Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng: 'Kim tự tháp ngược của BĐVN cũng lâu rồi'

Chủ Nhật, 27/11/2016, 17:54 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá Việt Nam đang phát triển theo mô hình kim tự tháp ngược khi V-League có 14 đội song giải hạng Nhất chỉ có 8 hay 10 đội. Nó đi ngược với định hướng Tầm nhìn châu Á năm 2005. TGĐ VPF Cao Văn Chóng đã có những trao đổi thắng thắn cùng Thể thao & Văn hóa cuối tuần về câu chuyện tuy cũ nhưng vẫn rất nóng hổi này.

Xu thế thời đại đẩy bóng đá vào khó khăn

* Ở mùa giải trước, Cà Mau từng bày tỏ ý định không tham gia giải hạng Nhất vì vấn đề tài chính. Mùa này lại đến lượt Đồng Nai. Ông nghĩ gì về “hiện tượng” này?

- Đã xác định làm bóng đá chuyên nghiệp thì điều kiện tài chính là một trong những điều quan trọng. Thế giới cũng thế chứ không riêng gì Việt Nam. Nhìn dưới góc độ thì tại sao có một số CLB làm được và làm rất là tốt và tại sao có một số CLB lại rơi vào tình trạng khó khăn? Chẳng hạn như SHB Đà Nẵng, B.Bình Dương, HAGL,… đều làm tốt vấn đề này. Nền kinh tế khó khăn đã tác động đến tình hình tài chính của địa phương, đặc biệt là tài chính để chi cho các hoạt động bóng đá chuyên nghiệp. Một số địa phương không chịu nổi nhiệt và tự đào thải. Mặc dù điều này rất đáng tiếc song nó không nằm ngoài quy luật của kinh tế. Bóng đá chuyên nghiệp cũng thế thôi. Tài chính là một trong những yếu tố quan trọng và VPF rất sâu sát với các CLB song nút thắt của vấn đề lại nằm ở địa phương.


Hai năm sau sự việc 6 cầu thủ bán độ, Đồng Nai biến mất khỏi bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam

VPF không thể cung cấp tài chính cho các CLB mà là đơn vị tạo ra sân chơi công bằng, ngày càng chuyên nghiệp nhất. Còn việc tham gia sân chơi với tâm thế như thế nào thì phần lớn nằm ở chính CLB. Bên cạnh các CLB vì lý do khó khăn này nọ, VPF cũng đã tìm mọi cách, liên lạc, tư vấn để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên giải pháp căn cơ nhất vẫn nằm ở sự quyết liệt, nghiêm túc từ các CLB.

* Thế còn chuyện các đội hạng Nhì không mặn mà khi được ngỏ ý đôn lên thay thế thì sao, thưa ông?

- Nguyên nhân chủ yếu do kế hoạch của địa phương. Tài chính cũng là một phần trong đó. Họ có chiến lược của họ còn VPF là đơn vị ngoài không thể hiểu được kế hoạch của từng địa phương được. Ví dụ như Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Định, An Giang,… trước đây bóng đá có vai trò quan trọng nhưng bây giờ lại mờ nhạt đi. Tôi nghĩ nó xuất phát từ chiến lược của địa phương. Họ tập trung cho đào tạo trẻ hay các môn thể thao khác. VPF không thể can thiệp để thay đổi chiến lược. Nói đi cần phải nói lại. Bóng đá chuyên nghiệp không phải bộ môn dành cho tất cả mọi người, hay tất cả địa phương, phải có sự sàng lọc. CLB nào trải qua sự sàng lọc đó, vươn lên được thì họ gặt hái được thành công.

* VPF đã làm gì để khắc phục “hiện tượng” trên, thưa ông?

- VPF làm hết sức mình như tư vấn, đưa những mô hình thành công, điển hình để các địa phương cân nhắc, sàng lọc làm sao phù hợp với họ. Còn vận hành như thế nào, đi đến đâu và kết quả ra làm sao thì địa phương giữ vai trò chính. VPF không làm thay địa phương được.

“Muốn phát triển, các câu lạc bộ cần phải thay đổi”

* Trong tầm nhìn châu Á 2005, bóng đá Việt Nam được xây dựng phát triển theo mô hình kim tự tháp nhưng giờ lại đang theo hướng kim tự tháp ngược với V-League có 14 đội trong khi hạng Nhất chỉ có 8 đội. Phải chăng các giải vô địch chuyên nghiệp Việt Nam bị lệch pha?

- Chuyện này diễn ra cũng được vài năm. Tuy nhiên, để thay đổi cần lộ trình và chung tay của nhiều người. Tại VPF chỉ quản lý có V-League và hạng Nhất còn chân đế thì rất là nhiều. Từ giải phong trào, hạng Ba, hạng Nhì,…không phải VPF quản lý. Thế nên cần sự chung tay của nhiều người, các giai tầng trong xã hội, của các cấp, ngành để nền tảng của nó phát triển, có cơ chế thông thoáng cho nhiều đội tham gia để tạo nguồn cho chân đế rộng, lý tưởng như lý thuyết mà Tầm nhìn châu Á 2005 đề ra.

Để làm điều này rất khó khăn. Không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước đang gặp phải. Họ cũng đau đáu tìm giải pháp. Nhìn chung, các nước có nền bóng đá phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản,… làm bóng đá học đường, phong trào rất là tốt, thậm chí các giải của Ban cũng rất phong phú.

Còn ở Việt Nam, các giải phủi cũng làm tốt đấy chứ. Tất nhiên, đó chỉ là một vài giải chứ chưa đồng bộ, hình thành hệ thống mà còn chắp vá. Hy vọng trong thời gian tới, các địa phương quan tâm hơn nữa, đặc biệt là phong trào bóng đá để làm sao cho hoạt động phong trào ngày càng phát triển. Khi bóng đá địa phương phát triển thì các cấp cao hơn mới phát triển được.

* Trước đây, Thai-League thua kém Việt Nam về công tác tổ chức nhưng một vài năm trở lại đây, V-League phải học hỏi ở Thai-League rất nhiều. Đâu là nguyên nhân khiến có sự đảo ngược này?

- Sự năng động, vào cuộc của các CLB đóng vai trò quan trọng. Thai-league và V-league không có gì xa lạ cả. Chúng tôi có mối quan hệ rất thân tình, thông tin chia sẻ với nhau rất nhiều, có sự học hỏi qua lại lẫn nhau. Điều quan trọng ở Thai-league là các CLB làm rất bài bản. Họ có cách marketing hình ảnh phong phú, đa dạng như trang fanpage, diễn đàn, thậm chí có cả kênh truyền hình riêng. Họ làm như theo mô hình không khác gì các CLB ở châu Âu. Một giải đấu mà quy tụ nhiều CLB làm được như thế thì giải đấu đó sẽ phát triển. Còn ở mình, để một CLB làm được như thế rất hiếm. Có đội làm tốt mặt này, có đội làm tốt mặt kia, ở mình không đồng bộ được.


Thai-League đã tiến bộ vượt bậc so với V-League

Khi họ làm tốt hình ảnh, họ sẽ có nguồn thu tốt hơn để tái đầu tư. Họ thu vào, chi ra một cách thoải mái sẽ giúp có điều kiện để làm lại các hạ tầng cơ sở như mặt sân, chỗ ngồi,…Cho dù ở Thai-league không phải sân vận động nào cũng lớn nhưng họ lại thu hút lượng lớn khán giả đến sân. Nhiều yếu tố đó cộng lại giúp giải đấu tốt hơn còn ở Việt Nam, phần lớn do yếu tố kinh tế, nhiều CLB chưa dàn trải để đầu tư phát triển đồng bộ được.

* Về giải pháp thì chúng ta cũng đã nói quá nhiều rồi. Theo ông, chúng ta cần làm triệt để vấn đề gì để các giải chuyên nghiệp ở Việt Nam phát triển một cách căn cơ?

- Mấu chốt vấn đề nằm ở CLB. Giải có phát triển hay không nằm ở chính CLB. VPF là đơn vị tạo sân chơi cho giải đấu còn mức độ đầu tư ảnh hưởng rất lớn ở CLB. Giờ bảo làm kiểu gì thì bao nhiêu tiền làm cũng không đủ nếu các CLB không quyết tâm. Nếu CLB quyết tâm, thi đấu máu lửa thì người hâm mộ sẽ đến sân, giả bản quyền tăng, có nhiều nguồn thu khác thì họ sẽ bổ trợ qua lại được. Cuộc chơi này thì các CLB có vai trò rất quan trọng. Thai-League, K-League hay J-League thì đều như thế. Khi CLB đầu tư bài bản, khoa học, là niềm tự hào, kiêu hãnh của một địa phương thì tất yếu, giải đấu sẽ hấp dẫn. Ở Việt Nam, nhiều CLB làm tương đối, cũng có nhiều CLB còn chưa biết mùa sau sẽ như thế nào nữa thì làm sao so sánh được. Tất nhiên, so sánh để phấn đấu và biết mình đang ở đâu, thiếu điều gì để khắc phục.

Việc học tập, tham quan nhiều mô hình trong thời gian qua đúc rút ra vấn đề: nơi nào CLB xây dựng được là niềm kiêu hãnh của địa phương thì CLB đó thành công. Khi giải đấu có nhiều CLB như thế thì giải đấu đó sẽ có sự hấp dẫn.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nam Giao

Vũ Mạnh Hải  (27/12/2016 06:15:23)
vumanhkhoe0708@gmail.com
Theo ông Cao Văn Chóng, tất cả phụ thuộc vào CLB, vậy thì VPF làm gì? Nếu thế có cần VPF hay không?
phuclb  (16/12/2016 04:02:02)
phuclbcccp76@gmail.com
Tôi thấy ông Chóng toàn viện lý do nền bóng đá Việt Nam thấp, do các địa phương có chiến lược riêng...v.v... nhưng chả thấy vai trò, chức năng và trách nhiệm của ông VPF đâu cả mà đặc biệt phương pháp và tổ chức thực hiện công việc của ông VPF Thiết nghĩ ông xem lại Quy chế và cách vận động đôi bóng lên hạng và xuống hạng đi! GIẢI TÁN VPF
Võ Bình  (28/11/2016 03:41:59)
binhvvan@gmail.com
Để phát triển bóng đá VN thì bảo một mình ông VPF làm sao nổi. VFF là cơ quan chủ quản của VPF và cũng là tổ chức xã hội nghề nghiệp về bóng đá, họ đã làm gì để phát triển nó hay làm chức năng QLNN về bóng đá. Bóng đá VN cần cú hích vô địch như 2008 để VFF tận dụng đó triển khai mạnh mẽ công tác đào tạo trẻ. Nói chuyên nghiệp nhưng thầy chưa chuyên thì lấy đâu ra trò chuyên, VFF nên hỗ trợ đào tạo HLV đào tạo trẻ cho các CLB, có thể mời các chuyên gia nước ngoài dạy cho các HLV VN về huấn luyện thể lực, chiến thuật... Hỗ trợ các địa phương tổ chức các giải U11-U15 để phát hiện tài năng. Phía Nam đã có PVF đang hoạt động tốt cần nhân rộng mô hình ra phía Bắc và miền Trung. Xây dựng mô hình đào tạo mẫu cho các trung tâm này về cách tuyển sinh, kết hợp giữa đào tạo chuyên môn và văn hoá, chọn các HLV Nhật, Hàn, Triều để phù hợp với người Việt... Cho ra lò nhiều tài năng thì chả bao giờ lo kim tự tháp ngược cả.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến