Olympic 2020: Hoãn hay không hoãn?

Thứ Hai, 23/3/2020, 15:42 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều vận động viên và các tổ chức thể thao đang không có chung quan điểm với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) về việc sẽ tổ chức Olympic vào mùa hè này bất chấp đại dịch Covid-19.

Tin bóng đá MU 23/3: MU vạch 3 phương án chiêu mộ Griezmann. Arsenal ra yêu sách vụ Aubameyang

Tin bóng đá MU 23/3: MU vạch 3 phương án chiêu mộ Griezmann. Arsenal ra yêu sách vụ Aubameyang

MU vạch 3 phương án chiêu mộ Griezmann. Arsenal ra yêu sách vụ Aubameyang. Lingard và Pereira trên đường rời MU. Ferdinand ủng hộ MU mua Jack Grealish.

Những ý kiến trái chiều

Vào ngày 24/7, như các nhà tổ chức Olympic vẫn hi vọng, hàng ngàn vận động viên sẽ diễu hành vào sân vận động quốc gia ở Tokyo để dự lễ khai mạc sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Olympic mùa hè.

Liệu đó là điều thực tế hay chỉ là một ảo ảnh? Câu trả lời là mặc dù lịch thể thao quốc tế đã hoãn, hủy bỏ do sự lây lan của virus corona, các nhà tổ chức Olympic 2020 khẳng định sự kiện vẫn diễn ra. Thái độ này, đành rằng họ đã mất nhiều năm chuẩn bị và đổ hàng tỉ USD vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhanh chóng vấp phải làn sóng chỉ trích và phản đối từ các vận động viên, người hâm mộ và các quan chức Olympic quốc gia. Tất cả đều kêu gọi hoãn tổ chức Olympic vì sự an toàn của cộng đồng

Chẳng hạn như Liên đoàn bơi lội Mỹ muốn Olympic 2020 hoãn lại vì những trở ngại ngày càng tăng trong việc tập luyện và trong bối cảnh việc đi lại bị hạn chế do virus. Một ngày sau, Liên đoàn điền kinh Mỹ cũng đưa ra đề nghị tương tự.

Đến thứ Sáu vừa qua, Ủy ban Olympic quốc gia Na Uy đã trở thành ủy ban quốc gia đầu tiên muốn Olympic được hoãn lại cho đến khi đại dịch toàn cầu có thể được kiểm soát. Và một ngày sau, Ủy ban Olympic Brazil cũng tán thành hoãn Thế vận hội đến năm 2021.

Điều đáng nói là ngay tại Nhật Bản, một thành viên của Ủy ban Olympic cũng nghiêng về việc hoãn Olympic. “Khai mạc Thế vận hội vào thời điểm các vận động viên không thể tập luyện nhiều như họ muốn là đi ngược với khẩu hiệu 'vận động viên trước tiên','' Kaori Yamaguchi, thành viên của Ủy ban Olympic Nhật Bản từng giành huy chương đồng tại Thế vận hội Seoul 1988, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Asahi Shimbun. “Olympic nên được hoãn lại”.

Tuy vậy thì Thomas Bach, chủ tịch của IOC, trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm lại khẳng định, Olympic sẽ không bị hủy bỏ. Và trong khi ông bỏ ngỏ khả năng hoãn lại Olympic, ông cũng nói rằng, một quyết định sẽ không sớm được đưa ra.

Rắc rối là các nhà tổ chức không còn nhiều thời gian và vào lúc này, những yếu tố khác có thể sẽ quyết định thay cho Bach cũng như IOC. Chẳng gì thì Nhật Bản đã có lệnh cấm đi lại và đưa ra các biện pháp cách li nghiêm ngặt đối với du khách từ nhiều quốc gia. Hay trong một cuộc thăm dò quốc gia gần đây cho thấy phần lớn người dân đều không tin rằng Olympic có thể diễn ra theo kế hoạch.

Sau cùng thì các đài truyền hình và các hãng tiếp thị đang lo lắng trước việc lịch thể thao đã bị đảo lộn vì hàng loạt quyết định hủy bỏ và hoãn lại liên quan đến gần như mọi giải đấu và sự kiện lớn khác trên thế giới. Ngay cả NBC, một đài truyền hình Mỹ có ảnh hưởng lớn đến ban tổ chức, đã chuẩn bị cho khả năng Thế vận hội sẽ được chuyển sang năm 2021 hoặc xa hơn, bằng cách thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết mặc dù về lí thuyết, hãng vẫn chưa thực hiện bất kỳ sự chuẩn bị hậu cần lớn nào.

Chú thích ảnh
Hoãn hay không hoãn Olympic 2020 đang là chủ đề tranh cãi nóng bỏng trong thế giới thể thao hiện tại

Vẫn biết Olympic hiện đại là một sự kiện trị giá hàng tỷ USD của truyền hình, đóng vai trò là phương tiện đầu tư cho nhiều nhà tài trợ và đối tác truyền thông cũng như là nguồn giải trí cho hàng triệu người hâm mộ. Có điều, linh hồn của Olympic vẫn là các vận động viên, và do đó, vì sự an toàn của vận động viên, người ta không có lí do gì để không kêu gọi hoãn sự kiện.

Chẳng hạn như một số vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ đã công khai kêu gọi hoãn Olympic. “Đối với tất cả những vận động viên ở Mỹ, cũng như trên toàn cầu, như ở Italy và ở Trung Quốc, tôi nghĩ sẽ là một cuộc thi công bằng hơn ở Tokyo nếu Thế vận hội được hoãn để mọi người có thời gian chuẩn bị”, Laurie Hernandez, người giành huy chương vàng Olympic năm 2016, nói sau khi trung tâm tập luyện của cô ở California vừa bị đóng cửa vào tối thứ Năm vì yêu cầu hạn chế tụ tập đông người của tiểu bang.

Còn theo chủ tịch của Liên đoàn Thể dục dụng cụ Mỹ, Li Li Leung, họ sẽ khảo sát các vận động viên của mình trước khi quyết định có nên ủng hộ việc hoãn Thế vận hội hay không.

Tuy nhiên, Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ cho biết họ sẽ tiếp tục tán thành phương pháp chờ đợi và xem của IOC, dù quyết định này khiến nhiều vận động viên không hài lòng, trước lúc Liên đoàn bơi lội Mỹ kêu gọi hoãn Olympic.

Lợi ích từ tiền bạc

Tại trụ sở IOC ở Lausanne, Thụy Sĩ, một số kế hoạch thay thế đã được cân nhắc. Với việc hủy bỏ Olympic đã bị IOC bác bỏ trong tuần qua, nhiều nhà phân tích tin rằng, quyết định hợp lý nhất sẽ là chờ đợi một năm, khi thế giới có thể thoát khỏi đại dịch tồi tệ nhất. Đương nhiên, điều này sẽ phá vỡ các sự kiện lớn khác, trong đó có giải vô địch thế giới về bơi lội và điền kinh dự kiến diễn ra trong năm 2021.

Điều quan trọng là cho dù quyết định như thế nào, Bach khẳng định họ sẽ không bị chi phối bởi lợi ích tài chính, dù các quan chức IOC vẫn liên lạc thường xuyên với các nhà tài trợ hàng đầu và các hãng truyền hình.

Ở đây, một nửa doanh thu hoạt động của IOC là thu được từ các đối tác truyền thông của mình và khoảng 75% trong số đó đến từ NBC, hãng truyền hình năm 2014 đã đồng ý trả 7,75 tỷ USD cho tất cả bản quyền truyền thông của Mỹ đến Olympic 2032 (tức là trung bình 1,29 tỷ USD cho mỗi kì Olympic từ năm 2022 đến 2032, cao hơn 17% so với mức phí trung bình 1,1 tỷ USD mà NBC đã cam kết cho Olympic 2014-2020).

Theo Brian Roberts, giám đốc điều hành của Comcast, công ty sở hữu NBC, cho biết tại một hội nghị ở San Francisco trong tháng 3 rằng, công ty có bảo hiểm để đảm bảo rằng họ sẽ không bị thiệt hại trong trường hợp Olympic không diễn ra trong năm nay. Thực ra, việc tiếp tục tổ chức Olympic mùa hè này có thể xung đột lịch phát sóng của NBC bởi hãng cũng phát sóng giải NHL và Premier League, trong khi những trận đấu của hai giải này nhiều khả năng phải diễn ra trong hè.

Và không quên rằng, ngay đến các ủy ban Olympic như của Mỹ cũng sống nhờ truyền hình, IOC và Olympic. Chẳng hạn như Uỷ ban Olympic Mỹ nhận được 169 triệu USD từ Olympic mùa hè năm 2016 và 121 triệu USD từ Olympic mùa đông năm 2018, chiếm khoảng 1/2 doanh thu của ủy ban. Ở đây, bởi vì thanh toán sẽ không được thực hiện cho đến sau khi Olympic diễn ra, việc hoãn sự kiện có thể gây ra sự thiếu hụt tài chính nghiêm trọng cho tổ chức này.

Sau cùng thì ngay cả khi IOC quyết định Thế vận hội nên được hoãn lại, họ phải đạt được sự hài hòa với mong muốn và nhu cầu của quốc gia đăng cai, nhất là khi Nhật Bản đã đầu tư hàng tỉ USD vào Olympic 2020.

Những yếu tố tác động đến Olympic 2020

IOC không đưa ra thời điểm quyết định tổ chức hay không tổ chức Olympic nhưng việc tổ chức không có khán giả đã bị loại trừ. Điều quan trọng là người quyết định hoãn hay tiếp tục tổ chức Olympic không chỉ có IOC mà còn có tiếng nói của thành phố Tokyo và Ủy ban Olympic Nhật Bản. Dĩ nhiên, các bên vẫn phải tôn trọng ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong vấn đề đại dịch Covid-19. Thế nhưng, nếu IOC có ngân sách dự trữ 2 tỉ USD để bù đắp cho các khoản thâm hụt, phía Nhật Bản đã đầu tư ước tính 25 tỉ USD cho Olympic 2020.

Mạnh Hào

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến