(Thethaovanhoa.vn) - Khoản thưởng lên tới 6 tỷ đồng cho kỳ tích tại Rio của Xuân Vinh có thể chưa so với nhóm quốc tế hàng đầu song chắc chắn là một khoản thu nhập siêu “khủng” đối với một tuyển thủ Việt Nam.
Xuân Vinh là một trường hợp ngoại lệ, đột xuất, nếu nhìn từ thực tế mức tiền thưởng “trong khung” cao nhất chỉ 180 triệu đồng cho HCV Olympic hay tiền công tập luyện chỉ tối đa 3,2 triệu đồng mỗi tháng.
Xuân Vinh nhận 4,7 tỷ từ 4 doanh nghiệp
Chỉ cách đây vài năm, chuyện một tuyển thủ Việt lĩnh nửa tỷ cho thành tích tại một giải quốc tế đã được coi như sự kiện đình đám cả làng thể thao.
Năm 2015, kình ngư Ánh Viên với 8 HCV kèm 8 kỷ lục SEA Games đã gây sốc khi lĩnh phần thưởng cả hiện vật và tiền mặt lên tới 4 tỷ đồng, một mức khi đó được đánh giá gần như không thể tái lập. Thế nhưng, kỷ lục ấy giờ đây đã được Xuân Vinh phá ở mức vượt xa, khi anh nhận được 6 tỷ đồng cho 1 HCV, 1 HCB cùng 1 kỷ lục Olympic, và chắc chắn không dừng lại ở con số ấy. Đây là phần thưởng hoàn toàn xứng đáng cho kỳ tích lịch sử của xạ thủ quân đội, góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, với một hiệu ứng thể thao- xã hội sâu rộng chưa từng có tại Việt Nam. Thậm chí, giới chuyên môn và người hâm mộ đều cho rằng mức thưởng dành cho Vinh có gấp đôi hay gấp ba con số ấy cũng xứng đáng.
Hoàng Xuân Vinh nhận được những khoản thưởng lớn sau thành công tại Olympic Rio 2016
Chỉ có điều, con số 6 tỷ đồng không phải bỗng dưng có được ngay sau khi Xuân Vinh lập kỳ tích, cho dù gây chấn động thể thao thế giới và tạo nên cả một “cơn bão” tại Việt Nam. Nếu bình thường, mức thưởng của Vinh từ các nguồn khác nhau cao nhất có lẽ cũng chỉ khoảng 1 tỷ đồng, riêng khoản theo quy định của nhà nước chỉ là 300 triệu đồng.
Số tiền thưởng khổng lồ ấy xuất phát chủ yếu từ 4 doanh nghiệp trong và ngoài nước đã “treo” thưởng lớn từ trước khi Vinh sang Brazil tranh tài, khi mà Vinh mới chỉ là một niềm hi vọng. Ngay sau Olympic, 4,7 tỷ đồng đã được họ trao thưởng rất kịp thời và trang trọng 4,7 tỷ đồng. Một doanh nghiệp trao 2, 2 tỷ đồng, một doanh nghiệp khác trao 1,8 tỷ đồng. Đây là kết quả có được từ mối quan hệ cùng cả quá trình vận động của các nhà quản lý huấn luyện bắn sung Việt Nam. Nó đã chứng tỏ sự thay đổi trong tư duy của những người làm bắn sung, gắn với bước tiến đáng kể về mặt xã hội hóa.
45 triệu đồng cùng xe máy, tivi, điện thoại tại SEA Games 28
Sự đột phá về tiền thưởng của TTVN thực ra đã bắt đầu từ SEA Games 2015 kỳ Đại hội chứng kiến cuộc đột phá ngoạn mục của siêu kình ngư Ánh Viên. Ngay từ trước khi lên đường sang Brazil tranh tài, ngành thể thao đã vận được được số tiền mặt và hiện vật lên tới trên 20 tỷ đồng. Nhờ thế mức thưởng đã tăng gấp đôi những lần trước, với các hình thức đa dạng và thiết thực chưa từng có. Đơn cử như 1 tấm HCV, ngoài khoản 45 triệu đồng theo quy định của nhà nước, mỗi chủ nhân còn nhận được thưởng “nóng” 10 triệu đồng, 1 xe máy (trị giá 20 triệu đồng), 1 TV LED 40 inch (10 triệu đồng), 1 điện thoại smartphone (4 triệu đồng), 1 cặp vé khứ hồi nội địa. Ngoài ra, họ còn được kéo dài thời hạn bảo hiểm ở mức cao nhất thêm 1 năm.
Có nghĩa là, tuyển thủ chỉ cần đoạt 1 HCV sẽ được nhận một khoản tiền thưởng tương đối lớn, cùng đủ bộ vật dụng cần thiết gồm xe máy, tivi, điện thoại, với tổng trị giá lên tới 90 triệu đồng.
Theo thống kê có tới 70% trong số 299 tuyển thủ Việt Nam tranh tài tại SEA Games 20 được lĩnh thưởng, một tỷ lệ cao kỷ lục, với mức tối thiểu 30 triệu đồng cho 1 VĐV giành HCĐ.
Tiền công tập tuyển thủ quốc gia tối đa 3, 2 triệu đồng/tháng
Khoảng 40 tỷ đồng tiền thưởng từ nhiều nguồn đã thực sự giúp cho cuộc sống của hàng loạt VĐV cùng HLV đổi khác, một số trường hợp giống như một sự đổi đời sau SEA Games 28.
Thế nhưng, thành quả ấy vẫn chỉ dành cho một nhóm nhỏ gồm các ngôi sao, chỉ chiếm 15-20% trong tổng số hơn 1.200 tuyển thủ quốc gia của 40 môn
Không ngừng bồi đắp niềm tin chiến thắng cho bản thân, không để khó khăn cản bước, kiên trì tập luyện, phấn đấu cật lực để giành chiến thắng.
Hàng nghìn tuyển thủ còn lại cũng miệt mài tập luyện hàng ngày, nỗ lực cao độ chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế song không giành được thành tích để có thưởng. Họ chỉ biết trông vào khoản tiền công tập luyện tính theo ngày với mức chỉ 150.000 đồng/người/ngày. Có nghĩa là, nếu tập đủ 26 ngày, một tuyển thủ cũng chỉ nhận tối đa 3,6 triệu đồng mỗi tháng. Do hầu hết tuyển thủ đều không thể tập đủ 26 ngày nên khoản thu nhập phổ thông thường xê dịch từ 3 đến 3,2 triệu đồng.
So với mặt bằng chung xã hội, mức thu nhập mỗi tháng từ tiền công tập luyện ngày nào hưởng ngày ấy của các tuyển thủ quốc gia hiện tại chỉ ngang thu nhập của người giúp việc. Với mức lương bèo bọt ấy, những người đã làm nên “bộ mặt” của TTVN chỉ đủ chi dùng cho các nhu cầu hàng ngày của bản thân, hoàn toàn không có tích lũy hay có thể hỗ trợ gia đình.
Như nhìn nhận của chính các “khổ chủ”, mức tiền công 3 triệu bây giờ thậm chí còn có giá trị kém hẳn mức 2 triệu của cách đây 10 năm. Nghịch cảnh mà hàng nghìn tuyển thủ quốc gia đang phải gánh chịu xuất phát từ sự bất cập trong quy định về tiền ăn, tiền công được áp dụng từ cách đây 4 năm.
Đã tới lúc ngành TTVN coi việc nâng cao đời sống, chế độ đãi ngộ cho VĐV như một vấn đề ưu tiên dù cho là từ nguồn của Nhà nước hay tạo ra các cơ chế đặc biệt và trở nên năng động trước những thay đổi.
Mẫu hình của kình ngư 15 tuổi Phương Trâm mới đây được 1 doanh nghiệp “chống lưng” trong 9 năm với tổng kinh phí lên tới 18 tỷ đồng để sang Mỹ tập huấn dài hạn là một minh chứng sinh động.
Điều đó quan trọng hơn rất nhiều, phần nào đó mang tính quyết định, so với việc một tuyển thủ lập đại công tại các đấu trường quốc tế sẽ được thưởng bao nhiêu.
Cho và Nhận
Ngay sau khi bước lên đỉnh cao nhất tại Olympic Rio với 1 HCV, 1 HCB kèm theo 1 kỷ lục , xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cùng với HLV Nguyễn Thị Nhung đã lập lên quỹ từ thiện "Vinh quang và sự biết ơn". Bản thân anh đã trích tiền thưởng để đóng góp 10.000 USD cho quỹ từ thiện này. Cùng đó, xạ thủ quê Quảng Trị còn vận động các "Mạnh Thường Quân" chia sẻ với những mảnh đời khó khăn. Anh đã liên tục có các chuyến đi thăm hỏi, tặng quà cho những mảnh đời bất hạnh, như những người khuyết tật tại Trung tâm dạy nghề và hướng nghiêp nhân đạo Hà Nội hay các bệnh nhân tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương. Cô trò Xuân Vinh cũng lên kế hoạch thực hiện chương trình Nồi cháo nhân ái, dự kiến kéo dài trong vòng 1 năm, bắt đầu từ trước tết Nguyên Đán tại Quảng Trị, quê hương của vị Đại tá quân đội này.
Lê Văn Công lập đại công cho Việt Nam tại Paralympic
Thành công của TTVN được ghi nhận trên nhiều đấu trường khác nhau và mới nhất là tấm HCV của Lê Văn Công (cử tạ) ở Đại hội Thể thao người khuyết tật Paralympic đang tổ chức ở Brazil. Lê Văn Công được thưởng khoảng 500 triệu đồng từ các nguồn trong đó có thưởng cứng của nhà nước và từ các doanh nghiệp. Anh cho biết sẽ lấy tiền thưởng để cho con ăn học. Cũng ở Paralympic, Đặng Thị Linh Phượng cũng đã giành HCĐ của môn cử tạ nữ sau những nỗ lực lớn trong tập luyện và thi đấu. |
Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần