Roger Federer sau danh hiệu thứ 100: Tìm vàng ở Olympic

Chủ Nhật, 10/3/2019, 14:13 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Ước mơ trở thành nhà vô địch Olympic trước sinh nhật thứ 39 của anh vẫn luôn là điều mong mỏi của tay vợt người Thụy Sĩ.

Roger Federer vô địch Dubai Open 2019: Xin chào Quý ngài 100

Roger Federer vô địch Dubai Open 2019: Xin chào Quý ngài 100

“Chào mừng đến CLB 3 con số về danh hiệu, Roger Federer. Tôi đã cô đơn nhiều năm qua, giờ thì có bạn đồng hành rồi”, huyền thoại Jimmy Connors đã viết như thế trên Twitter sau khi Roger Federer cán mốc 100 danh hiệu trong sự nghiệp, với chức vô địch ở Dubai.

Một tay vợt vĩ đại

Trong 20 năm qua, diện mạo của quần vợt thế giới luôn là Roger Federer. Với danh hiệu ATP thứ 100 giành được ở Dubai mới đây sau thắng lợi trước Stefanos Tsitsipas (tay vợt đã loại anh ở vòng 4 Australian Open cách đây 2 tháng), có vẻ như hình ảnh này vẫn còn đó, không dễ dàng biến mất. Federer đã trở thành tay vợt thứ 2 trong lịch sử (sau Jimmy Connors với 109 danh hiệu) bước vào CLB 100 của ATP Tour, trong đó có 20 Grand Slam, 27 Masters và 6 World Tour Finals.

Thật khó tin là ở cái tuổi gần 40 này, tay vợt người Thụy Sĩ vẫn tạo ra những điều không tưởng. Chỉ mới năm 2018, anh giữ vị trí số 1 thế giới một lần nữa, sau 14 năm kể từ lần đầu tiên đạt được vị trí này. Mặc dù Federer khiến các trận đấu trở nên dễ dàng với lối chơi tốc độ và kĩ thuật của anh, hành trình đi tới con số 100 không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Danh hiệu ATP đầu tiên mà FedEx giành được là năm 2001, ở một giải đấu trong nhà tại Milan, khi anh mới 18 tuổi. Đây cũng là năm anh khẳng định mình ở sân chơi Grand Slam, với chiến thắng mang tính biểu tượng cho một cuộc chuyển giao quyền lực trước thần tượng Pete Sampras tại Wimbledon.

Tuy vậy thì cũng phải tới năm 2003, sau khi mất HLV và người bạn thân người Australia là Peter Carter trong một vụ tai nạn xe hơi ở Nam Phi, Federer mới trở thành một hiện tượng thực sự. Anh đã thống trị trong giai đoạn 2003-2007 khi giành 12 danh hiệu Grand Slam và 2 trong số những thắng lợi này là trước Rafael Nadal ở Wimbledon.

Ở thời điểm đó, không một ai đánh như Federer. Tốc độ, những cú đánh đa dạng, giao bóng uy lực được kết hợp để tạo nên một thiên tài trên sân. Anh giống như một nghệ sĩ thể thao. Anh chơi như vậy với phong thái điềm tĩnh và khiêm tốn, kể cả trong những thời điểm khó khăn khi anh thất bại, đặc biệt trước Nadal trên mặt sân đất nện và ở French Open. Điều đó khiến anh được tất cả yêu mến và ngưỡng mộ bởi hiếm có tay vợt nào có tính cách khiêm tốn như vậy lại luôn khát khao giành chiến thắng.

Chẳng có gì ngạc nhiên nếu Federer lần lượt vượt qua những tay vợt của thế hệ cũ (Sampras, Andre Agassi, Andy Roddick), những tay vợt vĩ đại ở thế hệ của anh (Nadal, Novak Djokovic, Andy Murray), và giờ là những tay vợt của thế hệ tương lai (Borna Coric và Tsitsipas chỉ tính ở giải Dubai vừa qua).

Federer không chỉ là tay vợt đặc biệt mà còn là tay vợt chỉ xuất hiện một lần trong đời.

Giấc mơ Olympic

Đối với một tay vợt đã giành được 100 danh hiệu ATP như Federer, những con số sẽ luôn ấn tượng. Chẳng hạn như anh đã giành được 20 Grand Slam, một kỉ lục; 27 Masters; 8 Wimbledon, một kỉ lục; 6 Australian Open, chỉ sau Djokovic; 69 danh hiệu trên mặt sân cứng; 18 danh hiệu trên mặt sân cỏ; 11 danh hiệu trên mặt sân đất nện, 6 World Tour Finals, một kỉ lục; 12 danh hiệu trong năm 2006, mùa giải ấn tượng nhất của Federer; 24 trận chung kết liên tiếp từ tháng 10/2003 đến tháng 11/2005…

Liệu FedEx có đuổi kịp Connors ở CLB 100 chỉ có anh và huyền thoại người Mỹ (Nadal giờ mới có 80 danh hiệu, Djokovic là 73), ở tuổi 37, Federer đủ khôn ngoan để biết anh có thể kéo dài sự nghiệp đến khi nào. Tình yêu với tennis vẫn còn đó, khát khao giành các danh hiệu chưa bao giờ biến mất, đặc biệt với một danh hiệu luôn lảng tránh anh lâu nay: tấm huy chương vàng Olympic ở nội dung đánh đơn.

Nỗ lực theo đuổi tấm huy chương vàng đó giống như cuộc tìm kiếm Chén Thánh trong truyền thuyết hay cuộc tìm kiếm danh hiệu Olympic của đội tuyển bóng đá Brazil. Với Federer là 16 năm kể từ lần đầu tiên anh tham dự Olympic 2000 tại Sydney, lọt vào đến vòng bán kết và để thua Tommy Haas, rồi Arnaud Di Pasquale ở trận tranh huy chương đồng.

Đến năm 2004 ở Athens, anh thậm chí để thua tay vợt 18 tuổi Tomas Berdych ở vòng 2 dù đang giữ vị trí số 1 thế giới, vô địch Australian Open và Wimbledon; năm 2008 là trước James Blake ở tứ kết dù là hạt giống số 1; năm 2012 là trước Murray ở chung kết. Riêng năm 2016, anh không tham dự sau ca phẫu thuật đầu gối từ Wimbledon.

Dĩ nhiên thì Federer chẳng cần đến tấm huy chương vàng ở nội dung đánh đơn, sau khi đã giành huy chương vàng ở nội dung đánh đôi với Stan Wawrinka ở Olympic 2008, để khẳng định anh như là tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử, sau những gì anh đã thể hiện trong 20 năm qua.

Tuy vậy, tham vọng và cái tôi có thể giúp FedEx duy trì sự nghiệp đến tháng 8/2020 ở Tokyo. Trận chung kết ở nội dung đánh đơn vào ngày thứ 2 của tháng đó, 6 ngày trước sinh nhật thứ 39 của anh. Federer chắc chắn yêu thích những con số như vậy. Nên nhớ rằng, lịch sử chỉ có 15 nhà vô địch Olympic thời hiện đại ở tennis và kể từ khi quần vợt trở lại chương trình thi đấu vào năm 1988. Murray, người đã đánh bại anh ở trận chung kết Olympic 2012 ở London, là tay vợt duy nhất giành được 2 huy chương vàng. Còn anh thì chỉ cần một lần là đủ và nói lời chia tay mãi mãi.

Và biết đâu, chẳng cần chờ đến Olympic 2020 khi mục tiêu của Federer là danh hiệu Grand Slam thứ 21. Dù sao thì Nadal, với 17 danh hiệu, và Djokovic, với 15 danh hiệu, cũng đang đe dọa vị trí số 1 của anh nếu anh không có thêm danh hiệu nào nữa.

Mạnh Hào

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến