(Thethaovanhoa.vn) - Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 25/11 đã phê chuẩn việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11, mở đường cho việc Liên minh châu Âu (EU) thông qua loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên dành cho trẻ trong độ tuổi này, trong bối cảnh các nước trong khối đang đối phó với làn sóng lây nhiễm ngày một tăng.
Ngày 22/10, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho biết loại vaccine ngừa COVID-19 do hãng này phối hợp sản xuất cùng hãng dược phẩm BioNTech (Đức) có hiệu quả 90,7% chống lại virus SARS-CoV-2 ở trẻ em từ 5-11 tuổi.
Theo EMA, trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 sẽ được tiêm 2 liều vaccine của Pfizer/BioNTech, có tên thương mại là Comirnaty, vào bắp tay. Mỗi liều 10 microgram, cách nhau 3 tuần. Liều vaccine của Pfizer/BioNTech dùng để tiêm cho người lớn là 30 microgram.
EMA nhấn mạnh lợi ích của vaccine Comirnaty đối với trẻ trong độ tuổi từ 5-11 cao hơn rủi ro, đặc biệt là đối với những trẻ có nguy cơ mắc COVID-19 diễn tiến nặng.
Thông báo của Pfizer/BioNTech cho thấy trong thử nghiệm lâm sàng đối với trẻ trong độ tuổi từ 5-11, vaccine Comirnaty có thể phát huy hiệu quả bảo vệ tới 90,7%.
Tháng 5 vừa qua, EU cũng đã phê duyệt việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17.
Theo quy định, Ủy ban châu Âu là cơ quan ra quyết định phê duyệt cuối cùng việc sử dụng vaccine, song thông thường cơ quan này thường thông qua đề xuất của EMA.
Trong khi đó, một quan chức của EU cho biết dự kiến trong ngày 25/11, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra đề xuất giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 có hiệu lực trong 9 tháng sau khi đã tiêm chủng đầy đủ.
Theo quan chức trên, quyết định trên được đưa ra sau các cuộc thảo luận kéo dài về việc giấy chứng nhận tiêm chủng nên có hiệu lực trong 8 hay 9 tháng. Giấy chứng nhận của những người tiêm mũi tăng cường vaccine sẽ được tự động gia hạn. Đề xuất trên không mang tính ràng buộc nhưng được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy cách tiếp cận thống nhất giữa các quốc gia EU trong vấn đề giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19.
Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu cũng dự kiến đưa ra đề xuất về việc tiêm mũi tăng cường vaccine cho công dân EU nếu muốn đi sang nước khác trong cùng khối vào mùa Hè năm 2022.
Ủy ban châu Âu muốn hài hòa các quy tắc trên toàn khối nhằm cho phép người dân tự do di chuyển, song hiện các nước trong khối đang phải đối mặt với những hạn chế mới trong bối cảnh các ca nhiễm ở mức cao kỷ lục.
Ngày 24/11, Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine cho tất cả người trưởng thành, trong đó ưu tiên những người trên 40 tuổi. Đây được coi là một sự thay đổi lớn so với hướng dẫn trước đó về đề xuất tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi hơn và những người suy giảm hệ miễn dịch.
Ngọc Hà/TTXVN