình đã được công nhận - đó là một phần lý do của live show Vĩ thanh của Anh Thơ - Việt Hoàn.Mọi người cứ hay tưởng tượng
* Điều gì đã khiến chị xuất hiện trong live show này?
- Đơn giản là vì tôi lúc nào cũng yêu nghề, lúc nào cũng muốn được hát.
* Và chị sẽ hát những ca khúc nào trong chương trình này?
- Trong 16 bài trong show này, tôi và ca sĩ Việt Hoàn sẽ có 5-6 ca khúc hát solo, còn lại là song ca. Phần solo, tôi sẽ hát một số bài cũ mà lâu rồi mình không hát và cả những bài tôi chưa hát bao giờ nhưng chủ yếu là những ca khúc trữ tình đã thành công. Các ca khúc cũ sẽ được phối khí mới còn tôi cũng sẽ hát theo lối mới. Còn những ca khúc như Gửi em ở cuối sông Hồng, Trước ngày hội bắn, Tình ta biển bạc đồng xanh sẽ không thể thiếu trong phần hát đôi.
* Câu chuyện âm nhạc là một chương trình đặc biệt khi những người đứng trên sân khấu ở ngoài đời cũng có “mối thâm tình” gắn bó. Vậy chị có thể chia sẻ tình bạn giữa chị và ca sĩ Việt Hoàn ?
- Đối với tôi, trong chuyên môn cũng như ngoài đời, anh Việt Hoàn đều là người đi trước. Chúng tôi đều xuất thân từ nông thôn, thành đạt đi lên từ khả năng, nghị lực và tâm huyết với nghề. Chúng tôi gắn bó từ khi còn cùng nhau học trong trường nên anh em rất yêu quý nhau, có việc gì liên quan đến nghề như hát song ca, làm đĩa cũng luôn nghĩ đến sự kết hợp cùng nhau.
* Nhưng yêu quý đến mức có tin đồn giữa hai người thì chị nghĩ sao?
- Tin đồn gì nhỉ? (cười lớn) Không bao giờ có chuyện đó đâu, mọi người cứ hay đồn chứ hát song ca với nhau thì biết hết mà. Thời của Anh Thơ, Trọng Tấn, Việt Hoàn chúng tôi thân thiết theo kiểu anh em bạn bè chứ không có chuyện riêng tư. Vì học cùng nhau, rồi có nhiều sự chia sẻ trong cả cuộc sống nữa nên sự cảm nhận tác phẩm của chúng tôi có sự đồng cảm nên diễn tốt và chúng tôi thực sự quý mến nhau. Mọi người cứ hay tưởng tượng.
Giá mình khôn khéo
* Hiện tại, chị cảm thấy như thế nào sau “cơn bão” đã qua?
- Ôi, bạn nói gì mà... to tát thế. Chỉ có 15 ngày “án treo” thôi mà. Nói vui thì nhờ có sự cố ấy mà tôi tranh thủ được nghỉ phép đấy. Chứ bình thường tôi bận vô cùng. Có thể tôi ít lên sân khấu lớn chứ sau 15 ngày đó, tôi đã trở lại công việc bình thường: dạy 10 học sinh từ trung cấp đến đại học, thu CD và đi diễn khắp nơi.
* Nói như các cụ thì năm nay là năm tuổi của chị. Sẽ gặp nhiều xui xẻo, chị có tin không?
- Tôi cũng nghe mọi người nói về mình như thế nhưng quả thật, tôi vô tâm lắm. Tôi chỉ biết trau chuốt cho âm nhạc thôi, những thứ khác, đôi khi tôi không để ý. Nghĩ lại thì cũng thấy giá mà mình khôn khéo một chút thì có thể chuyện đã đơn giản hơn nhưng mà có dại thì mới có khôn. Cái dại lần này như bài học để mình khôn dần lên, cũng đáng quý.
* Hình như sau sự cố đó, cát-sê của những ca sĩ nhạc đỏ lại còn có cơ hội tăng lên chứ không giảm đi...
- Công bằng mà nói thì có những nơi họ yêu quý mình nên họ bằng lòng trả cho mình khá cao vì họ thấy xứng đáng. Họ nói với tôi rằng, tại sao những ca sĩ nhạc nhẹ được trả cát-sê cao còn những ca sĩ mà họ yêu quý thì lại không? Nhìn vào quá trình lao động của những nghệ sĩ của dòng nhạc này bạn có thể thấy, cũng mất nhiều công sức miệt mài lao động nghệ thuật, đâu phải đùng một cái mà được giải nọ, giải kia. Như tôi, tôi cũng “đì đẹt” cố gắng mãi và phải qua cả một quá trình được khán giả công nhận, mới đạt được mức cát-sê mà theo tôi là đủ trang trải được cuộc sống. Tôi thấy với mình như thế là đủ.
Tuy nhiên, không phải cứ chương trình nào cát-sê cao chúng tôi mới diễn. Như vừa qua ở Sơn La, Mộc Châu - một nơi mà chẳng có gì ngoài bậc thềm đất làm sân khấu, âm thanh, ánh sáng thì không thể được như ở thành phố, vậy mà khán giả ở đây họ thuộc từng bài hát của mình. Tôi với anh Việt Hoàn mỗi người hát đến 8 bài mà họ chưa cho xuống. Tình cảm của khán giả như vậy là sự động viên, khích lệ lớn nhất dành cho nghệ sĩ chúng tôi để chúng tôi hát hết mình.
* Ở vị trí của một thạc sĩ, một giảng viên như hiện nay, chị nghĩ mình còn cần học gì nữa?
- Tất nhiên là vẫn phải học. Cái tôi cần là kinh nghiệm ở ngoài đời. Khi lên lớp, tôi cần phải truyền đạt thế nào cho học sinh, rồi từ đó mình lại tiếp thu nhiều vấn đề khác, từ nhiều hướng. Trong môi trường giáo dục, học cũng quan trọng, bằng cấp cũng cần thiết. Là một người vừa giảng dạy, vừa biểu diễn, tôi luôn được học hàng ngày và tôi nghĩ điều đó sẽ khiến cho mình ngày một tốt hơn.
Lam Ngọc (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Live show Vĩ thanh với mong muốn của những nghệ sĩ là có thể lưu giữ những khoảnh khắc âm thanh đẹp nhất của đêm diễn trong lòng khán giả.
Vĩ thanh gồm hai phần: phần đầu là những ca khúc đậm chất dân ca các vùng miền Việt Nam, phần hai sẽ là những ca khúc cổ điển quốc tế. Vì thế, sẽ không chỉ là những ca khúc quen thuộc như Xa khơi, Về quê, Anh ở đầu sông em cuối sông, Niệm khúc cuối mà còn có những ca khúc như Romeo & Juliet, Tình ca du mục, Time To Say Goodbye...
Giữa hai phần sẽ là một trích đoạn múa ballet cổ điển do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch biểu diễn. |