Thể thao Việt Nam dặm dài khen và thưởng

Thứ Năm, 4/2/2016, 6:19 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn)- Từ chỗ chỉ có bánh xà bông với cái khăn mặt cho một tấm HCV thì nay các VĐV có thể sống khoẻ với những khoản tiền thưởng mà họ giành được.  

Còn nhớ một ngày Xuân cách đây 15 năm, khi tôi đi tìm tư liệu viết số báo Xuân đầu tiên trong sự nghiệp phóng viên thể thao của mình, tôi được gặp VĐV điền kinh huyền thoại Bùi Lương, chia sẻ của ông về những phần thưởng mà ông nhận được trong suốt sự nghiệp lẫy lừng của mình thật đơn giản: “Sau khi về Nhất tại giải Việt dã báo Tiền Phong (đầu những năm 1980), tôi đã nhận được phần thưởng là xà phòng, khăn mặt bông và niềm tự hào không gì đánh đổi được”.

Những năm tháng không quên

Ngày đó, đất nước còn khó khăn vô cùng, các VĐV hết sức thiệt thòi cả về cơ sở vật chất tập luyện lẫn chế độ lương, thưởng, vậy mà họ vẫn cống hiến hết sức mạnh mẽ và đam mê. Đó là những thế hệ huyền thoại như VĐV Bùi Lương, xạ thủ Trần Oanh, xạ thủ Ngô Ngân Hà, Vũ Thị Sen (bơi), Nhan Vị Quân (bóng bàn)…

Năm 1989, khi Việt Nam lần đầu trở lại với đấu trường SEA Games. Đó là kỳ SEA Games thứ 15 tại Malaysia với 46 VĐV và xạ thủ Ngô Ngân Hà đã giành tấm HCV cá nhân duy nhất, gây tiếng vang mạnh mẽ với bạn bè quốc tế bởi nội dung súng trường tiêu chuẩn – một nội dung có rất nhiều đối thủ mạnh tầm cỡ châu lục. Đoàn thể thao Việt Nam giành được 3 HCV, 11 HCB và 5 HCĐ, song họ hoàn toàn không có tiền thưởng như các VĐV bây giờ. Họ trở về với tấm huy chương cao quý và đương nhiên, có những phần thưởng là cái chậu rửa mặt, chiếc xe đạp được cấp phát trước thời hạn. Nhưng hơn tất thảy, đó là niềm vinh dự, sự trân trọng mà người dân cả nước dành cho họ.

Tới thời mỗi HCV được 3 cây vàng

Năm 1998, khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chế độ cho những VĐV, HLV đoạt huy chương các giải đấu quốc tế với tấm HCV SEA Games được thưởng 15 triệu đồng. Lúc đó, đã là một sự tiến bộ vô cùng lớn, là nguồn thúc đẩy mạnh mẽ cho các VĐV bởi tấm HCV lúc đó là hiếm, quý vô cùng mà 15 triệu đồng tương đương với 3,2 cây vàng (460.000/chỉ).


Cháy hết mình về Tổ quốc vẫn luôn là sợi chỉ đỏ kết nối bao thế hệ VĐV Việt Nam - Ảnh: Quốc Khánh

Nhưng vào năm đó, vì không có sự kiện thể thao quốc tế lớn nào diễn ra nên số tiền thưởng cả năm chỉ có vẻn vẹn hơn 50 triệu đồng.

Chỉ một năm sau, năm 1999, đoàn Thể thao Việt Nam đã gây đột biến ở SEA Games 20 tại Brunei với 64 tấm huy chương các loại (17 HCV, 20 HCB và 27 HCĐ).

Điều chỉnh liên tục, VĐV đổi đời  

Từ năm 1998 đến năm 2006, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh, thưởng cho HCV SEA Games là 25 triệu. Năm 2011, căn cứ lộ trình tăng lương cơ bản, mức thưởng cho các VĐV đạt thành tích cao đã vươn lên mức 45 triệu đồng/HCV và duy trì cho tới nay. Nước lên, thuyền lên là hoàn toàn chuẩn xác.

Mức tiền thưởng tăng cao vừa đáp ứng mong mỏi của các VĐV lại vừa đi đúng theo xu hướng chung của thế giới. Bên cạnh đó, nó cũng phần nào thể hiện được sự phát triển đều đặn liên tục của Thể thao Việt Nam.

Theo thống kê của các chuyên gia trong lĩnh vực thi đua khen thưởng của Tổng cục TDTT, vào năm 2006, sau khi được tăng mức thưởng thì thành tích của Thể thao Việt Nam cũng tăng trưởng nhanh chóng với hàng trăm tấm huy chương ở mọi đấu trường khu vực, châu lục và cả thế giới. Thể thao Việt Nam có lực lượng VĐV thi đấu càng lúc càng nhiều môn, từ các môn Olympic đến các môn thể thao mới, hiện đại. Từ vài chục giải vô địch Đông Nam Á những năm 2000, đến năm 2006, thể thao Việt Nam đã có “quân” đi thi đấu tới hơn 200 giải đấu quốc tế. Đến năm 2011, số lượng các giải đã vào khoảng 400 giải đấu mà chưa kể tới các đoàn địa phương.

Năm 2011, tiền thưởng của cả năm chính xác là 35,2 tỷ đồng thì năm 2014, con số đó đã là 46,2 tỷ đồng. Năm nay, 2015, số tiền thưởng cho các VĐV lên tới gần 60 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xã hội cũng quan tâm rất nhiều tới VĐV. Các VĐV có thu nhập nhờ tiền thưởng lên tới hàng trăm triệu thậm chỉ cả tỷ đồng ở những trường hợp cá biệt như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi). Còn nhớ năm 2011, Trương Thanh Hằng (điền kinh) đã từng nhận tới 300 triệu tiền thưởng.

Và những mơ ước bên cạnh chữ ‘thưởng’

Theo các chuyên gia thể thao, dù nhận được sự quan tâm của Nhà nước, nhưng mức thưởng hiện tại vẫn chưa tương xứng với công sức của các VĐV. Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao từng cho rằng: “Hiện tại lương và tiền công tập luyện của đa số VĐV thấp, chỉ tương đương 3,5 - 4 triệu đồng, chỉ khi tập trung cho chiến dịch như SEA Games thì tiền công được tăng lên, nhưng chủ yếu là để tăng cường mức ăn cho VĐV. Bởi thế nhiều VĐV chỉ trông vào thành tích SEA Games để đổi đời. Trong khi đó SEA Games diễn ra 2 năm/ lần. Nếu được HCV, chia ra số tháng luyện tập là 24 tháng thì mức thưởng là quá thấp và nhìn chung là các VĐV vẫn sống trong khó khăn khi giải nghệ”.

Đó mới chỉ là một trong số các vấn đề còn tồn tại. Nói về tiền thưởng cho VĐV thể thao thì thậm chí giữa các môn cũng đã có sự chênh lệch. Như các VĐV bóng đá, bóng chuyền, mức thưởng rất khủng, nhưng thành tích thì chưa thể vượt qua được đỉnh cao của khu vực chứ chưa nới tới châu lục.


Cuộc sống của Vũ Bích Hường, tượng đài điền kinh thể thao làm rơi nước mắt bao người là bài học về thưởng - Ảnh: Quốc Khánh

Còn nếu so sánh với những phần thưởng gameshow đầy rẫy trên truyền hình thì càng bất cập. Các VĐV hàng năm trời luyện tập, mất nhiều mồ hôi, nước mắt của VĐV cũng chỉ bằng 1/2 số tiền thưởng tuần gameshow Gương mặt thân quen (100 triệu đồng/tập), hay thấp hơn nhiều so với quán quân Giọng hát Việt (500 triệu đồng)… Thế nhưng mọi sự so sánh đều là khập khiễng bởi các chương trình gamesshow khi kiếm được tiền quảng cáo, tài trợ, còn các VĐV Việt Nam, ngoài tấm huy chương và niềm tự hào dân tộc, họ chẳng có gì, chẳng kiếm được nhà tài trợ nào cả và nhiều doanh nghiệp thì nghĩ tới thương hiệu hơn là trách nhiệm cộng đồng. Còn vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao cũng hoạt động ì ạch như thời bao cấp.

Những khoảnh khắc ấn tượng của Thể thao Việt Nam năm 2015

Những khoảnh khắc ấn tượng của Thể thao Việt Nam năm 2015

SEA Games 28, VCK U23 châu Á, vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á...chính là những giải đấu đáng chú ý của Thể thao Việt Nam trong năm 2015. Cũng từ đây, những khoảnh khắc đẹp, xúc động của các VĐV Thể thao Việt Nam đã được ghi lại.


Mặt khác, thưởng cao hơn là đúng, nhưng đi với thưởng còn đó chế độ chăm sóc cho các VĐV về y tế, khoa học, giáo dục đào tạo, trang bị cho các VĐV những điều tuyệt vời hơn, đáng cho họ cống hiến hơn cả mức thưởng khủng.

Nhưng thưởng đúng chỗ, khuyến khích được các VĐV đến với đấu trường Olympic lại càng rất quan trọng. Tại sao thưởng HCV SEA Games cao như vậy mà vượt qua vòng loại Olympic lại hoàn toàn không có. Còn nhớ cách đây cả chục năm, tại Olympic 2008, VĐV Hoàng Hà Giang (vừa mất khi tròn 24 tuổi) còn nói với tôi: “Chị ơi, em vượt qua vòng loại cùng chị Hoài Thu vất vả vậy mà chẳng được thưởng bằng một phần của tấm HCV SEA Games. Vậy thì ai còn muốn giữ sức để tập luyện, thi đấu đoạt vé tới Olympic hả chị”.

Mong thưởng cho các VĐV tiếp tục đổi mới!

Khi Thể thao Việt Nam tái hòa nhập đấu trường SEA Games vào năm 1989, đã giành được ngay 3 tấm HCV, đứng vị trí thứ 7/9 quốc gia tham dự. 3 xạ thủ giành được HCV năm đó được thưởng bằng hiện vật, là bánh xà phòng, khăn mặt bên cạnh một tấm bằng khen. Trong quãng thời gian suốt 9 năm, từ 1989 đến 1998 thể thao Việt Nam vẫn chưa có quy chế khen thưởng cho các VĐV đoạt huy chương ở mọi đấu trường thể thao quốc tế…. Còn giờ đây, quy chế ngày được kiện toàn và mức thưởng được nâng cao. Tổng tiền thưởng cho các VĐV, HLV đạt thành tích cao năm 2015 lên tới gần 60 tỉ đồng.

Ánh Dương
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến