(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 23/11, Hà Nội đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 15-17 tuổi, trong đó phần lớn là học sinh trung học phổ thông, đạt tỷ lệ tiêm hơn 90%.
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 28-11 đến 29-11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 390 ca dương tính với SARS-Cov-2, trong đó có 220 ca tại cộng đồng, 109 ca tại khu cách ly và 61 ca tại khu phong tỏa.
Chiều 29/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã thống nhất chỉ đạo khẩn trương đưa học sinh trung học phổ thông trở lại trường học; đồng thời, lên ngay phương án đưa học sinh trung học cơ sở trở lại trường học trong thời gian sớm nhất, an toàn nhất.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn có diễn biến phức tạp trên địa bàn và cả nước với số F0 phát sinh mới ngày càng nhiều. Do đó, việc đưa học sinh trở lại trường học phải được chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm có nguyên tắc và luôn đặt vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết.
Đặt an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, chiều 29/11 Thường trực Thành ủy đã xem xét báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề này. Trong đó, yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương ban hành kế hoạch tổ chức đưa học sinh trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trở lại trường học.
Trước mắt, thành phố sẽ thực hiện đối với các đơn vị xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến thời điểm 30/11/2021 không có các ca F0 trong cộng đồng. Thời gian thực hiện là từ đầu tháng 12, có thể xem xét từ ngày thứ hai 6/12.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý, dịch COVID-19 vẫn có diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội và cả nước với số lượng ca F0 phát sinh mới có xu hướng ngày càng tăng. Chỉ tính riêng từ ngày 11/10 - 28/11, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 5.600 ca mắc, trong đó số ca cộng đồng hơn 35%. Ngày 28/11, lần đầu tiên số ca mắc mới một ngày vượt quá 300 ca. Ngoài ra, số ca mắc do lây nhiễm thứ phát cũng tăng.
Dịch bệnh xuất hiện ở cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Nhiều chùm ca bệnh đang tồn tại ở các khu dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp hoặc phát sinh từ các hoạt động tại chợ dân sinh, đám hiếu, hỉ, do việc tụ tập ăn uống, ở các địa điểm công cộng và sự kiện tập trung đông người khác nhưng không bảo đảm thông điệp “5K” và quét mã QR.
“Việc đưa học sinh trở lại trường học trong bối cảnh như vậy phải được chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm có nguyên tắc và luôn đặt vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, sau một thời gian dài tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19, từ ngày 22-24/11, học sinh khối lớp 9 của 18 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã trở lại trường học trực tiếp. Sau một tuần thực hiện, với sự chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, cùng sự chuẩn bị chu đáo của các trường, đã có 1.071 lớp và hơn 36.000 học sinh lớp 9 các trường trung học cơ sở của 18 huyện, thị xã được tổ chức dạy và học trực tiếp bảo đảm tuyệt đối an toàn, chưa ghi nhận ca mắc nào tại trường học.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, kết quả trên có ý nghĩa rất quan trọng, là kinh nghiệm quý giá để thành phố tiếp tục mở rộng địa bàn, quy mô các khối, lớp trở lại học trực tiếp. Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa ngành Y tế với ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức kịp thời, bảo đảm an toàn và hoàn thành đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 15-17 tuổi, tạo cơ sở để đưa các em sớm trở lại trường học.
Cấp ủy, chính quyền các cấp siết chặt phòng, chống dịch
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, chỉ đạo các nguyên tắc tổ chức thực hiện việc đưa học sinh trung học phổ thông trở lại trường học trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức đối với khối lớp 9 ở 18 huyện, thị xã vừa qua. Trong đó, chú ý nhân rộng cách làm hiệu quả, khắc phục những tồn tại, nhất là giảm thiểu rủi ro liên quan đến an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và sức khỏe học sinh, giáo viên, nhân viên trường học.
Trước hết, trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn liên ngành số 3668/HDLN: SGDĐT-SYT ngày 25/10/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Y tế. Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. Các trường học không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân; chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn; phê duyệt phương án cụ thể cho học sinh đi học trở lại của từng trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn; tiếp tục hoàn thiện, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho lực lượng y tế trường học, bảo đảm trang bị đầy đủ trang thiết bị phòng, chống dịch, sẵn sàng khi học sinh đến trường.
Đồng thời, hoàn thiện phương án tăng cường nhân lực hỗ trợ cho y tế phường, huy động cả lực lượng y tế tư nhân, sự hỗ trợ của cộng đồng, các cán bộ y tế đã nghỉ hưu. Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, phải cho dừng việc học trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu, song song với việc tổ chức học trực tiếp của khối lớp 9 ở 18 huyện, thị xã và khối trung học phổ thông toàn thành phố, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải tiếp tục theo sát tình hình dạy và học trực tuyến của các trường đối với các khối học sinh trung học cơ sở, học sinh tiểu học; tích cực ghi nhận ý kiến của phụ huynh, học sinh, các trường học và chuyên gia để kịp thời có biện pháp giải quyết những bất cập, khó khăn, vướng mắc liên quan, bảo đảm chất lượng giáo dục. Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục nghiên cứu giáo trình, bảo đảm cách tổ chức học thực chất, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay...
Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thành phố bảo đảm tiến độ, chất lượng tiêm vaccine cho trẻ từ 12-15 tuổi; lên ngay phương án tổ chức đưa học sinh cấp trung học cơ sở trở lại trường học trong thời gian sớm nhất, an toàn nhất, có thể tiếp ngay sau cấp trung học phổ thông; đồng thời, chuẩn bị các phương án cần thiết, phù hợp với điều kiện, tình hình dịch bệnh để sớm đưa toàn bộ học sinh các cấp đến trường một cách an toàn.
Các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục bám sát cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch, tiêm vaccine và đưa học sinh trở lại trường học. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, kịp thời có biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch…
Nguyễn Văn Cảnh - Nguyễn Cúc/TTXVN