(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ 1/8 tới đây, một loạt qui định mới trong việc xử phạt đối với người lái xe (xe ô tô và xe máy) sẽ có hiệu lực, trong đó có phạt người sử dụng điện thoại khi lái xe.
Đó là một trong những quy định của nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ 1-8 tới. Trong đó mức phạt cho việc “dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ôtô chạy trên đường” bị phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng.
Từ lâu việc sử dụng điện thoại (gọi, trả lời, nhắn tin) khi đang lái xe, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến lái xe thiếu tập trung, dẫn tới tai nạn, đã bị phạt nặng ở nhiều nước trên thế giới, thậm chí còn bị cấm sử dụng ở một số nơi như Newfoundland, Labrador, Quebec và Nova Scotia ở Canada, và California, Connecticut, New Jersey, New York và Washington D.C ở Mỹ.
Ở Việt Nam, trước nay việc sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe hơi chưa bị xử phạt và 70.000 đồng là mức phạt dành cho người đang lái xe máy sử dụng điện thoại, mức phạt quá thấp.
Tuy nhiên, không đợi tới lúc việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe chuẩn bị bị xử phạt, từ lâu nhiều người đã sử dụng thiết bị “điện thoại rảnh tay” trên xe ô tô như một trong những tiêu chuẩn an toàn và tiện nghi. Trên các dòng xe sang và nhiều dòng xe phổ thông đời mới hiện nay đã được nhà sản xuất trang bị công nghệ “điện thoại rảnh tay” và “quay số bằng giọng nói”.
Các thiết bị này sử dụng công nghệ kết nối không dây (bluetooth) với điện thoại thông minh của bạn, do đó bạn chỉ cần kết nối một lần là có thể sử dụng bất cứ khi nào lái xe, miễn điện thoại bật chế độ bluetooth. Nút chấp nhận hoặc từ chối cuộc gọi nằm ngay trên vô lăng do đó khá thuận tiện với lái xe.
Còn nếu xe không có trang bị sẵn thiết bị này, cũng có thể mua thiết bị bên ngoài (Car Kit) với giá từ khoảng 500 ngàn đồng tuỳ loại, việc lắp đặt khá đơn giản, tuy nhiên nút chấp nhận hoặc từ chối cuộc gọi nằm trên bảng điều khiển, do đó bạn vẫn phải có thao tác rời tay khỏi vô lăng để bấn nút.
Song việc sử dụng “điện thoại rảnh tay” có thật sự mang lại sự tập trung cho người lái cùng sự an toàn khi lái xe không hiện vẫn còn đang gây tranh luận trên thế giới.
Theo nhiều nghiên cứu, người ta lại thấy khi sử dụng “điện thoại rảnh tay”, các lái xe chủ quan hơn nên dễ xao nhãng hơn. Một số quốc gia và địa phương thậm chí đang xem xét tới việc cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe, kể cả “điện thoại rảnh tay”.
Vậy, nếu để tránh bị phạt từ ngày 1/8 tới đây, bạn nên chuyển từ việc sử dụng điện thoại bình thường sang “điện thoại rảnh tay”. Nhưng để đảm bảo an toàn thật sự, khi có điện thoại cần thiết trong lúc lái xe, tốt nhất bạn nên dừng lại và chỉ sử dụng điện thoại khi xe đã dừng hẳn ở vị trí an toàn.
Th.Ph
Thể thao & Văn hóa