25 năm kiệt tác 'Unforgiven' đoạt 4 giải Oscar: Khi vua cao bồi… 'phản' cao bồi!

Chủ Nhật, 12/2/2017, 7:13 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trong thế giới điện ảnh, ai hiểu những giá trị của phim cao bồi bằng Clint Eastwood - tượng đài sống cuối cùng còn sót lại của dòng phim cao bồi Viễn Tây trứ danh? Tuy nhiên cách đây tròn 1/4 thế kỷ (1992), khi cho ra đời bộ phim Unforgiven (Không tha thứ), ông đã làm sửng sốt người xem, bởi nó đi ngược lại tất cả những truyền thống đẹp đẽ nhất của phim cao bồi trong quá khứ…

David Webb Peoples là một nhà biên kịch danh tiếng. Trước đó ông đã viết kịch bản cho bộ phim được đề cử Oscar, The Day After Trinity, và đồng viết kịch bản cho bộ phim nổi tiếng Blade Runner. Ý tưởng cho Unforgiven có từ năm 1976 dưới những cái tựa như The Cut-Whore KillingsThe William Munny Killings.

20 năm khát khao làm kẻ duy nhất “phản” cao bồi     

David cho biết bộ phim u ám Taxi Driver của Martin Scorsese và cuốn tiểu thuyết The Shootist của Glendon Swarthout chính là hai nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất cho kịch bản Unforgiven.

Kịch bản này trôi nổi khắp Hollywood suốt gần 20 năm. Trong thời gian này diễn viên Gene Hackman đã từng đọc và từ chối nó, trước khi Clint Eastwood mua được bản quyền kịch bản. Tuy nhiên trong suốt nhiều năm, Clint đã thờ ơ với kịch bản này, vì người phụ trách đọc kịch bản ngay từ đầu đã bảo với ông rằng nó không hay lắm.


Nhận giải Oscar cho phim “Unforgiven"

Nhưng thật sự một trong những lý do Clint muốn hoãn dự án này lại lâu nhất có thể, là vì ông muốn chờ cho tới khi mình đủ già để đóng nhân vật William Munny, và để thưởng thức nó như là bộ phim cao bồi cuối cùng mà ông vừa diễn xuất vừa đạo diễn. Chỉ có một thay đổi nhỏ của Clint Eastwood khác với kịch bản nguyên gốc của David Webb Peoples, là bỏ giọng thuyết minh mở đầu và thay thế nó bằng chạy chữ.

Bộ phim được sản xuất nhanh nhất của Clint Eastwood     

Do nhận xét kịch bản buồn tẻ u ám, thiếu hấp dẫn nên không một hãng phim lớn nào muốn sản xuất phim này. Clint Eastwood và hãng phim Malpaso Productions của ông đành phải tự bỏ vốn sản xuất với kinh phí khiêm tốn, chỉ gần 15 triệu đô-la Mỹ. Với danh tiếng của mình, Clint đã thuyết phục các tên tuổi lớn tham gia bộ phim như: Morgan Freeman (vai Ned Logan), Richard Harris (vai English Bob). 


Poster phim “Unforgiven"

Riêng diễn viên Gene Hackman (vai cảnh sát trưởng Little Bill) lại rất lo ngại về cách thể hiện những cảnh bạo lực trong phim, do sự bạo lực liên quan tới súng đang ngày càng gia tăng tại các thành phố ở Mỹ. Clint, một người từ lâu ủng hộ việc kiểm soát súng, đã trấn an Hackman rằng bộ phim sẽ không tô hồng sự bạo lực liên quan tới súng. Clint đã đề nghị Gene Hackman quan sát cảnh sát trưởng Los Angeles khi ấy là Daryl Gates để làm mẫu cho nhân vật Little Bill.

Xem phim “Unforgiven” tại TP.HCM

Chào đón mùa Oscar 2017, phim Unforgiven sẽ được chiếu một buổi duy nhất vào lúc 19h30 thứ Sáu 10/2/2017 tại Art House Saigon - Trường Đại học Hoa Sen, số 8 Nguyễn Văn Tráng, Q.1, TP.HCM.

Phần lớn bộ phim được thực hiện tại tỉnh Alberta, miền tây Canada, vào tháng 8/1991. Nhà thiết kế sản xuất kỳ cựu Henry Bumstead, người đã hợp tác trước đây với Clint trong phim cao bồi High Plains Drifter, được thuê để tạo ra “vẻ khô khan, lạnh lùng” cho Unforgiven. Henry Bumstead chỉ mất 32 ngày để xây dựng bối cảnh chính, thị trấn Big Whiskey - tốc độ thực hiện nhanh nhất trong sự nghiệp lừng lẫy của ông.

Tổng cộng bộ phim được thực hiện trong 39 ngày, từ tháng 9 tới tháng 10/1991, sớm hơn 4 ngày so với lịch trình.

Một trong 10 phim hay nhất thập niên 1990    

Sự phản ứng của giới phê bình là rất tích cực, với nhiều lời khen ngợi bộ phim có diện mạo kỳ ảo lẫn sự nhập nhằng về đạo lý. Họ cũng ca ngợi nó là một bộ phim làm “sang trọng” thể loại phim cao bồi Viễn Tây. Jack Mathews của tờ Los Angeles Times mô tả nó “có lẽ là bộ phim cao bồi kinh điển hay nhất kể từ sau bộ phim The Searchers được phát hành vào năm 1956 của John Ford”.

Richard Corliss viết trên tạp chí Time rằng bộ phim là “sự suy ngẫm của Clint về tuổi tác, danh tiếng, lòng can đảm, đức tính anh hùng - về tất cả những gánh nặng mà ông đã vui vẻ gánh vác trong nhiều thập niên”.

Bộ phim được chiếu ra mắt với vị trí dẫn đầu ngay trong ngày cuối tuần. Trong số các bộ phim của Clint Eastwood, Unforgiven là bộ phim đạt doanh thu trong ngày chiếu ra mắt công chúng cao nhất, 13 triệu USD. Bộ phim kiếm tổng cộng 160 triệu USD tiền vé trên khắp thế giới và 101 triệu USD chỉ tính riêng ở Mỹ, mặc dù chủ đề của bộ phim rất u ám và bạo lực.

Năm 1992, Unforgiven giành 4 giải Oscar: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (Gene Hackman), và Biên tập xuất sắc nhất. Bản thân Clint cũng được đề cử giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Năm 2007, Viện phim Mỹ xếp Unforgiven hạng 68 trong danh sách 100 Phim hay nhất mọi thời đại, và xếp hạng 4 trong danh sách 10 Phim hay nhất thuộc thể loại “Cao bồi” do Viện phim Mỹ bình chọn vào tháng 6/2008.

- Theo thời giá trong bối cảnh lạm phát, thì số tiền thưởng 1.000 USD cho các tay giết mướn trong phim sẽ tương đương khoảng 110.000 USD ngày nay.

- Trong lịch sử, Unforgiven là bộ phim cao bồi thứ 3 giành giải Oscar Phim hay nhất, sau Cimarron (1931) và Dances With Wolves (1990).

- Đoạn giới thiệu cuối phim ghi, “Dành tặng Sergio và Don” là tôn vinh tới hai đạo diễn, cũng là hai người thầy có ảnh hường rất lớn đến sự nghiệp của Clint Eastwood – Sergio Leone và Don Siegel.

- Dù nhạc nền được Lennie Niehaus cải biên, nhưng khúc nhạc chủ đề của bộ phim thì được chính Clint Eastwood sáng tác.

Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến