Tùng Dương: Giá trị đích thực sẽ được người ta nhớ mãi

Thứ Tư, 13/4/2011, 7:18 (GMT+7)

Nam ca sĩ gốc Hà Nội cho rằng những giá trị đích thực trong âm nhạc mới là điều được người ta nhớ mãi. Còn những giá trị ảo thì sẽ mau chóng bị lãng quên.

>> Chuyên đề: Giải Âm nhạc Cống hiến 2010

* Xin chào Tùng Dương! Đầu tiên xin chúc mừng anh với cú đúp giải Cống hiến, sau đó sẽ là một câu hỏi muôn thuở, anh cảm thấy thế nào?

- Đây là một giải thưởng hết sức ý nghĩa mà bất kỳ một nghệ sĩ nào cũng mong chờ, sau những giải thưởng do hội đồng chuyên môn, do khán giả... thì cũng nên có một vài giải thưởng do báo chí bình chọn. Báo chí vừa là những nhà chuyên môn, vừa là khán giả theo dõi và nắm bắt tình hình âm nhạc sâu sát nhất nên tiếng nói của họ cũng rất chính xác và công minh.

Mỗi năm các nhà báo lại tìm ra được những gương mặt mới cho giải thưởng này, không phải vì là người được nhận giải mà Dương sẽ nói điều sau đây đâu. Nhưng quả thật, mỗi năm những nghệ sĩ được các nhà báo bình bầu ra đều rất xứng đáng với vinh dự đã được nhận. Đây không phải lần đầu tiên Dương được nhận giải thưởng này nhưng giây phút khi được xướng tên, Dương vẫn cảm thấy bất ngờ và hạnh phúc thực sự.



Tùng Dương khi nhận giải Cống hiến

* Chỉ bằng tên của giải thưởng thôi đã cho thấy ý nghĩa của giải thưởng này, tuy nhiên nhiều người vẫn tranh cãi khi có tên của Uyên Linh trong thành phần ca sĩ đề cử. Bản thân anh suy nghĩ thế nào?

- Tôi thấy nhiều người vẫn hiểu sai về ý nghĩa của hai chữ Cống hiến. Mà thật ra bản thân hai chữ này nghe đã rất “to tát” rồi, nhưng xét trong phạm vi ý nghĩa giải thưởng, Cống hiến chỉ là những thành quả đã đạt được trong năm đó mà thôi vì giải trao từng năm mà. Cống hiến ở đây là bạn có gì đó mới lạ, sáng tạo... thì bạn sẽ được tôn vinh. Dương thấy Uyên Linh được đề cử cũng đúng thôi, qua Vietnam Idol thì mọi người biết đến Uyên Linh và cô ấy cũng góp một cơn gió lạ vào đời sống âm nhạc đấy thôi.

* Người ta nói ngày xưa mới thi Sao mai điểm hẹn, Tùng Dương cũng “dữ dội” không kém Uyên Linh bây giờ, chỉ là vì hồi đó “công nghệ lăng xê” và internet chưa được tốt như bây giờ nên đang chịu thiệt thòi. Dương nghĩ sao?

- Cũng đúng thôi, mỗi thời có một sự khác nhau vì sự phát triển, những năm trước dĩ nhiên không thể hiện đại, ưu việt như bây giờ. Nhưng có một điều không bị ảnh hưởng bởi thời gian, đó chính là ý nghĩa, giá trị của mỗi người thì sẽ luôn ở lại. Cái gì mà là giá trị thật thì sẽ sống mãi với thời gian, còn những giá trị ảo thì dù có ồn ào đến mấy thì đến một thời gian sau cũng sẽ biến mất mà thôi.




Ngày xưa Dương chỉ chọn những bài hát mới, ít hát những bài hát mà các nghệ sĩ khác đã thể hiện nên mới đầu cũng ít người thích lắm. Nhưng dần thì người ta cũng đã công nhận và để ý nhiều hơn, có lẽ vì vậy mà Dương cũng đã đạt được giải “Tiền Cống hiến” năm đó. Dương không chỉ cống hiến giọng hát của Dương mà còn cống hiến ở chỗ có một dòng nhạc mới, với những ca khúc như: Ôi quê tôi, Quê nhà... của nhạc sĩ Lê Minh Sơn.

* Người ta thường nói có sự khác biệt về quan điểm âm nhạc giữa hai miền Nam - Bắc, miền Bắc thường chuộng những bài hát có tính “học thuật” còn miền Nam thì “bình dân” hơn một chút. Khi đoạt cú đúp giải thưởng này, nó có gợi cho Dương điều gì?

- Thật ra Dương không nghĩ đến mức sâu xa như vậy. Chỉ nghĩ đơn giản rằng, rào cản về sự khác biệt gu âm nhạc hai miền đã dần được phá vỡ đi. Dương lấy ví dụ có những người không sinh ra ở miền bắc nhưng âm nhạc của họ vẫn có tính học thuật khá tốt là Lê Cát Trọng Lý và Nguyễn Hải Phong chẳng hạn. Dương nghĩ tiêu chí của giải là cân bằng và khách quan nhất giữa đặc thù âm nhạc của hai miền. Miền Bắc thì mạnh về kỹ thuật, miền Nam mạnh về công nghệ và hai thứ đó giờ đã được bổ trợ cho nhau rất tốt. Dương nghĩ âm nhạc sẽ ngày càng phá vỡ đi những đặc thù đó.

* Nếu nói vậy, sao tôi thấy bạn vẫn thường đi show ở miền Bắc nhiều và ít tham gia thị trường âm nhạc miền Nam? Tôi nghĩ với thành công này, bạn sẽ bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho miền Nam chứ?

- Thật ra thì trước khi được giải thưởng này Dương đã bắt đầu kế hoạch Nam tiến mạnh mẽ hơn của mình rồi. Sắp tới Dương sẽ ra album nhạc xưa, trữ tình dành cho những khán giả yêu thích dòng nhạc này và tiến mạnh hơn nữa việc mở rộng thị trường âm nhạc của mình để phục vụ công chúng cả hai miền. Ai mà chưa “cảm” được âm nhạc của Tùng Dương thì giờ sẽ cố gắng “bắt” họ “cảm” nhiều hơn nữa. (Cười)




* Nói về “cảm”, ai thích Tùng Dương thì họ sẽ rất “cuồng” nhưng với những ai không thích, họ sẽ rất khó mà ưa được sự “quái” trong âm nhạc của anh?

- Bây giờ công chúng có “gu” lắm, Dương không nghĩ mình phải bớt “quái” đi, hát “chợ” một chút thì công chúng mới yêu mình. Đến với công chúng không có nghĩa là cứ “bình dân hóa” âm nhạc. Công chúng bây giờ vẫn tôn vinh những giá trị đích thực, những ca khúc nhạc xưa, nhạc đỏ từ rất lâu rồi vẫn có những vị trí bền vững trong lòng khán giả đó thôi? Điều quan trọng là bạn hát như thế nào thôi. Nếu ai nghĩ rằng muốn nổi tiếng thì phải “bình dân hóa” để được nhiều người yêu thích thì đó là một lối suy nghĩ sai lầm. Bản thân Dương sẽ không làm được điều đó, Dương vẫn sẽ là Dương thôi.

* Cá nhân tôi nhận thấy nếu không “quái” không “lên đồng” trên sân khấu thì không phải là Tùng Dương nữa?

- Đó là điều Dương muốn thể hiện trên sân khấu. Tuy nhiên, âm nhạc là cảm xúc thăng hoa chứ không phải là “nhập đồng.” Thăng hoa là bạn hết mình với bài hát, còn “nhập đồng” là khi bạn truyền tải cảm xúc lên tới đỉnh điểm. Hai trạng thái đó có điểm tương đồng như cũng khác biệt nhau. Đôi khi Dương vẫn muốn mình hát thật dung dị, trữ tình và nhẹ nhàng.

* Nghĩa là không phải “Lady Gaga Việt Nam” nhưng Đạo diễn Lê Hoàng đã nhận xét trong buổi trao giải Cống hiến?

- Lady Gaga thì thú thật Dương không thích một chút nào. Dương thấy cô ấy chỉ có thể có một niềm đam mê về thời trang thôi chứ âm nhạc của cô ấy không có ý tưởng gì, Dương không đánh giá cao âm nhạc của cô ấy. Lady Gaga có sự đặc biệt vì đã khiến cho thời trang khác đi, lạ đi với sự duy mỹ thông thường chứ không hề có một chút tư tưởng nào. Những tác phẩm văn học hay âm nhạc như của Bach, của Beethoven chẳng hạn, đều có những thông điệp, tính triết lý sâu sắc, ẩn chứa phía sau nhiều thông điệp. Dương thích và đặt mục tiêu âm nhạc của mình cũng phải có tư tưởng, có tính triết lý sâu sắc và có tính đương đại như vậy. Nhưng dĩ nhiên mình sẽ chẳng dám so sánh với những nhạc sĩ lừng danh đó rồi.




* Lạm bàn về Lady Gaga một chút, tôi nghĩ rằng cô ấy tạo được sự khác biệt, được chú ý mỗi khi xuất hiện cũng là một thành công?

- Đúng vậy! Dương đồng ý với anh về quan điểm đó. Tuy nhiên, Lady Gaga chỉ thành công về mặt thời trang chứ không hề thành công về mặt âm nhạc đối với Dương. Có thể nhiều người khác sẽ không nghĩ như Dương nhưng Dương vẫn bảo toàn quan điểm của mình.

* Cảm ơn ca sĩ Tùng Dương rất nhiều.

Theo Dân trí

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến