(Thethaovanhoa.vn) - Tính đến ngày 8/3, số ca tử vong do COVID-19 tại Italy đã vượt 100.000 ca, trong khi số bệnh nhận cần nhập viện điều trị ngày một tăng. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Italy Mario Draghi cảnh báo tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng xấu đi tại nước này.
Ngày 24/12, Italy bắt đầu thực thi các quy định "vùng đỏ" trên cả nước sau khi số ca mắc mới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng mạnh trong những ngày cuối năm, theo đó các biện pháp phong tỏa chống dịch sẽ được duy trì trong suốt kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm Mới kéo dài đến ngày 6/1/2021.
Theo Bộ Y tế Italy, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 318 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại nước này lên tới 100.103 ca sau 13 tháng dịch bệnh hoành hành.
Bộ Y tế Italy đặc biệt quan ngại về số ca tử vong do COVID-19 tăng mạnh tại nước này trong những tháng gần đây. Cụ thể, trong 9 tháng đầu dịch bệnh hoành hành, số ca tử vong tại Italy là 50.000 ca, nhưng chỉ 3 tháng rưỡi sau đó đã tăng gấp đôi.
Số ca nhiễm mới tại Italy tuần trước cũng tăng 23% so với tuần trước đó, khiến giới chức nước này đưa ra cảnh báo nguy cơ làn sóng dịch bệnh mới liên quan đến biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh. Ngoài ra, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị ở Italy đã tăng từ 443 ca ngày 7/3 lên 687 ca. Số bệnh nhân cần điều trị tích cực tăng thêm 95 người, lên 2.700 ca.
Thủ tướng Draghi nhận định tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng xấu đi và chính phủ của ông sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine.
Tính đến sáng 8/3, Italy đã sử dụng 5,42 triệu liều vaccine tiêm chủng cho người dân, theo đó có 1,65 triệu người trong tổng số 60 triệu dân được tiêm đủ 2 liều vaccine theo khuyến nghị. Trong hình hình thiếu vaccine hiện nay, Chính phủ Italy đang cân nhắc ưu tiên tiêm liều thứ nhất, thay vì dự trữ để tiêm liều thứ hai.
Italy là quốc gia phương Tây đầu tiên phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 và nước này đã thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc từ tháng 3/2020 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong mùa Hè năm 2020, số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm mạnh, song làn sóng dịch bệnh thứ 2 "tấn công" quốc gia châu Âu này vào mùa Thu. Tình hình dịch bệnh đã có nhiều cải thiện trong tháng 1/2021 trước khi số ca nhiễm mới lại tăng trở lại trong những tháng gần đây.
Trong bối cảnh dịch bệnh, ngày 8/3, Công ty đường sắt Italy thông báo từ tháng 4 tới sẽ đưa vào vận hành tàu "không COVID" trên tuyến đường sắt Rome-Milan. Theo đó, toàn bộ các nhân viên và hành khách sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi lên tàu với sự hỗ trợ của Hội chữ thập đỏ. Theo đại diện của công ty, đây là dự án thí điểm để tiến tới áp dụng trên các tuyến đường sắt đến những điểm du lịch như Venice, Florence và Naples. Theo giới chức công ty, sáng kiến này là giải pháp để khôi phục ngành du lịch sau 1 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, du lịch chiếm 14% nguồn thu ngân sách của Chính phủ Italy. Các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại do dịch bệnh đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp không khói của nước này, khi khách sạn và nhà hàng đều phải đóng cửa trong nhiều tháng. Theo số liệu báo cáo chính thức công bố hồi tháng 12/2020, lượng du khách nghỉ qua đêm tại Italy trong năm 2020 đã giảm gần 70% so với năm trước đó.
Lan Phương/TTXVN