(Thethaovanhoa.vn) - Trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm quy tắc 5K, chủ động khai báo với y tế địa phương nếu phát hiện mắc COVID-19 để giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và gia đình.
Sáng 25/7, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ tăng cường các biện pháp siết chặt di chuyển của người dân, nhằm thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội, ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Đây là nội dung được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại buổi họp báo cung cấp thông tin phòng, chống dịch trên địa bàn, ngày 22/11.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Thời gian qua, có tình trạng người dân tự xét nghiệm tại nhà, phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không thông báo cho ngành y tế hoặc không liên hệ được với y tế địa phương. Nguyên nhân là do một số trạm y tế phường, xã và trạm y tế lưu động không đủ nhân lực, đường dây nóng hoạt động không thông suốt nên không ghi nhận kịp thời. Sở Y tế cũng đã chấn chỉnh, tăng nhân lực cho trạm y tế lưu động để tiếp cận F0 sớm nhất có thể.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, việc người dân không thông báo hay không được ghi nhận, không được cấp thuốc điều trị phù hợp, dễ gây nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và cũng thiệt thòi cho chính F0 và gia đình. Do đó, ngay khi phát hiện mắc COVID-19 tại nhà, bệnh nhân hoặc người nhà nên gọi điện đến trạm y tế phường hoặc trạm y tế lưu động. Trong vòng 24 giờ, nhân viên y tế sẽ tiếp cận người bệnh, kiểm tra xét nghiệm, đánh giá tình trạng bệnh, xem xét điều kiện cách ly, điều trị đối với F0 và hướng dẫn cách ly cho F1.
“Không phải tất cả F0 đều được cấp túi thuốc mà tùy vào tình trạng, triệu chứng nhân viên y tế sẽ có chỉ định cụ thể. Tuy nhiên, nếu không được cấp thuốc thì F0 vẫn có quyền lợi khác nếu khai báo cho ngành y tế như chăm sóc và can thiệp kịp thời khi có triệu chứng trở nặng, chuyển viện sớm. F1 sống cùng nhà cũng được theo dõi, quản lý bảo vệ, đặc biệt với gia đình có người cao tuổi. F0 khai báo khi điều trị khỏi và hết thời gian cách ly sẽ được cấp giấy xác nhận đã khỏi bệnh để phục vụ các quyền lợi khác như di chuyển, tiêm vaccine…”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết thêm.
Về vấn đề số ca tử vong của Thành phố Hồ Chí Minh những ngày qua vẫn ở mức cao, thậm chí tăng hơn những ngày trước, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: Dựa trên số liệu thống kê trong 3 ngày gần đây là 19, 20 và 21/11, Thành phố Hồ Chí Minh có 151 ca tử vong, trong đó ghi nhận 18/151 ca có bệnh nền và có 75% trường hợp không tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc chỉ tiêm 1 mũi. Các bệnh nhân này có thể là những người thuộc nhóm chống chỉ định, người cao tuổi nằm một chỗ mà người nhà không có điều kiện hay ngại tiếp cận vaccine.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, xét về mặt cá thể, mỗi người khi tiêm đủ vaccine thì đã có khả năng miễn dịch khá tốt, nguy cơ mắc giảm và nếu mắc thì ít diễn biến nặng hơn. Tuy nhiên, ở quy mô cộng đồng nếu số ca F0 tăng lên thì tỷ lệ người mắc có diễn tiến nặng cũng sẽ tăng lên.
Có thể thấy tại Thành phố Hồ Chí Minh, độ phủ vaccine tốt, tuy nhiên, khi số lượng F0 trong cộng đồng tăng thì vẫn có 15-20% người bệnh có diễn biến tăng nặng, trong đó chủ yếu người cao tuổi, có bệnh nền và 5% trong số này sẽ chuyển biến rất nặng, dẫn đến tử vong. Giải pháp để giảm số ca tử vong là phải giảm số ca F0 và số ca nhập viện. Để làm được điều này, người dân cần nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt 5K, tiêm vaccine, không lơ là chủ quan dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Liên quan kiến nghị của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về giảm thời gian cách ly F0 không triệu chứng, đã tiêm đủ liều vaccine và âm tính với SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 xuống còn 7 ngày, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, kiến nghị này dựa trên căn cứ khoa học thực tế. Cụ thể, có 81% F0 đã tiêm đủ vaccine không có triệu chứng và đã âm tính vào ngày thứ 7 và nhiều ngày sau đó. Thực chất, họ là người khỏe mạnh thường bình và không có nguy cơ lây bệnh cho người khác.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang điều trị cho 13.724 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 574 trẻ dưới 16 tuổi, 327 ca nặng đang thở máy, 9 trường hợp phải can thiệp ECMO.
Xuân Anh/TTXVN