Taekwondo không bị karate đe dọa ở Tokyo 2020

Thứ Ba, 23/8/2016, 14:3 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Yang Jin Bang, Tổng Giám đốc Liên đoàn taekwondo thế giới (WTF), nói tình hình đã thay đổi và WTF không còn coi karate là một mối đe dọa.

Taekwondo trước giờ vẫn phản đối việc đưa karate vào nội dung thi đấu Olympic bởi WTF coi đây là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với họ, nhưng Yang Jin Bang nói mọi thứ đã thay đổi. “Họ đã nỗ lực một thời gian dài và giờ họ sẽ tổ chức Olympic 2020 ở quê nhà của môn karate”, Yang nói. “Họ may mắn vì có cơ hội này, nên chúng tôi chúc mừng họ và chúng tôi sẽ cùng thi đấu vì một kỳ Thế vận hội tốt đẹp hơn”.

Ngoài việc đánh giá cao kỳ Olympic ra mắt của karate, Yang tin rằng hai môn thể thao này có thể bổ sung lợi ích cho nhau. “Tôi nghĩ có cơ hội tốt cả hai bộ môn sẽ đạt được sự tiến bộ”, dù ông chưa khẳng định karate có mặt ở Olympic cũng là điều tốt với taekwondo. “Không tích cực, không tiêu cực, chỉ là thêm một môn thể thao nữa”.

Đã có khá nhiều môn thể thao võ-vật đối kháng ở Thế vận hội, như judo, vật, quyền anh, đấu kiếm…, và Yang nói ông coi karate và taekwondo là hai môn “nước sông không phạm nước giếng”. Tuy nhiên với người hâm mộ không chuyên, cả hai môn này đều là những đòn đánh bằng tay và chân khá giống nhau.

Yang bác bỏ điều đó: “Thoạt trông thì giống nhau, nhưng đó là hai hệ thống hoàn toàn khác, giống như nhiều môn thể thao với bóng hoàn toàn khác nhau, vậy thì tại sao chúng ta không có điều tương tự với các môn võ. Taekwondo có một bản sắc riêng, đặc biệt: Ai là người giỏi nhất trong các đòn đá. Bạn có thể nói karate và taekwondo khá giống nhau, nhưng trong taekwondo, các đòn tay không có nhiều ý nghĩa, mà là đòn chân. Karate nhấn mạnh các đòn tay hơn, nên chúng tôi hoàn toàn khác nhau”.

Dù karate sẽ là một phần của Thế vận hội Tokyo, điều đó không có nghĩa môn thể thao này sẽ vào chương trình Olympic thường trực. “IOC (Ủy ban Olympic quốc tế) trao cho họ cơ hội thể hiện, nhưng họ chưa phải là môn cố định như chúng tôi”, Yang nói. Ông cũng khẳng định taekwondo đã trở nên cực kỳ phổ biến ở nhiều châu lục.

Tại Rio, VĐV người Jordan Ahmad Abughaush đã giành huy chương Olympic đầu tiên về cho đất nước mình với HCV ở nội dung 68 kg, trong khi Kimia Alizadeh giành huy chương đầu tiên cho Iran, HCĐ ở nội dung 57 kg dành cho nữ, đều là taekwondo.

Yang tin rằng vị thế của taekwondo ở Olympic được bảo đảm, bất chấp việc karate sẽ được đưa vào. “Đó là quyết định của IOC, nhưng không có nghĩa là karate vào thì chúng tôi bị loại, hay ngược lại. Chúng tôi không nhìn nhận vấn đề như thế. Nhiều nước đã học taekwondo và chúng tôi có những lợi thế riêng như hệ thống chấm điểm và mọi thứ khác”, Yang nói. “Rất nhiều người thích taekwondo, và đó mới là điều quan trọng với chúng tôi”.

Ở các giải vô địch thế giới và châu lục, taekwondo có 8 hạng cân cho nam và nữ, nhưng ở Olympic chỉ có 4. “Chúng tôi là môn thể thao võ đối kháng trẻ nhất và có lượng VĐV bằng 1/4 so với judo, vật, đó là lý do chúng tôi muốn có thêm hạng cân, để phân định sự khác biệt, vì lý do công bằng và an toàn”.

T.T (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến