(Thethaovanhoa.vn) – Cây bút thể thao của Sportmail, Martial Samuel cho rằng dịch COVID-19 là một thảm kịch và nó sẽ thay đổi thế giới bóng đá hoàn toàn.
Ngày này năm ngoái, 28/3/2019, MU chính thức ký hợp đồng 3 năm với Ole Gunnar Solskjaer. Trong 12 tháng qua, Quỷ đỏ dưới triều đại nhà cầm quân người Na Uy đã thể hiện một bộ mặt như thế nào?
Bóng đá sẽ không còn giống như trước đây. Dịch COVID-19 sẽ làm thay đổi toàn bộ thế giới bóng đá, từ Thị trường chuyển nhượng (TTCN), cho đến mùa giải kế tiếp và thế hệ cầu thủ tiếp theo và hơn thế nữa.
Trước mắt, COVID-19 đã khiến cho thế giới bóng đã tạm thời bị tê liệt. Dịch bệnh này sẽ làm đảo lộn TTCN, giá cả của các cầu thủ và cả sự ổn định về tài chính của các CLB. Bóng đá có thể cũng sẽ giống như nền kinh tế của phương Tây, sẽ mất hàng thập kỷ để hồi phục. Từ Newcastle tới Barcelona, thế giới bóng đá đã phải điều chỉnh để ứng phó với COVID-19 và lần này, người ta không có lựa chọn nào khác.
Thật vô nghĩa khi đổ lỗi cho bóng đá về những khó khăn đã xảy ra trong những tuần gần đây. Thật vô nghĩa khi người ta tự hỏi rằng tại sao bóng đá không sở hữu một cơ chế chống lại cuộc khủng hoảng đã khiến cho toàn bộ thế giới túc cầu bị đình trệ.
Các chủ nhà hàng đang ăn nên làm ra cũng có thể đối mặt với tình trạng không có một khách hàng nào đến quán của mình chỉ sau 1 đêm khi đại dịch xảy ra. Bóng đá cũng như vậy. Trái bóng đang lăn trên khắp mặt sân cỏ châu Âu rồi đột ngột dừng lại ngay lập tức.
Các hãng hàng không đã sụp đổ khi vắng những hành khách, vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi mà thế giới bóng đá bị tê liệt với việc chẳng có một trận đấu nào diễn ra cả. Không có các đám đông CĐV đổ đến mua vé, doanh thu từ bản quyền truyền hình và nguồn tiền từ nhà tài trợ cạn dần, các CLB lúc này đang gặp vô vàn khó khăn.
Chúng ta có thể tranh luận về việc các CLB có thể vượt qua những thời điểm khó khăn nhờ kế hoạch chi tiêu hợp lý của mình. Nhưng chẳng có chiến lược nào có thể chống lại một cách hiệu quả trước đại dịch đang xảy ra khắp toàn cầu. Nó cũng giống như việc một chủ quán café ở Hiroshima vào năm 1945 làm sao có thể ứng phó được nếu một quả bom nguyên tử trút xuống.
Không một cá nhân nào có thể cảm thấy thoải mái khi đứng giữa một đám đông khi mà COVID-19 bùng phát. Không một CLB nào có thể mạo hiểm mua sắm và cũng chẳng có một nhà đầu tư hay nhà tài trợ bóng đá nào tiêu tốn nhiều tiền cho các kế hoạch đầy tham vọng nữa.
Thị trường chuyển nhượng cầu thủ sẽ rất khác so với trước đây. Chúng ta có thể tưởng tượng một mùa Hè mà các CLB hỏi mua Jadon Sancho với giá 150 triệu bảng. Nhưng liệu có CLB nào dám làm như vậy trong bối cảnh họ bị thiệt hại nặng nề về tài chính bởi COVID-19?
Barcelona, một trong số những CLB giàu nhất thế giới, đã khiến các cầu thủ của mình bực tức vì kế hoạch giảm lương tới 70% hoặc 50%. Rõ ràng, đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới những CLB nhỏ mà ngay cả những đội bóng giàu có cũng lao đao.
4 CLB ở Bundesliga dự Champions League, Bayern Munich, RB Leipzig, Borussia Dortmund và Bayer Leverkusen, đã quyên góp 20 triệu bảng để cữu lấy những đội bóng còn lại của giải đấu và cả những đội bóng ở hạng dưới. Rõ ràng, thế giới bóng đá đã lâm vào một thảm kịch mà không ai có thể nghĩ tới cách đây 12 tháng. Giờ đây, những CLB ủng hộ Luật công bằng tài chính lẫn những đội bóng vi phạm đều sống khổ sở vì COVID-19.
Các CLB giờ đây sẽ có sự điều chỉnh về mặt chi tiêu trên TTCN. Họ sẽ không bỏ ra 100 triệu bảng để mua một cầu thủ hay tiêu tốn 20 triệu bảng tiền hoa hồng cho những người đại diện. Nếu dịch COVID-19 bùng phát trở lại sau 9 tháng nữa, những CLB đều biết phải làm gì. Theo cách đó, bóng đá sẽ thay đổi.
Các CLB sẽ kiên nhẫn với những cầu thủ trẻ hay vì mua sắm ồ ạt. Nhiều CLB có thể sử dụng những cầu thủ từ lò đào tạo của mình như Chelsea hay MU ở mùa giải này. Ngoài ra, các CLB cũng sẽ kiên nhẫn với những cầu thủ được mua về thay vì mau chóng đẩy họ đi.
Premier League có thể là một môi trường thử nghiệm khắc nghiệt, đặc biệt với những cầu thủ nước ngoài. Fred, tiền vệ của MU, gây thất vọng ở mùa giải đầu tiên chơi cho “Quỷ đỏ”. Nhưng gần đây, cầu thủ người Brazil đã thi đấu ấn tượng.
Không phải cầu thủ nào cũng toả sáng ngay lập tức sau khi chuyển đến Premier League như Bruno Fernandes. Vì vậy, nhiều CLB có thể sẽ kiên nhẫn và trao thêm thời gian để cho những cầu thủ của họ chứng tỏ bản thân.
Do hệ quả từ COVID-19, các nhà tài trợ, các hãng truyền hình sẽ cắt giảm ngân sách hoạt động của mình. Ngay cả những CĐV cũng có thể thay đổi thói quen bỏ tiền mua vé để xem các trận đấu. Rõ ràng, việc chi tiêu như trước sẽ không phù hợp với tình hình cuộc sống hiện tại.
Nhiều người hy vọng mọi thứ sẽ quay trở lại và các trận đấu sẽ tiếp tục trong mùa Hè năm nay, nhưng rất có thể thế giới bóng đá sẽ bước vào thời kỳ khó khăn, ảm đạm do hệ quả của COVID-19.
Sơn Tùng