(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi trở thành biểu tượng hoàn hảo của quần vợt với phong cách thi đấu hào hoa, lịch lãm, Roger Federer cũng đã từng là một tay vợt không giỏi kiềm chế cảm xúc.
Federer từng không phải một quý ông
David Law, cựu Giám đốc truyền thông ATP từng chia sẻ rằng Federer không thực sự là một người khiêm tốn, nhã nhặn trong quá khứ như bây giờ. Có lẽ người ta nên tin những gì ông Law nói bởi chính ông là người đã giúp Federer trong việc giữ hình ảnh trên truyền thông, cách trả lời phỏng vấn trong phòng họp báo và khá thân thiết với cựu số 1 thế giới. “Trong những lần chúng tôi cùng tới một giải đấu, nơi mà cậu ấy thể hiện tinh thần thi đấu khá kém cỏi, hay gắt gỏng, đập vợt thì đối với tôi, cậu ấy như một đứa trẻ vậy. Thành thực mà nói, cậu ấy từng là người không trưởng thành và “mè nheo” chả kém gì em bé. Mất một thời gian dài sau này Federer mới trưởng thành và trở thành người như bây giờ”, Law cho biết.
Như vậy thì trước Nick Kyrgios hay Tomic, bộ đôi hay gặp những phiền toái, scandal vì lối hành xử không đúng mực của mình trên sân, thì Federer cũng từng như vậy. Tay vợt sở hữu 19 danh hiệu Grand Slam có thể không bao giờ rỉ tai đối thủ về người bạn gái kém chung thủy như Kyrgios đã làm, hoặc không tỏ thái độ trước truyền thông rằng anh đã chán ngấy quần vợt như Tomic nhưng lại khóc rất nhiều khi thua trận đặc biệt là ở trận chung kết đầu tiên tại Marseille.
“Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tập luyện với cậu ấy. Trong ấn tượng của tôi, đó là một gã Thụy Sĩ thật tài năng nhưng cũng thật lười biếng. Thông thường, khi còn trẻ, bạn sẽ lo lắng nhiều hơn, vì thế mà chăm chỉ hơn vì bạn muốn chơi tốt. Nhưng Federer thì bước ra sân đấu với thái độ kiểu cậu ta chẳng bận tâm mấy”, Marc Rossett, cựu ngôi sao người Thụy Sĩ cho biết.
Law gặp Federer khi “tàu tốc hành” mới 16 tuổi và khẳng định rằng lúc ấy Federer cũng như bao cậu chàng tuổi teen khác mà ông biết, ngớ ngẩn, mê trò chơi điện tử và dễ xúc động. Còn Federer của ngày hôm nay, người gần như không bao giờ cư xử thiếu đúng mực lại là tấm gương về cách hành xử trong thể thao trên toàn thế giới.
Tay vợt vĩ đại nhất thế giới trở thành HLV, và người đàn ông giàu nhất thế giới là học trò. Những bài học được mang theo anh từ Australia: Quyết liệt nhưng thư thái. Thở sâu. Tập trung vào quả bóng như khi ngồi thiền.
Tuổi trẻ hoang dã và bước ngoặt
“Cậu ấy thích nghe bất kỳ thể loại nhạc nào ồn ã. Cựu HLV của cậu ấy, Peter Lundgren thường đưa cậu ấy đi chơi trên một chiếc ô tô thuê ở Miami rồi họ nghe nhạc và hát ầm ĩ. Mọi người không biết góc khuất này của Federer chứ thực ra cậu ấy rất thích sự ồn ào, náo nhiệt và hào nhoáng”, Law nói tiếp.
Thậm chí Federer còn từng giả vờ mình là Hulk Hogan, cựu đô vật nổi tiếng. “Trong phòng thay đồ, trong nhà tắm, cậu ấy thường hay gào toáng lên để giả mạo giọng nói của một nhân vật nào đó mà thường là trong các trận đấu vật WWE mà cậu ấy theo dõi. Federer có rất nhiều năng lượng, thậm chí là dư thừa”, Law tiếp tục tiết lộ.
Nhưng sự trẻ con và ồn áo ấy của Federer không kéo dài. Một cuộc gọi định mệnh thông báo rằng Peter Carter, vị HLV đã dẫn dắt anh từ năm 9 tuổi đến năm 18 tuổi chết trong một tai nạn giao thông khi đang du lịch năm 2002 đã hoàn toàn thay đổi con người Federer. “Federer đã thực sự sụp đổ. Nhưng điều đó giúp cậu ấy trưởng thành cực kỳ nhanh chóng bởi trước đây có lẽ cậu ấy chưa bao giờ chứng kiến một sự ra đi nào gần gũi như thế. Nỗi đau đó đã khiến Federer mất tinh thần một thời gian dài nhưng đứng lên mạnh mẽ. Anh đến Wimledon năm sau đó và giành chức vô địch Grand Slam đầu tiên trước khi giành thêm 3 danh hiệu nữa năm 2004. Phần còn lại, là của lịch sử.
Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa