Bế mạc Liên hoan phim Việt Nam 2015: Phim 'nhà nước' thắng cả nghệ thuật lẫn công chúng

Chủ Nhật, 6/12/2015, 6:57 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trừ một số suất chiếu ở hạng mục phim tài liệu video và một hai buổi giao lưu còn khá vắng khán giả, nhìn chung, Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ XIX đã thành công ngoài mong đợi. Lễ bế mạc diễn ra lúc 20h ngày 5/12 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM).

Như mọi liên hoan khác, kết quả cuối cùng luôn khó làm hài lòng tất cả, đôi khi còn gây tranh cãi, thị phị, nghi ngờ. Thế nhưng, điều thu về lớn nhất của LHPVN lần này - như Thể thao & Văn hóa đã vài lần đề cập - là tạo một bước ngoặt về diện mạo mới cho điện ảnh Việt Nam nói chung.

Phim nhà nước hồi sinh

Trong quá khứ, LHPVN đúng nghĩa là “sân riêng”, rồi “sân nhà” của các phim do nhà nước sản xuất, hoặc đặt hàng. Đến một vài LHPVN gần đây, phim nhà nước tự nhiên teo tóp cả về chất lượng, lẫn số lượng - đôi khi chỉ chiếm khoảng 1/6, 1/8 tổng số phim dự thi tại hạng mục phim điện ảnh. Thế nhưng đến LHPVN lần thứ XIX này thì phim nhà nước có vẻ hồi sinh, vì ở hạng mục thu hút nhất - phim điện ảnh - phim nhà nước có 10 đại diện (tính cả điện ảnh quân đội), chiếm 50%.

Trong đó phim Nhà tiên tri đã đoạt giải đặc biệt của Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam, cùng với Đường xuyên rừng; Cuộc đời của Yến, Những đứa con của làng đoạt Bông sen Bạc… Còn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tung hoành ở các rạp chiếu thời gian qua tiếp tục giành giải Bông sen Vàng và giải Phim hay nhất (dành cho phim dự thi) do khán giả bình chọn.


Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đoạt Bông sen Vàng và nhiều giải thưởng khác

Tuy ít có phim chủ động hướng đến tính giải trí, nghĩa là khó tìm kiếm khán giả khi ra rạp bán vé, nhưng 6-7 kịch bản trong số này, nếu nhà nước không làm, thì tư nhân cũng sẽ “cho qua”, vì khó khăn và tốn kém. Hơn nữa, trước đây, các phim nhà nước thường chỉ chú trọng đề tài chiến tranh và xây dựng tổ quốc, nhưng hai năm qua, đã phong phú hơn.

Rõ ràng, tuy đề tài, cách kể có khác nhau, cả về tay nghề lẫn sức thu hút, nhưng các phim như Cuộc đời của Yến, Mỹ nhân, Những đứa con của làng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Người trở về… là những cách “xé rào” của phim nhà nước về chủ đề. Thậm chí cách nhìn phản biện, bi kịch về thời hậu chiến như trong Người trở về, trước đây sẽ khó được chấp nhận.

Không thể có một LHP hoàn toàn vô tư, vì BTC nào cũng có tiêu chí và mục đích riêng. Chấp nhận cách nhìn này, sẽ thấy trong các phim dự thi ở hạng mục phim điện ảnh, nếu BTC có hướng đến các phim như Nhà tiên tri, Cuộc đời của Yến, Thầu Chín ở Xiêm… thì cũng dễ hiểu.

Có thể các phim này chưa thật sự hấp dẫn, hoặc hơi yếu (như Cuộc đời của Yến), nhưng nếu thiếu sự đầu tư, khích lệ thì chẳng ai dám làm. Trao giải cho một trong những phim này là cách khích lệ các phim dạng này trong tương lai, trong khi tư nhân thì làm phim đã là một nhu cầu, không có giải cũng làm.

Liên hoan Phim Việt Nam 2015: Lần đầu tiên phim tư nhân được nhắc đến trong lễ khai mạc

Liên hoan Phim Việt Nam 2015: Lần đầu tiên phim tư nhân được nhắc đến trong lễ khai mạc

So với LHP Việt Nam XVIII, lễ khai mạc LHP Việt Nam XIX đẹp mắt, trang trọng và giàu tính điện ảnh hơn.


Từ khi LHPVN chưa khởi động, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã được dự kiến sẽ có 2-3 giải thưởng, nhưng có vẻ khó “phân chia”, vì nhà nước và tư nhân cùng làm. Nhưng từ việc hợp tác này đã mở ra một cách thức, một mô hình mới để tương lai Việt Nam thật sự có những phim hoành tráng, đồ sộ hơn. Bởi điện ảnh Việt đang cần sự chủ động đầu tư của nhà nước, và sự hiệu quả trong việc sản xuất, bán vé của tư nhân để kích cầu.

Còn ở các hạng mục có tính đặc thù như phim truyện video, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình… thì cũng giống các kỳ LHP trước, các hãng nhà nước chiếm đa số.

Phim tư nhân “riêng một góc trời”

Khi LHPVN mới khai mạc, giới quan sát đã thấy phim tư nhân chắc chắn có giải Phim được yêu thích nhất do khán giả bình chọn - hạng mục phim điện ảnh toàn cảnh, bởi ở đây không có phim nhà nước. Kết quả phim Em là bà nội của anh giành được giải này một cách bất ngờ.

Riêng giải Phim hay nhất do khán giả bình chọn - hạng mục phim điện ảnh dự thi, thì phim tư nhân có nhiều cơ hội hơn. Vì phía phim nhà nước có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Người trở về…, thì phía tư nhân có Trúng số, Chàng trai năm ấy, Hương Ga, Scandal - Hào quang trở lại…

Tại LHPVN năm nay, đạo diễn Victor Vũ giữ quán quân về số lượng, có 2 phim tranh giải (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Scandal - Hào quang trở lại) và 2 phim toàn cảnh (Cô dâu đại chiến 2, Quả tim máu). Anh đã giành được cú đúp với Đạo diễn phim điện ảnh xuất sắc nhất, và Bông sen Vàng.

Với các nhà làm phim tư nhân thì khó có giải thưởng nào hơn sự yêu thích của khán giả. Nếu để ý thì 15 phim tư nhân ở hạng mục toàn cảnh có nhiều phim ăn khách như Để Mai tính 2, Quả tim máu, Lật mặt, 49 ngày, Ma dai… mà những phim này không thể vào hạng mục dự thi. Cho nên nói phim tư nhân “riêng một góc trời” là vì vậy.

Một số giải thưởng cho Phim truyện điện ảnh

- Bông sen Vàng: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (ĐD: Victor Vũ).

- Bông sen Bạc: Cuộc đời của Yến (ĐD: ĐinhTuấn Vũ); Những đứa con của làng (ĐD: Nguyễn Đức Việt)

- Giải thưởng của BGK: các phim Người trở về, Thầu Chín ở Xiêm, Trúng số.

- Nữ diễn viên chính xuất sắc: Thúy Hằng (phim Cuộc đời của Yến).

- Nam diễn viên chính xuất sắc: NSƯT Trung Anh (phim Những đứa con của làng).

- Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Kim Hiền (phim Mỹ nhân).

- Nam diễn phụ chính xuất sắc: Huy Cường (phim Những đứa con của Làng); Thanh Duy (phim Đập cánh giữa không trung).

- Đạo diễn xuất sắc: Victor Vũ (phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh).

- Quay phim xuất sắc: Vũ Quốc Tuấn (phim Nhà tiên tri Cuộc đời của Yến); Nguyễn K'Linh (phim Scandal - Hào quang trở lạiTôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh).

- Tác giả kịch bản xuất sắc: Nguyễn Thu Dung và Đặng Thái Huyền (phim Người trở về); Đinh Thiên Phúc (phim Thầu Chín ở Xiêm).

- Âm nhạc xuất sắc: Lê Cát Trọng Lý (phim Cuộc đời của Yến).

Ngoài ra còn có 2 giải phim do khán giả bình chọn:

- Phim hay nhất do dành cho Phim truyện dự thi (phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh).

- Phim được khán giả yêu thích nhất dành cho Phim truyện toàn cảnh (phim Em là bà nội của anh).

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến