(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà khoa học hiện đang gấp rút tập trung dữ liệu về biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2, phân tích khả năng lây nhiễm của biến thể và quan trọng nhất là việc liệu các vaccine ngừa COVID-19 đang được các nước sử dụng hiện nay có hiệu quả trong phòng chống biến thể này hay không.
Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 28/11 đến 16 giờ ngày 29/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.770 ca mắc mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 13.758 ca ghi nhận trong nước tăng 830 ca so với ngày trước đó, có 7.601 ca trong cộng đồng.
Những phát hiện ban đầu về biến thể Omicron giống như "một bức tranh hỗn hợp". Trong các cuộc trả lời phỏng vấn, các chuyên gia cho rằng biến thể mới này có khả năng lây lan hơn, có thể tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể (cả ở những người đã tiêm vaccine và những người nhiễm bệnh tự nhiên) hơn so với các biến thể trước của virus SARS-CoV-2.
Các vaccine đang sử dụng hiện nay sẽ có thể tiếp tục bảo vệ, không để người mắc COVID-19 trở bệnh nặng hoặc tử vong, dù việc tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ vẫn cần thiết để bảo vệ phần lớn người dân. Mặc dù vậy, hai hãng sản xuất vaccine là Pfizer/BioNTech và Moderna đang chuẩn bị điều chỉnh lại công thức bào chế vaccine để ứng phó với biến thể Omicron nếu các hãng này thấy cần phải làm như vậy.
Nhà sinh học tiến hóa Jesse Bloom của Trung tâm Nghiên cứu ung thư Hutchinson, ở thành phố Seattle (Mỹ), nói: "Chúng tôi thực sự cần cảnh giác về biến thể mới này và đang chuẩn bị đối phó. Có thể trong ít tuần nữa, chúng tôi sẽ có sự hiểu biết sâu hơn về mức độ lây lan của biến thể này cũng như mức độ cần thiết để thúc đẩy sản xuất vaccine phòng chống biến thể Omicron".
Các nhà khoa học đã phản ứng nhanh chóng với biến thể Omicron nhanh hơn so với bất kỳ biến thể nào trước đây. Theo nhà di truyền học Tulio de Oliveira tại Trường Y Nelson R.Mandela ở Durban, chỉ trong vòng 36 giờ đồng hồ sau khi có "dấu hiệu rắc rối" đầu tiên ở Nam Phi vào ngày 23/11, các nhà khoa học đã phân tích mẫu từ 100 bệnh nhân mắc biến thể Omicron, thu thập dữ liệu và lên tiếng cảnh báo thế giới.
Chỉ trong vòng 1 giờ sau lời cảnh báo đầu tiên về biến thể Omicron, các nhà khoa học ở Nam Phi cũng gấp rút tiến hành thử vaccine ngừa COVID-19 đối với biến thể mới. Hiện, có hàng chục nhóm các nhà nghiên cứu trên thế giới, trong đó có các nhà nghiên cứu tại các hãng dược Pfizer/BioNTech và Moderna tham gia vào nỗ lực này. Dự kiến, sớm nhất là phải 2 tuần sau mới có kết quả.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định, so với các biến thể khác, những đột biến trong biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của các vaccine đang sử dụng hiện nay, nhưng chưa biết ở mức độ nào. Theo Tiến sĩ Bloom, các đột biến của biến thể Omicron có thể gây ra sự suy giảm đáng kể khả năng vô hiệu hóa virus của hệ miễn dịch.
Trong khi đó, Tiến sĩ Richarrd Lessels, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học KwaZulu-Natal ở Nam Phi cho biết các bác sĩ nước này cho rằng biến thể Omicron có thể "tránh" được phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
Biến thể Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để hướng dẫn hệ miễn dịch chống virus SARS-CoV-2. Một số đột biến này đã được phát hiện trước đây, một số khác được cho là "kế thừa" khả năng né tránh vaccine của biến thể Beta, trong khi hầu hết đột biến có khả năng lây lan rất cao như biến thể Delta. Biến thể Omicron có 26 đột biến chưa từng phát hiện ở protein gai, nhiều hơn so với 10 đột biến như vậy ở biến thể Delta và 6 đột biến ở biến thể Beta. Nhiều đột biến trong số này dường như có thể "gây khó" cho hệ miễn dịch trong việc phát hiện và tấn công biến thể Omicron.
Minh Châu - TTXVN